Hà Nội

Những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024

06-09-2023 08:45 | Thời sự

SKĐS - Học sinh cả nước đã bước vào năm học mới nhưng tình trạng thiếu giáo viên, bất cập về các môn học tích hợp, đổi mới thi tốt nghiệp THPT, học phí đại học… là những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học này.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, nguyên nhân do đâu?Nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, nguyên nhân do đâu?

SKĐS - Bộ GD&ĐT cho biết, dù đã tuyển mới được hơn 17.000 giáo viên nhưng cả nước vẫn thiếu hơn 118.000 giáo viên, chủ yếu ở mầm non. So với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người.

Năm học 2023-2024 đã bắt đầu từ ngày 5/9 với nhiều thách thức đặt ra với ngành giáo dục.

Tình trạng thiếu giáo viên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 1,23 triệu giáo viên, thiếu 118.200 người. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu gần 52.000 người.

Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chính là số trẻ mầm non tăng mạnh, bậc tiểu học tăng tỷ lệ học hai buổi mỗi ngày, THPT tăng số lớp, chương trình 2018 có nhiều môn học mới. Năm học qua có hơn 10.000 giáo viên nghỉ hưu, gần 9.300 người bỏ việc. Năm học 2022-2023, các địa phương được giao bổ sung 27.850 người nhưng chỉ tuyển được hơn 17.000 người.

Không chỉ thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Về những khó khăn liên quan tới đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai. Đồng thời sửa đổi trong thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp.

Những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024 - Ảnh 2.

Năm học sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Trong năm học sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Đặc biệt sẽ làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Chương trình phổ thông mới rối ren

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ tư triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu ở các lớp 4, 8, 11, tuy nhiên việc thực hiện các môn tích hợp, tổ hợp môn gây tranh cãi liên tục trong các năm qua.

Theo chương trình mới, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý như trước đây. Thay vào đó, các em học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn. Hầu hết các giáo viên, các trường đều than khó việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, trong khi họ được đào tạo để dạy từng môn.

Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng thừa nhận việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là "điểm vướng, nghẽn, khó".

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. Những điều chỉnh nếu có sẽ được xem xét để không ảnh hưởng đến những chuẩn bị trong thời gian qua, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Biên soạn bộ sách giáo khoa riêng

Tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong triển khai chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Việc Bộ GD&ĐT nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng hay không hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phương án thi tốt nghiệp mới

Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải sớm hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, áp dụng cho lứa học sinh lớp 12 đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 trong năm nay.

Những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024 - Ảnh 3.

Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 trong năm nay.

Tháng 3 năm nay, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về phương án có 6 môn thi, gồm bốn môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ và Sử) và hai môn lựa chọn (Lý, Hóa, Sinh, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Tuy nhiên, hiện các Sở GD&ĐT được yêu cầu lấy ý kiến giáo viên về hai phương án, trong đó điểm khác mấu chốt là có đưa Sử thành môn thi bắt buộc hay không.

Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi, việc tuyển sinh đại học cũng phải thay đổi cho phù hợp. Do đó, hầu hết giáo viên và học sinh đều mong Bộ GD&ĐT sớm ban hàn phương án thi tốt nghiệp THPT để có kế hoạch ôn tập.

Học phí đại học

Sau ba năm liền không tăng học phí, năm nay nhiều trường đưa ra mức học phí tăng mạnh, căn cứ vào Nghị định 81 về học phí công lập. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sau đó đề nghị chưa tăng học phí. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi một số điều của nghị định. Học phí đại học năm học tới có thể vẫn tăng nhưng lùi một năm so với lộ trình ban đầu, tức mức trần là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng.

Những hình ảnh ấn tượng trong ngày khai giảng năm học mới 2023-2024Những hình ảnh ấn tượng trong ngày khai giảng năm học mới 2023-2024

SKĐS - Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của hàng triệu học sinh trên cả nước chào đón năm học mới, sáng nay, gần 2,3 triệu học sinh các cấp học trên địa bàn Thủ đô đã tới trường dự lễ khai giảng trong không khí vui tươi, rộn ràng.

ĐV
Ý kiến của bạn