Điều này được khẳng định khi dịch giả Trần Thị Minh Tâm, TS. Thụy Anh, nhà thơ Ý Nhi thời gian qua đã được nhận giải thưởng của Đan Mạch, Nga, Thụy Điển.
Đầu tháng 3/2018, dịch thuật văn học Việt Nam đón nhận tin vui khi Ủy ban Giải thưởng Hans Christian Andersen (Đan Mạch) cho biết, trong 3 người đoạt giải năm 2018 có nữ dịch giả văn học thiếu nhi Trần Thị Minh Tâm đến từ Việt Nam. Đây được xem là một niềm vinh dự, tự hào với dịch giả Minh Tâm nói riêng và các đồng nghiệp mảng văn học dịch nói chung vì Giải thưởng Hans Christian Andersen nhằm tôn vinh những sứ giả văn học cũng như các thành tựu xuất sắc liên quan đến tác phẩm của Andersen được trao tặng hàng năm kể từ 1996.
Từ trái qua: dịch giả Trần Thị Minh Tâm, TS. Thụy Anh và nhà thơ Ý Nhi.
Dịch giả Trần Thị Minh Tâm là người đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng trên bởi bà là người đã góp công rất lớn trong việc phổ biến rộng rãi các tác phẩm của bậc thầy kể truyện cổ tích Andersen tại nước ta. Theo đó, hơn 20 năm gắn bó với các tác phẩm văn học Andersen, dịch giả Trần Thị Minh Tâm đã cho ra đời một tuyển tập bao gồm 88 truyện cổ tích thiếu nhi vào năm 2003. Sau đó, bộ sách được cập nhật lên tới hơn 100 truyện. Tuyển tập này đã được tái bản tổng cộng 16 lần và một ấn bản nữa sẽ được phát hành trong năm nay. Ban tổ chức Giải thưởng Hans Christian Andersen nhận định, qua các công trình nhiệt huyết của mình, dịch giả Trần Thị Minh Tâm đã và đang bắc cầu, đưa thế giới cổ tích đầy màu sắc hấp của Andersen đến với các trường học tại Việt Nam, truyền cảm hứng không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn trong các môn nghệ thuật hình ảnh, âm nhạc và kịch. Nhờ vậy, truyện cổ tích Andersen đã đi theo tuổi thơ mỗi đứa trẻ Việt Nam và cùng lớn lên với mỗi người.
Trước đó, đúng dịp Tết Mậu Tuất, TS dịch giả Nguyễn Thụy Anh của Việt Nam cũng đã sang Nga nhận giải thưởng “Ngôn từ - Sợi chỉ gắn kết” do Hội Nhà văn Nga trao tặng dành cho tác phẩm văn học dịch Olga Berggoltz của tôi. Giải thưởng Ngôn từ - Sợi chỉ gắn kết được trao từ năm 2015 cho các tác phẩm dịch văn học Nga và nước ngoài nhằm vinh danh các dịch giả đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ. Theo Ban giám khảo giải thưởng này, tác phẩm dịch Olga Berggoltz của tôi của TS. Thụy Anh là công trình nhiệt huyết, công phu, rất xứng đáng để trao tặng giải thưởng.
Trong tập sách này, Nguyễn Thụy Anh không chỉ là người dịch, mà như một người đồng hành cùng nữ thi sĩ của nước Nga Olga trong tiếng Việt. Người dịch vì yêu mến thơ của Olga mà được dẫn dắt tới cuộc đời bà để chia sẻ sự đồng cảm tâm hồn. Thông qua cuốn Olga Berggoltz của tôi, bạn đọc không chỉ cảm nhận được đây là một tập thơ mà còn thấy được chân dung, tiểu sử và thơ ca qua những chặng đường số phận của Olga Berggoltz - một người phụ nữ làm thơ, dám sống hết mình cho những điều mình yêu và quý trọng. Nguyễn Thụy Anh đã tìm hiểu về Olga Berggoltz qua ghi chép, thư từ, hồi ký của nhà thơ và bè bạn từng gặp bà. Chính trên nguồn tư liệu ấy, chân dung của Olga Berggoltz được nữ dịch giả này dựng lại theo từng chặng đường của cuộc đời với những tâm trạng, cảm xúc khác nhau trước sự thăng trầm cùng vinh quang và cay đắng mà lịch sử nước Nga Xô-viết mang lại cho nhà thơ, bổ sung đầy đủ hơn cho hình ảnh một Olga Berggoltz vốn mới chỉ được độc giả Việt Nam biết đến như một nữ sĩ của tình yêu.
Ngược dòng thời gian, năm 2015, nữ nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi cũng đã được Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trao giải thưởng thơ Cikada. Giải thưởng này được thành lập năm 2004 và được trao cho các nhà thơ vùng Đông Á. Trong số những người từng được nhận giải Cikada có những tên tuổi nổi tiếng như Ko Un, Bắc Đảo vốn là những tác giả đã nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học, qua đó cho thấy uy tín của giải thưởng Cikada ở vương quốc Thụy Điển.
Kể từ năm 2009, thơ của Ý Nhi được dịch sang tiếng Thụy Điển cùng thơ của 11 nhà thơ Việt Nam khác trong tập Till: igar do Nhà xuất bản Tranan in ở Stockholm phát hành. Trong tập này, thơ Ý Nhi được dịch 8 bài gồm Nguyện ước, Người đàn bà ngồi đan, Thư gửi em, Em bé và biển, Trò chuyện, Theo dõi một trận đấu cờ vua, Biển chiều, Người lính. Các nhà chuyên môn nhận định, thơ của Ý Nhi giản dị, đậm chất trí tuệ, giọng điệu trầm lắng. Tác phẩm của Ý Nhi được dịch ra nhiều thứ tiếng và Ý Nhi là một trong những giọng thơ Việt đương đại tiên phong. Đến nay, Ý Nhi cũng là nhà thơ nữ duy nhất của Việt Nam được trao giải thưởng văn học Cikada uy tín của Thụy Điển. Ban tổ chức giải thưởng văn học Cikada 2015 nhấn mạnh, nhà thơ Ý Nhi được trao giải để “ghi nhận cách mà bà bằng những bài thơ rất hay của mình đã bảo vệ cho sự không thể bị xúc phạm của cuộc sống”.