Hà Nội

Những soái ca ở Trường Sa

02-09-2016 07:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hà Nội những ngày này đang chào đón những ngày lễ trọng đại của dân tộc - Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Lòng người như cũng rộn ràng hơn khi qua những con phố nao nức cờ hoa.

Lần đầu tiên trong dịp lễ Quốc khánh tại Hà Nội có một hoạt động văn hóa trong suốt 8 ngày chỉ tập trung về Trường Sa và DK1, khác biệt với những hoạt động tuyên truyền khá... hình thức vốn thường diễn ra trong các dịp này. Đó là triển lãm ảnh Trường Sa - nơi ta đến của Nguyễn Mỹ Trà, nữ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (từ 30/8 đến 6/9/2016). Đây là triển lãm ảnh đầu tiên của Mỹ Trà, một nhà báo yêu thích chụp ảnh. Thế nhưng, với lần trình làng đầu tiên này, chị đã ghi tên mình vào trong đội ngũ những nhà nhiếp ảnh báo chí - nghệ thuật chuyên nghiệp.

Đại tá Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm chính trị Hải quân nhân dân Việt Nam

Cộng đồng đi Trường Sa ở Hà Nội khá đông. Tôi tin rằng khi trở về mỗi người đều cảm thấy cần làm một cái gì đó cho Trường Sa, vì Trường Sa. Trà nói vậy và cái cách mà chị mang Trường Sa đến Hà Nội thật độc đáo. Đó là một Trường Sa trong con mắt một cô gái Hà Nội, thật hào hùng và lãng mạn.

Vẻ đẹp lính biển.

Hội chứng Trường Sa

Như nhiều người đã từng được đến Trường Sa và nhà giàn DK1, nữ phóng viên VOV Nguyễn Mỹ Trà không thoát được hội chứng Trường Sa. Sau chuyến đi, trở về Hà Nội, mỗi buổi tối sau một ngày bận rộn công việc, chị đều dành ra hơn nửa giờ để ngắm lại những bức ảnh đã chụp trong 10 ngày đáng nhớ đó. Cũng gần như mỗi ngày, chị đăng lên Facebook (FB) một vài bức ảnh trong một album tên là Bâng khuâng Trường Sa. Bắt mọi người phải thương nhớ theo tôi, Mỹ Trà bảo vậy.

Chị đã nhận được nhiều chia sẻ với Bâng khuâng Trường Sa. Có người gợi ý chị làm sách ảnh, làm các bộ ảnh theo chủ đề. Đặc biệt, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ khi xem được những hình ảnh ấy trên FB đã gợi ý nữ phóng viên của mình làm triển lãm. Có được sự ủng hộ của những người bạn thân và những người thầy như nhà văn Hoài Hương, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và Nguyễn Việt Thanh, rồi cả những người bạn cùng đi Trường Sa trên con tàu 571 hồi cuối tháng 5 vừa rồi... triển lãm ảnh Trường Sa - nơi ta đến đã dần trở thành hiện thực.

Phút nghỉ ngơi

Ðã có một phong trào đi tìm soái ca ở Trường Sa

Tận thấy Trường Sa, bạn bỗng sẽ hiểu thấm thía cái cụm từ vẻ đẹp quê hương. Tôi quả thật đã bị choáng khi lần đầu nhìn thấy biển và trời nơi đây. Có lẽ nước biển Maldives cũng chả đẹp bằng thế! Tại nơi đây bạn chỉ cần giơ Iphone lên là cũng có được những bức ảnh đẹp. Mỹ Trà hình như còn lâu mới  thoát được cơn rưng rưng Trường Sa, nơi chị đã có 10 ngày vô cùng đáng nhớ, nơi đã làm thay đổi một phần con người chị.

“Soái ca- baby”

Mỹ Trà có lẽ là người ít có mặt tại phòng nhất trong số mấy trăm thành viên của đoàn công tác số 14 trong 10 ngày lênh đênh đó. Chị đón bình minh, rồi hoàng hôn trên boong tàu. Lang thang ngóc ngách trên các đảo. Là nhà báo đã viết nhiều về Trường Sa ở khía cạnh văn hóa - lịch sử - chủ quyền, từng được giải báo chí, nhưng hiện thực hùng vĩ ập đến vẫn là một điều gì đó lạ lẫm, nằm ngoài trí tưởng tượng. Khiến tâm hồn rung lên. Chị tận dụng từng phút để có thể lưu lại những ký ức đẹp đẽ nơi đây.

Hình như giai đẹp tập trung hết ở Trường Sa! Đó là câu cảm thán không chỉ của nữ nhà báo Mỹ Trà. Lính biển đẹp tuyệt, trong bộ quân phục Hải quân nhân dân Việt Nam. Soái ca là đây chứ đâu nữa! Soái ca - một từ đang rất mốt trong đời sống hiện nay, do hiệu ứng của bộ phim Hậu duệ mặt trời, một bộ phim khai thác đời sống quân ngũ tại Hàn Quốc. Hình ảnh quân đội Hàn Quốc được xây dựng rất đẹp, với những người lính đặc công tài giỏi, đầy nam tính, sống tràn đầy lý tưởng, đầy tinh thần trách nhiệm với quốc gia và với người thương.

Đã có hẳn một phong trào đi tìm soái ca trên đảo, làm bộ sưu tập ảnh về soái ca. Mỹ Trà kể vậy về hậu trường của những bức ảnh. Dĩ nhiên đó chỉ là một phần của kho ảnh đồ sộ chị chụp về Trường Sa. Nhưng Vẻ đẹp của lính đảo gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Hình như những thử thách gian khổ ở hải đảo xa xôi càng làm cho lính đảo đẹp hơn rất nhiều trong mắt mọi người. Một vẻ đẹp được nắng, gió biển Đông nhuộm màu da, được sóng xô và những cơn bão biển trui rèn từng cơ bắp cứng cáp mạnh mẽ. Và tình yêu từ trái tim những người lính Hải quân như ánh lên gương mặt, ai cũng đẹp như các dũng sĩ với nụ cười ấm áp tỏa nắng.

Ở một nơi như Trường Sa, gian khổ là điều mà người ta đã biết và chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Lính Trường Sa lãng mạn. Họ kể cho tôi nghe về những chuyến lặn biển, ngắm những rặng san hô đẹp tuyệt. Hay là những lúc ngồi trên boong tàu, cá bơi từng đàn xung quanh, chỉ cần lấy vợt cũng vớt được cá chuồn... Tôi cũng đã gặp những soái ca - baby, gọi vậy vì các em còn quá trẻ trên những gác mái, đứng canh gác biển trời Tổ quốc trong cái nắng cái nóng hơn 40 độ nhưng vẫn luôn giữ được nụ cười hiền trên môi.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đang tác nghiệp

Ðến triển lãm ảnh để check-in Trường Sa

Triển lãm ảnh Trường Sa - nơi ta đến là một cơ hội để cộng đồng Trường Sa này có dịp được hội ngộ chung để cùng chia sẻ kỷ niệm, cảm xúc với nhau về những chuyến công tác đáng nhớ này. Đây cũng là nơi mà bất kỳ ai từng mong muốn nhưng chưa có cơ hội được đặt chân tới Trường Sa được ngắm nhìn thiên nhiên, cảnh vật, con người qua ảnh trong không gian tràn ngập âm thanh của những ca khúc, giai điệu thân quen và rất đỗi tự hào về vùng biển đảo thiêng liêng này.

Đặc biệt trong 4 ngày đầu tiên, mọi khách đến tham quan triển lãm có cơ hội được ảnh check-in (in ảnh tại chỗ miễn phí) trong không gian giống hệt như đang đứng ngay giữa biển trời của Trường Sa.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn