Hà Nội

Những sai lầm trong tập luyện

14-06-2019 13:45 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Trong phòng ngừa và điều trị bệnh tật, bên cạnh việc sử dụng thuốc thì tập luyện là phương pháp thường được dùng tới.

Tập luyện mang tính chủ động hoặc bị động dưới nhiều hình thức khác nhau: tập thể dục hàng ngày với nhiều bộ môn đa dạng như chạy bộ, tập dưỡng sinh, bơi lội, cầu lông, tennis....; tập luyện dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên y tế như tập vật lý trị liệu: tập tay, tập chân, tập cột sống, tập đi đứng...

Bộ môn tập luyện quá sức đối với cơ thể:

Đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất. Chúng tôi từng gặp bệnh nhân nam 78 tuổi, bị đau nhức toàn thân do đi tập tạ với mong muốn có được cơ bắp nở nang như khi còn trẻ. Nhiều người cao tuổi vẫn chơi những môn đòi hỏi vận động cường độ cao như tennis, chơi các môn đối kháng như đá bóng dễ gây chấn thương cơ xương khớp hoặc đột quỵ, do gân cơ, dây chằng  không còn dẻo dai, loãng xương, phản xạ chậm dễ té ngã. Ở người cao tuổi không nên tập những môn quá nặng như vậy mà nên tập những môn nhẹ nhàng vừa sức như Thái cực quyền, Yoga, Khí công, Dưỡng sinh, bơi lội, đi bộ…

Cần thận trọng vì không phải động tác Yoga nào cũng tập được như động tác trồng chuối là chống chỉ định với người có huyết áp cao và nguy cơ chấn thương cột sống cổ.

Những sai lầm trong tập luyện

Tập aerobic thường vận động nhanh, liên tục sẽ không phù hợp với người có tiền sử bệnh tim mạch, hen suyễn, tăng huyết áp. Các trường hợp này nên tập đi bộ nhẹ nhàng và không để quá sức, ngưng tập khi thấy mệt.

Phụ nữ sau sinh không nên tập các bài tập bụng vì có thể làm tổn thương cơ bụng chưa phục hồi sau sinh nở, chỉ nên tập đi bộ nhẹ nhàng.

Bộ môn tập luyện không tác động tới vùng bị bệnh của cơ thể:

Chúng tôi từng gặp một nữ bệnh nhân, 36 tuổi, sống tại TP.HCM, là nhân viên văn phòng, thường đau mỏi cổ gáy. Chị chọn tập môn lắc vòng lưng để cải thiện đau nhức vùng cổ gáy, tuy nhiên một thời gian sau chị bị đau và bầm tím vùng lưng, đi khám thì phát hiện có thoát vị đĩa đệm vùng lưng. Để cải thiện bệnh, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ xem môn tập luyện có phù hợp không, tập luyện thế nào cho phù hợp về cường độ và tần suất.

Tập luyện không đúng thời điểm, vị trí:

Thời điểm tập thể dục lý tưởng nhất là vào buổi sáng, khi mặt trời đã lên. Tập thể dục quá sớm khi trời chưa sáng rõ gây hạn chế tầm nhìn, dễ gây tai nạn cho người tập khi tập ngoài trời nếu va vấp phải chướng ngại vật, nguy cơ bị tai nạn giao thông do người khác không nhìn thấy; lúc sáng sớm trời còn lạnh không tốt cho sức khỏe của người cao tuổi; không tốt cho hô hấp vì cây cối xung quanh vẫn hấp thụ oxy thải CO2 trong khi có ánh sáng mặt trời cây sẽ quang hợp hút CO2 và thải oxy, cơ thể hấp thu oxy có lợi cho sức khỏe.

Tập thể dục vào buổi sáng có tác dụng làm cho các hệ thống thần kinh, vận động, hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, não bộ... được đánh thức và được hoạt động trong điều kiện có không khí trong lành. Lưu ý nơi tập luyện: nếu tập luyện ngoài trời nên chọn nơi có không khí trong lành, tránh nơi không khí ô nhiễm như ven đường giao thông, khu công nghiệp... Nên tập ở nơi nhiều cây xanh, yên tĩnh. Có thể chọn tập luyện trong nhà sẽ ít bị ảnh hưởng của thời tiết, môi trường.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tập luyện phù hợp: nên tham vấn bác sĩ và người có chuyên môn về tập luyện để có kiến thức về môn mà mình tập luyện cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp. Trong tập luyện cần kiên trì và đều đặn, chứ không mang tính ngẫu hứng, ngày tập ít, ngày tập nhiều. Cần lắng nghe cơ thể khi thấy đau, mệt thì ngưng tập và kiểm tra sức khỏe khi có nghi ngờ. Và lưu ý mục tiêu mình tập luyện là để có lợi cho sức khỏe.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn