Những sai lầm trong dự phòng và điều trị, khiến bệnh hen càng trầm trọng

10-12-2018 08:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong các yếu tố gây tác động cơn hen nhiều nhất là thay đổi thời tiết, gắng sức, nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp…Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều bệnh nhân hen đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong dự phòng và điều trị bệnh

 

Bệnh nhân hen đã “lười khám” lại dùng thuốc chưa đúng cách

Trong ngày 9/12, mặc dù thời tiết lạnh và mưa nhưng rất nhiều người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã tới BV Bạch Mai để khám, tư vấn và được phát thuốc miễn phí bệnh hen phế quản.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh hen phế quản.

TS.BS Phạm Huy Thông đang thăm khám và tư vấn cách sử dụng thuốc xịt dự phòng hen cho bệnh nhân Lê Thị Tuyết

Bà Lê Thị Tuyết, 57 tuổi, tại Thanh Oai, Hà Nội được người nhà đưa đến BV Bạch Mai từ sáng sớm để khám hen. Bà Tuyết phát hiện hen từ năm 24 tuổi, trước đây do gia đình không có điều kiện nên bà đi khám, mà thường dùng đơn cũ để mua thuốc điều trị.mỗi khi bệnh hen “bùng phát”. Chính vì thế có giai đoạn, bà Tuyết liên tục bị hen cấp.

Vài năm trở lại đây, bà Tuyết đã đi khám thường xuyên hơn. Tuy nhiên cũng giống như nhiều bệnh nhân hen khác, mỗi năm bà Tuyết vẫn chỉ đến khám có hai lần khi Trung tâm khám miễn phí. Mỗi lần đi khám, bà Tuyết đã được các bác sĩ của Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng khám, tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Trực tiếp thăm khám và tư vấn cho bà Tuyết, TS.BS. Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đã khuyên bà Tuyết mỗi năm nên đi khám ít nhất 3-4 lần, ngay cả khi không có vấn đề gì về đường thở. TS Thông đồng thời cũng hướng dẫn bà Tuyết cách dùng thuốc dự phòng hen đúng cách vì qua quan sát khi bà Tuyết dùng thuốc xịt, TS Thông thấy vẫn chưa đúng dẫn đến thuốc không vào cơ thể bà Tuyết như mong muốn.

Đo đường thở cho bệnh nhân đến khám hen tại chương trình

Các yếu tố gây kích phát cơn hen

Các chuyên gia cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ hen phế quản là 3,9% dân số -như vậy, số lượng bệnh nhân hen phế quản ở Việt Nam ước tính khoảng gần 4 triệu người

Bệnh hen gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Tỉ lệ tử vong do bệnh hen còn cao mặc dù đã có thuốc điều trị, kiểm soát hiệu quả.

“Chi phí cho việc chăm sóc bệnh hen rất tốn kém, đặc biệt là chi phí nằm viện, cấp cứu, mất việc làm, nghỉ học do cơn hen cấp. Trong khi đó, người bệnh, chưa hiểu được hết giá trị của việc dự phòng hen phế quản dù đây là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống bình thường nếu được kiểm soát tốt”- TS Phạm Huy Thông nói

Trong các bệnh nhân hen, các chuyên gia tìm thấy các yếu tố gây kích phát cơn hen ở bệnh nhân, gồm: Gắng sức, thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp, khói (khói thuốc lá, khói than), nhiễm lạnh, hóa chất, bụi (bụi nhà, bụi công nghiệp), tiếp xúc vật nuôi, cảm xúc, phấn hoa, thức ăn, liên quan thai nghén và thuốc.

Trong đó các yếu tố gây tác động cơn hen nhiều nhất là thay đổi thời tiết (85,2%), gắng sức (gần 70%), nhiễm lạnh (53,2%), viêm đường hô hấp…

Các bác sĩ Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng tư vấn dự phòng và điều trị cho bệnh nhân hen

Bệnh nhân hen cũng thường mắc các bệnh dị ứng kèm theo như viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thức ăn, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa…

Những sai lầm khiến bệnh hen trở nên nặng hơn

Qua thăm khám cho bệnh nhân, TS Phạm Huy Thông đã chỉ ra một số sai lầm của bệnh nhân trong điều trị hen đó là đi khám không đều- mỗi năm chỉ 1 lần hoặc có không ít bệnh nhân diều trị một đợt thấy ổn nên không đi khám lại. Trong khi theo khuyến cáo, đối với bệnh nhân hen, mỗi năm phải đi thăm khám ít nhất là 3-4 lần, để bác sĩ thăm khám và điều chỉnh liều dự phòng, điều trị cho phù hợp với tình tranggj bệnh lúc đó.

Ngoài ra, có tình trạng sai lầm trong điều trị hen là một số bệnh nhân do quá sợ tác dụng phụ của thuốc điều trị và dự phòng hen nên không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát hẹn; hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng liều lượng, hướng dẫn của bác sĩ... Thậm chí còn có tình trạng bệnh nhân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc điều trị hen cho mình.

Phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tại buổi thăm khám

Sai lầm tiếp theo ở người bệnh hen khi điều trị là không chú ý đến môi trường sống quanh mình. TS Phạm Huy Thông cho biết, nhiều trường hợp người bệnh hen tái khám rất đều đặn, kỹ thuật dùng thuốc đúng nhưng bệnh hen vẫn không được kiểm soát tốt. Sau khi tìm hiểu kỹ về tác nhân gây hen thì được biết, nhà của không ít bệnh nhân dùng than tổ ong, nuôi chó, mèo, thường xuyên cắm hoa... Trong khi đó, bệnh hen phế quản thường nặng hơn khi tiếp xúc với dị nguyên như môi trường khói bụi, phấn hoa, thuộc da, hóa chất, mùi than tổ ong...

“Chính những sai lầm trên đã khiến cho nhiều bệnh nhân hen bị bệnh nặng thêm, điều trị thêm khó khăn và kéo dài vì quan trọng nhất trong điều trị hen là dự phòng và điều trị đúng, đủ theo tình trạng bệnh”- TS Phạm Huy Thông cho hay

TS Phạm Huy Thông cũng khuyến cáo người bệnh hen cần luôn mang theo thuốc dự phòng hen bên mình để tránh tình trạng khi lên cơn hen cấp mà không có thuốc để xịt ngay lập tức. Bởi cơn hen phế quản bùng phát khi không được kiểm soát hiệu quả có thể đẩy người bệnh vào nguy hiểm, tử vong nhanh chóng.

Lời khuyên của chuyên gia: Những người có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau cần đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm và dự phòng, điều trị sớm bệnh hen

Khó thở

Thở khò khè, cò cử

Ho

Nặng ngực

Khó thở về đêm

Khó thở khi thay đổi thời tiết.

Bản thân và gia đình đã từng mắc các bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng (Chàm, Mày đay, Hen phế quản, Dị ứng thuốc, Dị ứng thức ăn…)


 

 



 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn