Trong thiên nhiên hoang dã, có những loài động vật hết sức nhỏ bé, song lại là nỗi kinh hoàng đối với con người và nhiều động vật to lớn khác. Với khả năng tiêu diệt kẻ thù và con mồi bằng nọc độc của mình, những con vật này được ví như những sát thủ nọc độc trong thế giới tự nhiên.
1. Loài kiến độc:
Loài kiến độc này có kích thước khá lớn và có hình dạng phần đuôi giống như đầu của một viên đạn. Chính vì vậy, chúng còn có tên gọi bullet ant (kiến đầu đạn). Vết cắn của loài kiến này sau từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ có thể khiến cho nạn nhân cảm thấy đau nhức khủng khiếp. Loài kiến độc này được xếp thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng những loài gây ra vết cắn đau đớn nhất (bảng xếp hạng này do nhà côn trùng học người Mỹ tên là Justin Schmidt - Giám đốc Viện sinh vật Southwestern lập nên). Tiến sĩ Schmidt từng miêu tả sự đau đớn do vết cắn của loài kiến bullet ant gây ra cho con người tương tự như bị đóng đinh vào chân.
2. Loài cá box jellyfish:
Là một loài cá có cơ thể trong như gương sống tại các vùng biển nhiệt đới. Người ta có thể dễ dàng nhìn xuyên qua cơ thể chúng và có thể nghĩ rằng chúng vô hại bởi kích thước khá bé nhỏ. Tuy nhiên, đây lại là một trong những loài cá nguy hiểm nhất. Các xúc tu của chúng có chứa chất độc cực mạnh có thể giết chết con người ngay tại chỗ. Khi những xúc tu này chạm vào nạn nhân, chúng lập tức biến đổi và trở nên cứng nhọn như những mũi kim đâm xuyên vào da. Sau đó, một lượng độc tố trong đó sẽ được truyền trực tiếp vào cơ thể của nạn nhân gây ra vết thương và sự đau đớn khủng khiếp. Mặc dù các nhà khoa học cho rằng, những con cá box jellyfish này không tấn công con người, mà chủ yếu sử dụng thứ vũ khí lợi hại này để săn bắt con mồi của chúng như tôm, cá... tuy nhiên, trong trường hợp tự vệ hoặc cảm thấy bị đe doạ, chúng vẫn có thể tấn công những thợ lặn.
3. Rắn đuôi chuông (rattlesnakes):
Là loài rắn sống chủ yếu ở các vùng hoang mạc châu Phi và châu Á, hầu hết những con rắn đuôi chuông đều rất độc. Lượng nọc độc của chúng có thể nhanh chóng làm tê liệt hệ thần kinh của các con mồi như chuột, chim và một số loại động vật nhỏ khác, sau đó khiến cho tim của nạn nhân ngừng đập chỉ một vài phút sau khi bị cắn. Khi con người bị cắn bởi rắn đuôi chuông, chất độc từ răng nanh của chúng sẽ ngấm vào vết thương, vào máu, làm phá vỡ các tế bào thành mạch và gây ra hiện tượng chảy máu bên trong rất nguy hiểm. Trong một số trường hợp, vết cắn của rắn đuôi chuông có thể dẫn tới tử vong cho con người.
4. Loài cá đuối gai độc:
Đây là loài cá bình thường vốn rất vô hại, song khi gặp nguy hiểm, chúng có thể sử dụng loại vũ khí rất nguy hiểm của chúng, đó chính là những chiếc gai có độc. Thực chất, thì trên những chiếc gai này có mang rất nhiều vi khuẩn và một số độc tố có thể phát huy khả năng gây tổn thương tế bào rất nhanh chóng. Khi bị kẻ thù tấn công hoặc cảm thấy có nguy cơ bị đe doạ, những con cá đuối gai sẽ xù những chiếc gai nhọn trên khắp cơ thể chúng, đồng thời tiết ra chất độc có thể làm chết kẻ thù nếu không may ăn phải loài cá đuối gai độc.
5. Bò cạp:
Nổi tiếng là một trong những loài động vật có phát cắn độc nhất trong các loài côn trùng, nọc độc của loài bò cạp có thể gây ra những vết thương rất nghiêm trọng cho nạn nhân của chúng, thậm chí gây ra tử vong nếu cùng lúc bị cắn bởi nhiều con bò cạp.
Có hàng nghìn loài bò cạp khác nhau, song đáng sợ nhất là những loài bò cạp được tìm thấy ở châu Phi, một số vùng ở châu Á, khu vực Đông Nam của Mỹ và khu vực Arizona. Vết cắn của chúng có thể gây ra cảm giác đau buốt rất kinh khủng.
6. Rắn độc châu Phi (spitting cobra):
Trong khi các loài rắn độc khác chủ yếu tự vệ bằng các vết cắn, thì loài rắn độc châu Phi lại không hề gây thương tích cho nạn nhân bằng cách cắn. Thay vào đó, chúng chống lại kẻ thù bằng cách phun thẳng nọc độc từ miệng chúng vào mắt của kẻ thù. Nọc độc từ loài rắn độc này có màu đục như sữa và gồm nhiều thành phần như độc tố có khả năng gây tê liệt thần kinh, các thành phần hoá học gây huỷ diệt tế bào. Với một lần phun nọc độc, những con rắn độc châu Phi có thể gây thương tật vô cùng nghiêm trọng cho mắt. Người bị loài rắn độc này phun nọc độc vào mắt, thì chỉ trong vòng từ 4 đến 6 giờ sau sẽ bị mù hoàn toàn.
7. Loài nhện độc vằn:
Với những màu sắc sặc sỡ trên lưng, sự xuất hiện của loài nhện này là dấu hiệu cảnh báo trước cho các loài vật khác về sự nguy hiểm đến tính mạng. Vết cắn của loài nhện vằn có chứa nọc độc có thể tiêu diệt những con mồi nhỏ. Đối với con người, thì vết cắn này gây ra cảm giác đau buốt và cảm giác như bị rút kiệt toàn bộ hormon trong cơ thể.
Ngoài việc dùng để tự vệ, nọc độc của loài nhện vằn còn được chúng sử dụng để gây mê và bắt các con mồi. Trong mùa sinh sản, nhện mẹ đẻ những quả trứng đơn lẻ lên các con nhện khác loài. Trứng này sau khi nở ra sẽ trở thành những ấu trùng háu ăn, chúng sẽ ăn ngay lập tức con nhện chủ mà chúng bám trên đó.
8. Loài cá đá (stonefish):
Là những sinh vật bé nhỏ sống ở các vùng nhiệt đới, trong các con suối có nhiều đá, sỏi. Chúng có những cái ngạnh cực kì sắc nhọn nằm dọc sống lưng. Những người đi lội suối không may giẫm lên những con cá này sẽ ngay lập tức bị những cái ngạnh trên lưng chúng đâm xuyên vào da kèm theo một lượng độc tố hết sức nguy hiểm. Ban đầu, độc tố này chỉ gây ra đau nhức tại các khớp xương, song chỉ sau chưa đầy một tiếng đồng hồ, chất độc sẽ tấn công vào thận. Di chứng do chất độc mà loài cá đá gây độc cho thận con người có thể kéo dài trong nhiều năm, gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh.
9. Thằn lằn Gila:
Loài thằn lằn chậm chạp sống chủ yếu tại vùng tây nam nước Mỹ này thoạt nhìn có vẻ rất hiền lành, song với bộ răng rất sắc nhọn, chúng có thể gây ra những vết cắn chí tử. Vết cắn kèm theo nọc độc của thằn lằn Gila có thể khiến nạn nhân bị sốc nếu không được cấp cứu kịp thời và gây ra tổn thương cho thận, dẫn tới hiện tượng xuất hiện máu trong nước tiểu. Thực chất, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy trong nọc độc của loài thằn lằn Gila có chứa rất nhiều thành phần độc tố có khả năng phá vỡ các collagen và màng não. Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu mới đây, thì nọc độc của Gila cũng có chứa những thành phần hữu ích được dùng để điều chế thuốc byetta - chữa đái tháo đường týp II.
Ngọc Minh (Theo ABC)