Hà Nội

Những suy nghĩ không đúng về thuốc ngừa thai

04-08-2008 16:03 | Dược
google news

Một trong những biện pháp tránh thai khá hữu hiệu là dùng thuốc ngừa thai loại uống. Cũng giống như bất cứ loại thuốc nào, thuốc ngừa thai cũng có 2 mặt: lợi và hại.

Một trong những biện pháp tránh thai khá hữu hiệu là dùng thuốc ngừa thai loại uống. Cũng giống như bất cứ loại thuốc nào, thuốc ngừa thai cũng có 2 mặt: lợi và hại.

Do có phần hại nên nếu sử dụng thuốc ngừa thai không đúng sẽ gây ra tai biến cho người dùng thuốc. Vì vậy bác sĩ chỉ định thuốc và dược sĩ hướng dẫn sử dụng phải làm động tác “sàng lọc” xem đối tượng có thích hợp sử dụng một loại thuốc ngừa thai nào đó hay không. Lấy ví dụ, đối với thuốc ngừa thai phối hợp (chứa hai hoạt chất: dẫn chất estrogen và dẫn chất progestin, có người gọi “thuốc ngừa thai dùng hằng ngày”) có thể gây một số tác dụng phụ (do dẫn chất estrogen gây ra) thậm chí là nguy hiểm đối với một số phụ nữ có nguy cơ như: bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, gan, trên 35 tuổi và có hút thuốc lá... Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ có những câu hỏi để loại trừ những phụ nữ có nguy cơ, khuyên những phụ nữ này không dùng thuốc ngừa thai phối hợp mà nên dùng một biện pháp tránh thai khác (như dùng bao cao su chẳng hạn). Hoặc như đang dùng thuốc ngừa thai phối hợp, người phụ nữ gặp những triệu chứng gọi là dấu hiệu nguy hiểm như: đau bụng dữ dội, đau đầu dữ dội, đau ngực, đau chân (đây là các dấu hiệu báo bị tác dụng phụ gây huyết khối, tắc mạch của dẫn chất estrogen, thuộc loại hiếm gặp và không xảy ra đối với thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin như exlution, loại dành cho phụ nữ đang cho con bú).

 Nếu sử dụng thuốc không đúng, mặt hại của thuốc ngừa thai sẽ nhiều hơn.
Bên cạnh phần hại hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách sử dụng đúng, thuốc ngừa thai loại uống có phần lợi rất nhiều. Vấn đề đặt ra là mọi người cần có cái nhìn đúng đắn về thuốc ngừa thai, về lợi và hại, có sự lựa chọn đúng để phát huy tối đa cái lợi và hạn chế tối thiểu cái hại của thuốc. Đã có tình trạng xảy ra là có những lời đồn đại và những nhận thức không đúng về thuốc ngừa thai, đặc biệt có sự thổi phồng về những cái hại của thuốc ngừa thai mà thuốc này không có. Ví dụ như: “thuốc ngừa thai làm cho phụ nữ bị nam tính hóa, có thể biến thành đàn ông”, “sau khi dùng thuốc ngừa thai người phụ nữ có thể không có con”, “dùng thuốc ngừa thai làm giảm ham muốn tình dục”, “thuốc ngừa thai làm cho sinh quái thai, dị dạng”, “thuốc ngừa thai có khả năng gây ung thư hoặc tăng nguy cơ ung thư vú”. Đây là những điều không đúng về thuốc ngừa thai. Thuốc ngừa thai đã được xác định không làm nam tính hóa hoặc giảm ham muốn tình dục ở người phụ nữ, không làm cho phụ nữ mất khả năng sinh con nếu muốn có con (khác với phương pháp triệt sản bằng cách thắt ống dẫn trứng làm cho phụ nữ hết khả năng có con). Đặc biệt, thuốc ngừa thai không gây nguy cơ ung thư vú mà theo các tài liệu y dược mới nhất, nó còn làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô buồng trứng và niêm mạc tử cung. Cho tới nay, không có tài liệu y học chính thức cho rằng đang dùng thuốc ngừa thai mà lỡ có thai là sẽ bị quái thai hoặc thai nhi bị dị dạng.

Đối với phụ nữ đang dùng thuốc ngừa thai muốn có thai, có lời khuyên là ngưng dùng thuốc và cần phải sử dụng một biện pháp tránh thai khác (như bao cao su) trong 2 tháng trước khi có thai, điều này cho phép có đủ thời gian để chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ trở lại bình thường, thuận lợi cho việc thụ thai. Trong thời gian dùng thuốc, kinh nguyệt của người phụ nữ được điều khiển bởi thuốc (gọi là có kinh theo thuốc) chứ không phải là kinh nguyệt theo sinh lý bình thường. Trước khi thụ thai, theo lẽ tự nhiên, nên cho kinh nguyệt theo tự nhiên. Chứ không phải ngưng dùng thuốc trong thời gian 2 tháng là vì sợ rằng trong thời gian này nếu thụ thai sẽ sinh quái thai. Đã có nhiều trường hợp có thai ngay sau khi ngưng thuốc hoặc có thai ngay trong khi dùng thuốc, hoàn toàn không có trường hợp nào sinh quái thai hoặc dị dạng bẩm sinh. Thuốc ngừa thai đã được dùng khá lâu và người ta theo dõi kỹ vấn đề này. Hơn nữa, thụ thai sau khi chu kỳ kinh nguyệt trở lại sinh lý bình thường có điều lợi là bác sĩ hoặc nữ hộ sinh xác định được thời điểm bà mẹ mang thai và thời điểm sinh nở mẹ tròn con vuông.

Đối với thuốc ngừa thai khẩn cấp hay có người gọi thuốc ngừa thai uống trong vòng 1 giờ sau khi giao hợp. Thật ra thuốc này có thể uống trong vòng 72 giờ sau giao hợp không được bảo vệ. Thuốc thường được dùng là postinor. Nếu khu trú thuốc chỉ nên dùng trong vòng 1 giờ là giới hạn thời gian (có người tưởng lầm chỉ dùng thuốc trong vòng 1 giờ sau giao hợp, nên sau 1 giờ không dùng vì nghĩ thuốc sẽ không có tác dụng là không đúng). Cần lưu ý sau khi uống liều thứ nhất (1 viên postinor hoặc dùng 1 lúc 4 viên thuốc ngừa thai phối hợp dùng hằng ngày) nên uống liều thứ 2 trong vòng 12 giờ. Uống hai liều như thế mới cho hiệu quả cao hơn. Theo hướng dẫn sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp, chỉ nên dùng 4 viên postinor trong một tháng. Bởi vì liều estrogen chứa trong thuốc loại này cao hơn so với thuốc ngừa thai phối hợp dùng hằng ngày, do đó sẽ làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ, nhưng lý do chính làm cho thuốc ngừa thai khẩn cấp không được dùng thường xuyên vì hiệu quả ngừa thai của nó thấp, chỉ vào khoảng 75%, trong khi thuốc ngừa thai phối hợp dùng hằng ngày nếu dùng đúng cách có thể đạt hiệu quả ngừa thai đến 97%. Thuốc ngừa thai khẩn cấp cũng được ghi nhận không gây quái thai. Đây là biện pháp tránh thụ thai ngoài ý muốn sau một cuộc giao hợp không được bảo vệ, không được đồng tình hoặc sau những trục trặc của biện pháp tránh thai khác (bao cao su bị tuột hoặc rách). Do hiệu quả ngừa thai thấp, mặc dù dùng thuốc vẫn có thể có thai, và từ trước đến nay người ta ghi nhận không có trường hợp nào có thai sau khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp lại sinh quái thai.

Trên đây là vài ghi nhận về suy nghĩ không đúng về thuốc ngừa thai. Mong muốn của người viết là cung cấp các thông tin cần thiết giúp mọi người hiểu rõ về thuốc ngừa thai tốt hơn. Không chỉ vì một vài nhận thức sai, ngộ nhận về tác dụng của thuốc ngừa thai mà ảnh hưởng đến chủ trương bảo vệ sức khỏe và công tác dân số của chúng ta.

PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y Dược TP.HCM)


Ý kiến của bạn