Cho trẻ ăn trứng gà thế nào?
Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ 6-7 tháng tuổi chỉ nên ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà / bữa, ăn 2-3 lần/tuần. Trẻ 8-12 tháng tuổi nên ăn 1 lòng đỏ /bữa ăn, 3-4 bữa trứng 1 tuần. Trẻ 1-2 tuổi nên ăn 3-4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể ăn 1 quả 1 ngày.
Không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn. Khi rán hoặc ốp trứng nên để lửa nhỏ thời gian lâu một chút cho lòng đỏ vừa chín là tốt. Trứng luộc nên luộc vừa chín tới, không những đảm bảo chất dinh dưỡng mà các vitamin cũng ít bị mất đi.
Trẻ 6-12 tháng nên cho ăn bột trứng (khi bột gần chín, bắc ra để bột nguội trong vài phút, đổ trứng đã đánh tan lòng đỏ vào và quấy đều tay, và đặt lên bếp đun tiếp, cho rau vào, quấy đều tay, khi trứng và rau vừa chín tới thì cho thêm dầu ăn và muối I ốt hay nước mắm và bắc ra ngoài); không nên luộc chín trứng rồi mới nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trứng khó hấp thu
Trẻ 1-2 tuổi: có thể ăn cháo trứng, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới Từ 2 tuổi trở lên: có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm, tốt nhất là ăn trứng luộc chín tới.
Chế biến cá, tôm cho trẻ
Cá và tôm là hai loại thực phẩm giàu đạm và can xi giúp trẻ tăng cân và phát triển chiều cao. Do đạm trong hải sản và cá thường hay gây dị ứng cho trẻ vì vậy nên cho trẻ ăn từ tháng thứ 7 là tốt nhất. Cho trẻ ăn từ từ, ít một để trẻ thích nghi dần và kịp thời phát hiện nếu trẻ bị dị ứng.
Khi còn trong giai đoạn ăn bột và cháo: tốt nhất là xay, nghiền. Nếu là cá đồng nhiều xương, nên luộc chín cá rồi gỡ xương, cá biển nạc có thể xay sống như xay thịt rồi cho vào nấu cháo, bột. Cua đồng thì giã lọc lấy nước để nấu. Tôm to thì bóc vỏ sau đó xay hoặc băm nhỏ, với tôm quá nhỏ có thể giã lọc lấy nước như nấu bột cua
Với các loại hải sản có vỏ thì luộc chín lấy nước nấu, thịt xay băm nhỏ cho vào cháo, bột. Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể cho ăn dạng luộc, hấp
Trẻ ăn cháo ăn liền và mì tôm được không?
Mì tôm, cháo ăn liền là những món ăn tiện dụng, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhóm thực phẩm này có thể không có lợi cho sức khỏe của trẻ do thành phần chủ yếu của mì ăn liền là bột mì và chất béo, nước sốt và một số loại gia vị, hương liệu mà không chứa đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất). Ngoài ra, mì ăn liền thường được rán với dầu ở nhiệt độ cao và có thành phần chất béo khó tiêu hóa.
Ăn các thực phẩm như mỳ tôm/cháo ăn liền kéo dài sẽ làm cho trẻ bị thiếu dinh dưỡng. Mì tôm làm tăng nguy cơ ung thư, rối loạn chức năng dạ dày vì có chứa khá nhiều hương liệu và phụ gia, không tốt cho xương và thận vì các thực phẩm này có chứa rất nhiều muối.
Mì tôm gây béo phì vì có chứa rất nhiều chất béo và muối gây giữ nước trong cơ thể và làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ nên tốt nhất người mẹ nên dành thời gian nấu nướng cho bé với những thực phẩm an toàn sẵn có ở vườn nhà hay ở địa phương, trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, bảo đảm trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh và thông minh hơn.
Ngoài ra không nên cho trẻ ăn mì chính vì không có chất dinh dưỡng, lại không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, bim bim vì chất ngọt sẽ làm trẻ no bụng giả làm cho trẻ chán ăn, trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa. Kẹo nhiều đường, trẻ ăn nhiều sẽ dễ có nguy cơ béo phì, sâu răng. Nếu ăn kẹo trước bữa ăn sẽ làm cho trẻ có cảm giác no giả tạo, trẻ sẽ chán ăn.
Trong món ăn của bé, đã có nhóm tinh bột để cung cấp năng lượng cho trẻ vận động và phát triển. Không nên cho đường vào thức ăn của bé vì sẽ làm thừa lượng đường trong khẩu phần ăn, có thể gây ra tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, gây sâu răng, ngăn cản hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng.