Những tác phẩm mang dấu ấn từ cây cầu hơn 100 năm tuổi

22-02-2020 07:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Nếu có dịp đi qua đoạn đường hơn 250m ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cách đây vài tháng thì bạn thấy nơi đây ngập ngụa rác thải bên cạnh bức tường cũ nát ngăn dòng sông Hồng với khu vực dân sinh.

Nhưng nay, với sự sáng tạo của nhóm họa sĩ trong “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân” đã biến đoạn đường được mệnh danh là “con đường rác” trở thành một không gian sống động với bức tường mang tính nghệ thuật.

Với những đồ dùng bỏ đi như chai nhựa, vành xe máy, thùng phuy,… nhóm  họa sĩ trong và ngoài nước đã sử dụng như những vật phẩm để tạo nên các tác phẩm sắp đặt trong một công trình nghệ thuật mang tính cộng đồng rất gần gũi với thiên nhiên, con người nơi đây.

Địa thế hết sức đặc trưng, đây là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, nơi có cây cầu hơn 100 tuổi, tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Nhóm họa sĩ đã sử dụng vật liệu hết sức đời thường để viết nên những câu chuyện lịch sử của cây cầu Long Biên bằng hình ảnh qua những vòng xe.

Hình ảnh cây cầu Long Biên được khắc lazer lên thùng phuy - đây là một đồ vật rất quan trọng đối với người dân sống trên những ngôi nhà nổi men trên sông Hồng. Bằng sự sáng tạo, nghệ sĩ Lê Đăng Ninh đã khắc họa hình ảnh xưa cũ mang tính lịch sử để giúp người xem liên tưởng tới hình ảnh những người ngụ cư sống lênh đênh trên những ngôi nhà nổi làm bằng những chiếc thùng phuy.

Con thuyền được Họa sĩ Cấn Văn Ân tạo nên từ những mảnh gương kính, gợi nhớ đến phương tiện di chuyển của người dân địa phương mùa nước lũ. Vật liệu gương này đã tạo nên những ánh sáng lấp lánh phản chiếu cây cầu và những lớp sóng của dòng sông Hồng.

Vẫn là hình trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm. Nghệ sĩ Vũ Xuân Đồng đã tạo nên tác phẩm từ 10.000 chai nhựa các loại.

Đến từ Tây Ban Nha nhưng Việt Nam đã là quê hương thứ 2 của nhà thiết kế Diego Cortiza. Với tác phẩm sắp đặt “The Red River’s Dragon” trong Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, anh đã thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long biên để tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên.

Tác phẩm Thành phố ven sông của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm.

Từ những chiếc đĩa gốm tạo nên câu chuyện về ngôi làng cổ làm gốm ven sông - làng gốm Bát Tràng. Tác phẩm vẽ những hình bóng những ngôi đình làng trong phố cổ Hà Nội bị phân thành các mảnh vỡ. Sau đó được ghép lại bằng vàng giống như 1 sự suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại nay với những giá trị di sản đó. Hay Tác phẩm “Lịch  sử vỡ” của tác giả Vương Văn Thạo được sắp đặt Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp.

Với việc sử dụng vật liệu tái chế trong những tác phẩm ở “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân” lần này nhằm gửi tới mọi người thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường”.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được triển khai bằng nguồn xã hội hóa và sẽ hoàn thành trong tháng 2/2020.

Qua “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân”, nhóm nghệ sĩ hy vọng sẽ góp phần cải tạo môi trường, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ không gian sống của chính mình. Hơn nữa, họ mong muốn được cùng chung tay xây dựng, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của thủ đô Hà Nội, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh tại địa phương.


Bài, ảnh: Tuấn Anh
Ý kiến của bạn