Những thách thức, khó khăn trong điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV, tiêm chích ma túy

18-10-2022 10:36 | Y tế

SKĐS - Tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26- 44%).

Truyền hình trực tuyến: Điều trị VGC ở người đồng nhiễm HIV/VGC, người TCMT nhiễm VGCTruyền hình trực tuyến: Điều trị VGC ở người đồng nhiễm HIV/VGC, người TCMT nhiễm VGC

SKĐS - Vào 20h00, thứ Tư, ngày 12/10/2022, Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức chương trình Truyền hình trực tuyến với chủ đề "Điều trị viêm gan C (VGC) ở người đồng nhiễm HIV/VGC, người tiêm chích ma tuý nhiễm VGC".

Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan  C mạn tính. Trong số này, tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao, khoảng 34,4% (26- 44%).

Tình trạng nhiễm vi rút viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV.

Khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân HIV tại CDC Đồng Nai.

Khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân HIV tại CDC Đồng Nai.

Mặc dù hiện nay BHYT đã chi trả 50% tiền thuốc điều trị viêm gan C và các xét nghiệm liên quan đến khẳng định nhiễm viêm gan C, đánh giá xơ hóa gan, xơ gan. Tuy nhiên, mong muốn của người bệnh là được điều trị ở tuyến huyện, nhưng hiện tuyến huyện chưa được phép chi trả điều trị  viêm gan C theo BHYT. Bệnh viện tuyến huyện mới chỉ hỗ trợ chi trả BHYT cho bệnh nhân làm các xét nghiệm phát hiện, đánh giá xơ hóa gan và chuyển lên tuyến trên làm các xét nghiệm khẳng định viêm gan C.

Một thực trạng nữa là tỷ lệ người tiêm chích ma túy có BHYT còn rất thấp, trong khi đó nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan C nói chung và ở người đồng nhiễm HIV/viêm gan C, người sử dụng ma túy còn rất hạn chế.

Mặc dù, đã có những dấu hiệu tích cực cho việc điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C đối với người bệnh. Phần lớn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân trong việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Bên cạnh đó, giá xét nghiệm còn cao, mức hưởng từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với thuốc kháng vi rút trực tiếp cho bệnh nhân điều trị còn thấp cũng là một cản trở cho việc tiếp cận điều trị của người bệnh. Đây là những rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan C của người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C nói riêng và các bệnh nhân nhiễm viêm gan C nói chung. Ngoài ra, việc người bệnh tuân thủ điều trị và dự phòng tái nhiễm sau khi  được chữa khỏi cũng là những vấn đề cần quan tâm trong công tác điều trị.

Theo TS.BS. Cao Thị Thanh Thủy, Phòng khám viêm gan, truyền nhiễm, Trung tâm Khám bệnh số 1, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng ta cần có các giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức của người mắc viêm gan C, người đồng nhiễm HIV/viêm gan C, người tiêm chích ma túy.

Theo TS Thủy, để đảm bảo thành công của điều trị viêm gan C trên người nhiễm HIV thì trong điều trị cần lưu ý vấn đề tương tác thuốc vì người nhiễm HIV điều trị ARV và các thuốc khác. Trong quá trình điều trị cần phải theo dõi và có những đánh giá về  tương tác thuốc điều trị viêm gan C và thuốc ARV, thuốc lao và các thuốc khác trước và trong khi điều trị.

Đối với người bệnh sử dụng ma túy, điều trị Methadone thì không có tương tác thuốc nhưng người tiêm chích ma túy trong quá điều trị viêm gan C có thể  có thể bị gián đoạn điều trị hoặc bỏ trị do các vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng ma túy. Vì vậy người tiêm chích ma túy cần được hỗ trợ, duy trì điều trị methadone, ngoài ra hỗ trợ từ gia đình, người thân và tại cơ sở điều trị là rất cần thiết.

Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: Hiện nay, chúng ta đã có chiến lược toàn cầu đối với viêm gan vi rút, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mục tiêu đến năm 2030 có thể loại trừ viêm gan vi rút, HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục để không còn là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đi đầu áp dụng các khuyến cáo, các điều trị mới của Tổ chức y tế thế giới cũng như trong xây dựng chính sách, thực hiện các hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm viêm gan C (năm 2020) để cán bộ y tế ở tuyến huyện có thể thực hiện sàng lọc, xét nghiệm viêm gan C. Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị cũng liên tục được cập nhật trong đó có phần  hướng dẫn chẩn đoán điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan C.

Xem thêm video đang được quan tâm

Từ năm 2026- sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí

Khanh Nguyễn
Ý kiến của bạn