Báo SK&ĐS vừa nhận được 11 lá đơn kêu cứu của các hộ dân thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội về việc bị thu hồi đất với lý do “chiếm đất chưa sử dụng”. Nhóm PV đã về phường Phú Thượng tìm hiểu và thấy chuyện bức xúc của bà con bắt đầu từ nguồn gốc đất thu hồi chưa được xác định rõ ràng cùng với việc thu hồi, giải tỏa quá gấp gáp, vội vàng của chính quyền sở tại. Trong sự phát triển của đất nước, tất nhiên có nhiều khu đất cần được thu hồi, giải tỏa nhưng lòng người trước những thắc mắc cần được giải tỏa chắc cũng không kém phần cấp thiết và quan trọng để tạo sự bền vững của phát triển.
Đất thu hồi để làm gì?
Nhiều bà con băn khoăn chuyện cưỡng chế thu hồi đất được cho là “lấn chiếm trái phép” tại đầm Cụm 1, phường Phú Thượng vào ngày 31/1/2013, ngay trước Tết Quý Tỵ 10 ngày để làm gì? Sao lại quá vội vàng như vậy? Nếu là công trình phục vụ an ninh quốc phòng cần làm gấp thì khác nhưng theo cán bộ phường Phú Thượng cho hay thì đất thu hồi để giao về quận quản lý!
Những mảnh đất “chưa sử dụng” thành khu dân cư cần được làm rõ nguồn gốc, lý do và mục đích giải tỏa. |
Về mặt đạo lý thì khi năm hết Tết đến là dịp mọi người quây quần đón chờ năm mới với tất cả những mong muốn tốt lành, nên điều gì gây xáo trộn trong dân có thể hoãn được thì tạm hoãn. Nếu vì lý do nào đấy phải làm trước Tết, thiết nghĩ cơ quan thu hồi đất cũng cần có những thông báo trước đủ để bà con có thời gian chuẩn bị. Nhiều người dân bức xúc vì chuyện “thu hồi” quá gấp gáp một cách khó hiểu. Theo chị Trần Thị Hiền Trang (một người dân bị cưỡng chế) thì chính quyền chỉ đưa cho chị một mảnh giấy triệu tập để thông báo việc cưỡng chế trước đó vài ba hôm, khi Tết sắp đến, làm sao có thể di chuyển, dọn dẹp và tìm nơi trú ngụ mới.
Nếu dân biết họ đang sống ổn định phải di dời vì lý do gì, chính quyền giải thích rõ việc thu đất dành cho công trình nào, lợi ích ra sao, mọi sự minh bạch chắc chuyện đơn thư khiếu kiện sẽ bớt đi nhiều.
Một phần diện tích ở Phú Thượng bị cưỡng chế. |
Nguồn gốc đất
Trong những thông báo cưỡng chế có nêu lý do là “đất lấn chiếm”, “đất chưa sử dụng” nhưng những lá đơn bà con gửi kèm theo những tài liệu chứng tỏ đất có nguồn gốc đã được sang nhượng quyền sử dụng. Có nhiều diện tích có chủ đầu tiên như ông Nguyễn Văn Chác và bà Nguyễn Thị Chuột. Ông bà đã quản lý, sử dụng đất từ năm 1956 và giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 120, tờ địa bạ số 3 do Chủ tịch thành phố Hà Nội bấy giờ là ông Trần Duy Hưng ký. Sau đó, năm 1976 ông bà để lại cho con là ông Nguyễn Mạnh Hiệp và bà Phan thị Hồng Liên. Ông Hiệp lại chia cho các con là Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Kim Bảo, rồi các anh lại bán cho nhiều người khác. Mảnh đất lớn được chia thành nhiều mảnh nhỏ, và cứ thế được sang nhượng quyền sử dụng. Lần gần nhất cách đây 3 năm và các hộ gia đình vẫn đang sinh sống tại đây. Số tiền mà họ bỏ ra là sự tích cóp một đời, những mong được an cư lạc nghiệp. Dân chưa thông là vì vậy, bởi ngay trong Văn bản số 247/UBND-ĐCĐT của UBND phường Phú Thượng gửi Phòng Tài nguyên Môi trường quận Tây Hồ cũng có xác nhận về nguồn gốc đất của ông Hiệp gồm 557m2 đất ở và 1.560m2 đất vườn, chủ sử dụng là ông Chác (bố của ông Hiệp). Bên cạnh đó, trong bản Hợp đồng thuê đất giữa gia đình ông Hiệp bà Liên với Xí nghiệp vận tải Từ Liêm ký ngày 26/9/1991 đã được UBND xã Phú Thượng ngày ấy chứng thực, đóng dấu đồng nghĩa với việc UBND công nhận đó đương nhiên là đất của gia đình ông Hiệp, hiện nay tình trạng khu đất này và khu đất bị thu hồi vẫn chưa phân định rõ ràng.
Chuyện nguồn gốc đất thiết nghĩ cần được làm rõ cho dân hiểu thay vì những quyết định vội vàng. Ngoài mảnh đất dẫn chứng trên, còn có nhiều người có hộ khẩu thường trú (như hộ anh Nguyễn Trọng Nhân, hộ ông Phạm Ngọc Thư...), đó là sự công nhận của chính quyền sở tại, nhưng họ lại không nhận được bất kỳ phương án hỗ trợ, bồi thường nào cũng khiến dân bức xúc.
Trao đổi với chính quyền phường, chúng tôi được biết quan điểm của phường cho rằng, đất bị thu hồi là đất lấn chiếm trái phép và sẽ không có sự hỗ trợ bồi thường nào. Rất tiếc, sao chính quyền phường Phú Thượng bấy nay có thể để “đất lấn chiếm” thành khu dân cư, cấp hộ khẩu và các dịch vụ điện nước cho các hộ. Hai cách hiểu khác nhau nên được thống nhất bởi mọi dự án và sự phát triển cần được đứng trên nền móng của lòng tin của dân. Phát triển là vì xã hội, vì dân thì trước hết, chuyện an dân quan trọng biết chừng nào.
Trải dài qua một quá trình vài chục năm, cho tới ngày nay, mảnh đất hàng nghìn mét ở phường Phú Thượng đã thay tên đổi chủ rất nhiều lần. Những thắc mắc của dân cần được giải tỏa đó là: Đất thu hồi nhằm mục đích gì? Cho dự án phát triển nào? Diện tích thu hồi có đúng là bị lấn chiếm hay “chưa sử dụng” không? Và tại sao việc thu hồi phải gấp thế, bất kể ngày Tết đã đến gần?
Đề nghị phường Phú Thượng và quận Tây Hồ khẩn trương làm rõ những thắc mắc của người dân, tránh gây thiệt hại cho bà con và quan trọng hơn là giải tỏa được thắc mắc cho dân vì sự ổn định và phát triển của quận nói riêng và đất nước nói chung.
Nhóm PV BĐ-XH