Như chúng ta đã biết, bệnh tiểu đường có liên quan đến huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch vành, suy thận, tổn thương thần kinh có thể dẫn đến mất chi, đục thủy tinh thể và mù lòa, cũng như làm giảm khả năng chống nhiễm trùng và viêm, và các vấn đề trong thai kỳ. Dưới đây là những ảnh hưởng bất ngờ hơn của tiểu đường tới cơ thể và cách để chúng ta tự bảo vệ mình.
Bệnh nướu răng
Người bị tiểu đường dễ bị bệnh nha chu, một nhiễm trùng nướu răng và xương có thể dẫn tới nhai đau và mất răng. Điều này là do lượng đường huyết tăng cao làm thay đổi collagen trong tất cả các mô, cũng như tăng nhẹ sự mẫn cảm với nhiễm trùng các loại. Hai tình trạng này có mối liên kết mạnh mẽ đến mức chỉ đơn giản bị bệnh nướu răng cũng có thể là dấu hiệu của tiểu đường típ 2.
Trong một nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Mailman, ĐH Comumbia về 9.000 người bị mắc bệnh nha chu nặng. Những người này dễ bị mắc bệnh tiểu đường trong 2 thập kỷ tiếp theo gấp 2 lần những người không bị bệnh nướu răng, sau khi đã hiệu chỉnh độ tuổi, hút thuốc, béo phì và chế độ ăn. Thật không may, đó là một vòng xoắn tiêu cực: bệnh tiểu đường không chỉ khiến bệnh nướu răng nặng hơn mà bệnh nướu răng, đặc biệt là viêm nướu hoặc phát triển các ổ áp xe có thể làm tăng đường huyết và khiến bệnh tiểu đường khó kiểm soát. Để ngăn ngừa viêm nha chu, hãy đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày và cân nhắc việc sử dụng nước súc miệng sát khuẩn nhẹ như Listerin để loại bỏ các mảng bám dai dẳng.
Khó khăn trong quan hệ tình dục
Theo Hội tiểu đường Hoa Kỳ, có tới 75% đàn ông bị tiểu đường bị rối loạn cương dương ở các mức độ khác nhau trong đời. Rối loạn cương dương có thể là do tâm lý hoặc do giảm testosteron. Testosteron thấp thường gặp ở những người bị tiểu đường, đặc biệt nếu họ bị béo phì. Ở những bệnh nhân bị tiểu đường kéo dài, những thay đổi trong mạch máu và dây thần kinh cung cấp cho dương vật có thể là nguyên nhân.
Nếu bạn bị tiểu đường, hơn 40 tuổi và gặp khó khăn với “cậu nhỏ”, hãy đi kiểm tra testosterol toàn phần và testosterone tự do trong huyết thanh. Theo một nghiên cứu năm 2012 trên gần 2.300 phụ nữ được công bố trên tờ in Obstetrics & Gynecology, phụ nữ độ tuổi trung niên và cao tuổi bị bệnh tiểu đường cũng có thể gặp các vấn đề trong quan hệ tình dục, có thể bởi vì tổn thương thần kinh có thể gây giảm khả năng bôi trơn và khả năng đạt “lên đỉnh”.
Giảm thính lực
Mặc dù chúng ta thường bị suy giảm thính lực khi về già, giảm thính lực cũng hay gặp ở người bệnh tiểu nhiều gấp 2 lần so với trong quần thể dân cư (theo Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ).
Thậm chí người bị tiền tiểu đường cũng có tỷ lệ giảm thính lực cao hơn 30% so với bình thường. Tiểu đường có thể dẫn tới giảm thính lực do tổn thương các mạch máu nhỏ trong tai và thận.
Cách tốt nhất để bảo vệ thính lực là kiểm soát đường huyết. Trên thực tế, trong một nghiên cứu năm 2012 từ bệnh viện Henry Ford, phụ nữ lớn tuổi bị tiểu đường không kiểm soát bị giảm thính lực nhiều hơn những người cùng độ tuổi bị tiểu đường nhưng kiểm soát tốt, mặc dù tác dụng bảo vệ có vẻ không đúng ở nam giới.
Nhiễm trùng da
Bị tiểu đường làm tăng nguy cơ các bệnh về da, bao gồm nhiễm khuẩn như mụn nhọt, nhiễm trùng đường niệu, nhiễm nấm và ngứa. Theo các nhà nghiên cứu, nhiễm nấm, đặc biệt là nấm men phổ biến đến nỗi chúng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường ở những người chưa được chẩn đoán. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng da có liên quan tới béo phì vì những nơi ẩm giữa các nếp da có thể sản sinh ra vi khuẩn và nấm bao gồm candida vì hệ miễn dịch có thể bị yếu đi.
Thật không may, một số thuốc điều trị tiểu đường mới (các thuốc SGLT-2 gồm Canagliflozin, Dapagliflozin và Empagliflozin) làm tăng rõ nguy cơ nhiễm nấm ở cơ quan sinh dục vì chúng làm tăng bài tiết glucose ở đường niệu, thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn và nấm.
Trong khi nhiễm nấm men là khá phổ biến ở phụ nữ, chúng cũng đang có dấu hiệu gia tăng ở nam giới.
Kiểm soát mức độ đường huyết giúp dự phòng, nhưng một khi đã bị nhiễm trùng, hãy tìm đến các phương pháp điều trị thông thường: sử dụng kem chống nấm âm đạo không kê đơn và các thuốc đặt âm đạo đúng theo chỉ dẫn.
Chứng ngừng thở khi ngủ
Rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng tiềm ẩn này ảnh hưởng tới khoảng 50% những người bị tiểu đường, đặc biệt là những người béo phì và có kích thước cổ áo hơn 17 đối với nam và 16 đối với nữ. Các dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng ngừng thở khi ngủ (OSA) là ngáy to. Thật không may, giống như bệnh về nướu, OSA có thể khiến việc kiểm soát tiểu đường khó khăn hơn có thể vì cả hai tình trạng này đều có chung các yếu tố nguy cơ. OSA cũng có khả năng dự đoán bệnh tiểu đường trong tương lai.
Một nghiên cứu năm 2014 trên tờ American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine chỉ ra rằng ngừng thở khi ngủ nghiêm trọng tăng 30% ở người có nguy cơ bị tiểu đường. Điều trị OSA có thể bao gồm sử dụng một thiết bị giữ cho đường thở mở ban đêm và đeo ống làm đẩy hàm của bạn về phí trước. Trong trường hợp nặng, phẫu thuật có thể giúp thay đổi cấu trúc của mũi, miệng hoặc họng.
BS Cẩm Tú
Theo Prevention- Univadis