1. Quan niệm sai lầm trong chăm sóc da khi mang thai
- Không dùng sữa rửa mặt: Sữa rửa mặt là một trong những sản phẩm rất cần thiết trong các bước chăm sóc da. Nếu chị em không dùng các sản phẩm này sẽ khiến việc vệ sinh da không được sạch sẽ. Đặc biệt là khi mang thai, làn da thường bị khô hơn hoặc tiết bã nhờn, mụn trứng cá nhiều hơn so với bình thường. Nếu không vệ sinh da sạch, sẽ khiến các tạp chất bám trên da kết hợp cùng bã nhờn tiết da quá nhiều sẽ có nguy cơ gây viêm da, mụn... Điều này sẽ khiến việc chăm sóc da sau này sẽ khó khăn hơn.
Do đó, khi mang thai vẫn cần sử dụng các sản phẩm vệ sinh da hằng ngày. Tuy nhiên, lưu ý chọn mua các sản phẩm hữu cơ da dịu nhẹ dành riêng cho bà bầu. Những sản phẩm này thường không có đặc tính tẩy rửa mạnh nhưng vẫn đảm bảo da được làm sạch rất an toàn.
- Không dùng kem chống nắng: Cũng vẫn tâm lý e ngại các thành phần gây hại cho thai nhi nên nhiều chị em lựa chọn không sử dụng kem chống nắng trong lúc mang thai. Nhưng giai đoạn này, làn da của chị em lại rất nhạy cảm, dễ bắt nắng, sạm nám. Do đó nếu không sử dụng kem chống nắng sẽ thúc đẩy nguy cơ da bị khô, tăng sắc tố, xỉn màu và xuất hiện những vết nám ngày càng nghiêm trọng, khả năng hồi phục da sẽ kém đi sau đó.
Trên thị trường có nhiều loại kem chống nắng dành cho phụ nữ mang thai. Khi mua sản phẩm, nên chọn kem chống nắng vật lý. Các thành phần như oxit kẽm, titanium, dioxide... có trong kem chống nắng vật lý giúp ngăn ngừa tia UV trước khi chúng chạm đến da.
- Không dưỡng da: Do sự thay đổi nội tiết tố nên làn da của chị em có nhiều thay đổi xấu trong quá trình mang thai. Nếu trong suốt 9 tháng mang thai mà làn da không được chăm sóc và dưỡng da đầy đủ, các tình trạng như nổi mụn, nám, tàn nhang, da khô, da nhờn, tăng sắc tố, da lão hóa... sẽ càng trở nên nặng nề hơn. Do đó, ngoài vấn đề vệ sinh da, sử dụng kem chống nắng, thì chị em luôn chú ý phải dưỡng da hằng ngày.
Chỉ cần lưu ý chọn mua các sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên, có các thành phần lành tính, chú ý nguồn gốc, thương hiệu, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và chứng nhận về độ an toàn dành cho phụ nữ mang thai.
- Tùy tiện sử dụng mỹ phẩm handmade: Nhiều chị em cho rằng, các sản phẩm handmade là an toàn, không có hóa chất, không chất bảo quản, do đó yên tâm sử dụng mà không suy nghĩ đến các tác hại. Tất cả các sản phẩm được quảng cáo là "handmade" đều khó xác định thành phần cũng như chưa được kiểm nghiệm về độ an toàn với sức khỏe của thai nhi và thai phụ.
Đa phần mỹ phẩm handmade được làm từ những người không có kiến thức chuyên sâu về thành phần mỹ phẩm, tỉ lệ phù hợp... với cấu trúc của làn da. Chưa kể trong quy trình sản xuất đơn sơ, khó bảo đảm yêu cầu về vô khuẩn... nên các sản phẩm tự sản xuất dễ bị biến chất, hư hỏng, gây hại lâu dài cho người dùng.
- Lạm dụng mặt nạ tự sản xuất: Mặc dù các loại mặt nạ dưỡng da được làm từ các loại rau, củ, quả là an toàn, nhưng nếu sử dụng quá nhiều, nguồn gốc rau, củ, quả không bảo đảm thì việc lạm dụng có thể gây hại cho làn da.
Chẳng hạn khi sử dụng quá nhiều mặt nạ cung cấp vitamin C, vitamin A... sẽ khiến da bị khô, bào mòn, dễ bị tổn thương và bắt nắng nhiều hơn. Do đó, mỗi tuần chỉ nên đắp mặt nạ từ 2-3 lần và phải thay đổi mặt nạ được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau...
2. Cách chăm sóc da cho phụ nữ mang thai
- Sử dụng kem dưỡng ẩm vào ban đêm là bước rất quan trọng. Làn da được cấp ẩm vào ban đêm là chìa khóa để da trở nên khỏe, mịn màng hơn. Khi lựa chọn kem dưỡng ẩm, nếu type da khô nên sử dụng dòng kem có độ đặc cao. Nếu type da dầu và có mụn, nên chọn serum hoặc kem lỏng để tránh gây bết rít, khó chịu.
- Mỗi tuần thực hiện 1-2 lần tẩy da chết, sử dụng các nguyên liệu như đường đen, cám gạo, chanh tươi... để giúp da sạch sâu và mịn màng.
- Uống đủ nước, tránh tình trạng da bị khô, nứt nẻ. Mỗi sáng có thể uống 1 cốc nước chanh mật ong ấm, giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện tình trạng da bị tối màu, sạm, nám khi mang thai. Hạn chế uống các loại nước có ga, nước ngọt và đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê…
- Đi ngủ sớm trước 10h30 tối và ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Không nên thức khuya và ngủ quá ít sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho cả thai nhi và làn da của thai phụ.
- Tránh những loại mỹ phẩm có thành phần: Corticoid, paraben, petroleum, siloxanes propylene, butylene glycol, sunfat natri lauryl...
- Không sờ tay lên mặt, không tự nặn mụn, đặc biệt là các mụn mủ, mụn bọc...
- Khi gặp bất cứ vấn đề nào về da cần phải điều trị, nên gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn cách xử trí.
Mời độc giả xem thêm video:
Làm thế nào để không bị nám da khi mang thai? | SKĐS