Đối với những con người “bằng xương bằng thịt”, có lẽ việc hiến tặng mô, tạng… của mình cho bệnh nhân đang “đánh vật” với tử thần là một sự sẻ chia lớn lao nhất có thể. Vừa qua, báo Sức khoẻ&Đời sống đã nhận được lá thư tâm sự đầy chất chứa của chị Dương Thị Hoà - một nhân viên y tế bình dị ở Tam Đa, Bắc Ninh – về việc đăng ký tự nguyện hiến tạng và mong muốn sẽ có nhiều người trong ngành y tế có cùng tâm nguyện như chị. Nhiệt huyết và tấm lòng của chị, đối với nhiều hoàn cảnh, là vô cùng quý báu trong xã hội hiện nay…
Tâm nguyện của một nhân viên y tế
Là một nhân viên làm trong ngành y tế, hơn ai hết, chị Dương Thị Hoà ở Tam Đa, Bắc Ninh hiểu được nỗi khổ đau của những người mắc trọng bệnh mà không có nguồn tạng để ghép. Nhưng nguyện vọng muốn hiến tạng của chị không dễ dàng được thực hiện.
Phút tri ân người hiến tạng của ekip ghép tạng.
Qua thư, chị Hoà cho biết, mặc dù có ước nguyện được hiến một phần cơ thể mình cho những người bệnh đang chờ được ghép tạng nhưng chị đã phải liên lạc hàng tháng trời để xin được hiến mô tạng mà vẫn chưa tìm được địa chỉ. Công tác tại một trạm y tế xã, chị đã gửi đơn tình nguyện hiến tạng lên Trung tâm y tế, rồi Sở Y tế nhưng dường như những cơ sở này vẫn không có một bộ phận chuyên trách nào giải đáp cho chị. Cuối cùng, nhờ mong muốn chia sẻ tận đáy lòng, chị cũng đã hoàn thành việc đăng ký để thực hiện tâm nguyện của mình.
Trong đơn tình nguyện hiến tạng, chị Hoà viết: “Hàng vạn y, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước đang sớm tối ngày đêm tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh…vậy thì tại sao mỗi cán bộ y, bác sĩ chúng ta không dũng cảm hy sinh thêm một lần nữa trong việc cứu người là gương mẫu đi đầu trong việc hiến tặng mô, tạng để làm gương cho mọi tầng lớp trong xã hội. “Cứu một người còn hơn xây 9 tòa tháp”, mình nhân ái cho đi sẽ nhận được nhiều phúc của cuộc đời. Vả lại khi ta chết đi, ta không thấy buồn, mà ngược lại ta thấy vô cùng hạnh phúc, bởi tim ta vẫn đập, mắt ta vẫn nhìn, thận ta vẫn chạy, phổi ta vẫn thở... Tất cả vẫn còn sống, hơn nữa, ta lại mang đến nhiều niềm vui và hạnh phúc cho những số phận, những mảnh đời không may mắn cùng vô vàn người thân của họ, vậy thì tại sao phải chết phí, chết hoài, mang đi chôn vùi và thiêu đốt nguồn mô, tạng, thật lãng phí khi vô vàn người bệnh đang giành giật từng giây, từng phút để chiến đấu với tử thần để được sống... Họ đang rất cần ta và rất rất cần ta”.
Chia sẻ với những dòng thư đầy tâm huyết, chị Hoà kể, trước đây chị cũng từng có ý nguyện hiến mô tạng nhưng không thực hiện được vì sức khoẻ không cho phép. Nhưng qua những lần “hết lên rồi lại xuống” bàn mổ, chị mới thấu hiểu hơn ai hết những đau đớn mà chỉ đến khi là một bệnh nhân chị mới tường tận. Do không có nhiều điều kiện giúp đỡ những bệnh nhân nghèo bằng vật chất, chị tình nguyện lấy cơ thể mình để hiến cho y học và những bệnh nhân cần tạng. Chị cho rằng, việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái vì con người, chị kêu gọi đến cộng đồng, xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng... Đặc biệt hơn, đây là lời kêu gọi của người trong ngành y tế đến những tấm lòng vàng, tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình, để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.
Một sự sẻ chia, nhân nhiều hạnh phúc
Còn nhớ ca ghép tạng xuyên Việt lần 2 những ngày cuối tháng 4/2016 vừa qua. Trước đó, một bệnh nhân nam 20 tuổi bị tai nạn giao thông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau khi bệnh nhân được xác định đã chết não, nhiều đơn vị như Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phòng Công tác xã hội... đã chia sẻ và thuyết phục được gia đình người thanh niên chết não đồng ý hiến tạng.
Thế rồi sau rất nhiều cam go, thử thách cùng những êkip y, bác sĩ hàng đầu thực hiện, hành trình kết nối sự sống cho 6 bệnh nhân nặng về gan, thận, giác mạc, đã thành công trong niềm vui vỡ òa của nhiều người.
Nói đến sự thành công của cuộc ghép, TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ, trái tim vĩ đại của người mẹ thanh niên kia trong lúc đau đớn nhất đã không quên những sinh mạng cần sự giúp đỡ của gia đình mình, đó là điều mà không phải ai cũng làm được. Và hẳn tấm lòng của người mẹ ấy cũng được an ủi bởi sự chia sẻ to lớn ấy đang giúp hồi sinh sự sống cho 6 con người.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết, thống kê cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Như vậy sẽ có rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp bởi vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.
Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ trong một lễ phát động kêu gọi hiến tạng rằng: Nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến. Đặc biệt hơn, sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể có thể cứu sống nhiều người bệnh cùng một lúc...