Vào một quán ăn ở xứ Phù Tang đối với khách ngoại quốc thì không có gì khó khăn hơn là phải đọc thực đơn bằng tiếng Nhật. Để giúp người nước ngoài vượt qua được khó khăn khi thưởng thức ẩm thực của xứ mặt trời mọc, người Nhật đã sáng chế ra loại kính có khả năng dịch tức thì.
Trong cuộc triển lãm công nghệ điện tử Ceatec ở ngoại ô Tokyo, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động của Nhật Bản NTT Docomo đã giới thiệu nhiều ứng dụng cơ bản cho loại kính đeo có trang bị camera và sử dụng bằng một hoặc hai mắt.
Một trong những chức năng của mắt kính này là chuyển dịch sang tiếng Anh thực đơn của quán ăn viết bằng tiếng Nhật hoặc một thứ tiếng nào đó tùy theo lựa chọn. Người đeo kính sẽ vẫn nhìn thấy trang thực đơn đó nhưng đã chuyển đổi sang tiếng Anh. Phát minh mới nhất của họ kết hợp một camera và máy tính để giúp người mang thấy một hình ảnh hoàn toàn khác với những gì họ nhìn thấy.
Kính thông minh có trang bị camera. |
"Công nghệ nhận diện ký tự cho phép người dùng dịch ngay lập tức, tiện lợi cho khách du lịch nước ngoài, nhất là khi đọc thực đơn nhà hàng hoặc các loại tài liệu, văn bản. Như vậy, người dùng sẽ không cần tới laptop hoặc máy tính bảng nữa", đại diện Docomo tuyên bố.
Một ứng dụng khác của kính đó là cho hiện các thông tin (tên, tuổi, chức vụ…) liên quan đến một người nào đó mà ta gặp, nhờ một hệ thống nhận dạng mặt. Theo các nhà thiết kế của Docomo, ngoài chức năng chính là dịch, chụp ảnh... giống Google Glass, chiếc kính này còn có thể "biến các mặt phẳng thành một màn hình chỉ người dùng mới nhìn thấy", thậm chí có thể "chạm" những "màn hình ảo" này để thực thi một tác vụ nào đó, ví dụ như tìm kiếm một địa chỉ internet. Việc nhận dạng cử động của ngón tay nhờ vào một vòng nhẫn đeo ở ngón trỏ. Các thay đổi vị trí được truyền qua điện thoại thông minh để diễn giải thành lệnh. Điều này có nghĩa là người ta thao tác điều khiển hình ảnh trên một màn hình của mắt kính bằng cách di chuyển ngón tay trên một bề mặt bất kỳ.
Tất cả hoặc một phần công nghệ này sẽ được tung ra vào dịp Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Tuy nhiên, với sáng chế kính mắt trên vẫn còn nhiều vấn đề kỹ thuật phải giải quyết như kích thước của kính, nguồn điện, độ nhanh nhạy trong nhận dạng hình ảnh và thời gian phản ứng.
Bên cạnh chiếc kính thông minh, ôtô có khả năng tự lái cũng là con át chủ bài trong triển lãm CEATEC lần này. Chiếc ôtô tự lái do Công ty Nissan sản xuất hứa hẹn giúp người điều khiển "trở nên nhàn rỗi hoàn toàn". Theo thiết kế, năm cảm biến laser cùng các camera tinh vi đặt trong xe sẽ liên tục theo dõi đường đi và các vật thể gần đó, tự động chuyển hướng lái để tránh va chạm.
Cũng về mảng công cụ trợ giúp, hãng Clarion đã giới thiệu cho khách tham quan một chiếc Sat-Nav (thiết bị dẫn đường cho xe ôtô) có thể bày tỏ sự "quan tâm", nhắc nhở người lái xe nghỉ ngơi sau một thời gian dài cầm vô-lăng. Bạn đã lái xe lâu rồi. Bạn muốn uống cà phê không? Có một tiệm cà phê ngon ở ngay gần đây đấy", thiết bị "hỏi han" người lái. Không những vậy, lái xe có thể "hỏi" lại thiết bị này địa điểm các nhà hàng, nơi giải trí, dựa theo một số đề xuất như giá tiền bữa ăn: "Tôi muốn tìm một nơi ăn trưa với số tiền 10 USD".