Đối với bệnh nhân lao thì ethambuton là thuốc rất quen thuộc, bởi nó có mặt trong hầu hết các công thức chống lao. Đây là thuốc được chỉ định để điều trị cả lao mới và lao tái phát và bao giờ cũng được dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác như isoniazid, rifampicin, streptomycin và pyrazinamid để ngăn chặn phát triển lao kháng thuốc.
Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế acid mycolic thâm nhập vào trong thành tế bào vi khuẩn, kìm hãm sự nhân lên của vi khuẩn lao. Thuốc được uống 1 lần duy nhất (vào 1 giờ nhất định trong ngày) để đạt được nồng độ tối đa của thuốc trong huyết thanh (nếu người bệnh chia thuốc làm nhiều lần để uống trong ngày sẽ không đạt nồng độ điều trị trong huyết thanh, hiệu quả điều trị sẽ kém đi). Thuốc có thể uống cùng với thức ăn nếu người bệnh bị kích ứng đường tiêu hóa.
Hướng dẫn bệnh nhân lao sử dụng thuốc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương. Ảnh: Trần Minh |
Trong quá trình dùng ethambuton, người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra như: tăng acid uric máu (nhất là trong hai tuần đầu), có thể có sốt, đau khớp; viêm dây thần kinh thị giác, giảm thị lực và không phân biệt được màu đỏ với màu xanh lá cây (hiện tượng này ít gặp hơn). Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu thường phụ thuộc liều, hay gặp khi người bệnh dùng liều trên 25mg/kg thể trọng sau hai tháng điều trị. Tuy nhiên hiện tượng này cũng có thể gặp chỉ sau vài ngày điều trị. Ngoài ra người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng: đau đầu, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng... Cần báo cho bác sĩ biết những tác dụng không mong muốn này để có cách xử trí hợp lý.
Nói chung các tác dụng phụ do thuốc gây ra thường mất đi khi ngừng thuốc, nhưng ngoại lệ cũng có một số rất ít trường hợp kéo dài đến một năm hoặc hơn, thậm chí có những trường hợp không hồi phục.
Không dùng thuốc cho người bị viêm dây thần kinh thị giác và người có tiền sử quá mẫn với ethambuton. Đối với người bệnh giảm chức năng thận phải giảm liều dùng. Thận trọng dùng với người có bệnh ở mắt (như đục thủy tinh thể, các tình trạng tái phát viêm mắt, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường), người già và trẻ em (nhất là trẻ em dưới 6 tuổi vì khó phát hiện các biến đổi về chức năng của thị giác).
Bác sĩ Ngọc San