Nhiều người gặp phải sai lầm trong chăm sóc điều trị gout khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.
1. Uống thuốc điều trị bệnh gout nếu thấy hết đau là đã khỏi bệnh
Một số người bệnh gout cho rằng khi khám bệnh và được các bác sĩ cho thuốc uống, nếu hết đau là khỏi bệnh gout. Do đó có người không uống thuốc nữa, ăn uống thoải mái, không kiêng khem, khiến cho bệnh nặng hơn.
Thực tế, khi uống thuốc điều trị gout và hết đau, điều này chỉ tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Bệnh gout có diễn biến mạn tính, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí rất lâu trên dưới 10 năm.
Nếu người bệnh bị vài ba cơn gout mỗi năm hoặc bị thưa hơn nhưng rất đau, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc làm giảm nguy cơ biến chứng có liên quan với gout. Các thuốc này làm hạ acid uric - máu và giảm nguy cơ của gout.
Theo các khuyến cáo, nếu bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng và acid uric - máu trở về bình thường, thì cần tiếp tục điều trị thêm trong 3 tháng để ngăn ngừa tái phát với người chưa có tophi và trong 6 tháng nếu đã có tophi.
2. Phòng cơn đau gout tái phát, người bệnh cần ăn kiêng tuyệt đối
Do được các bác sĩ hướng dẫn cần ăn kiêng một số thực phẩm giàu purin, một số người bệnh cho rằng để phòng cơn đau bệnh gout tái phát cần kiêng tuyệt đối. Điều này chưa hẳn đúng, vì thực tế cho thấy acid uric đến từ nguồn nội tại trong cơ thể.
Tuy nhiên, người bệnh gout cũng nên hạn chế dùng các thực phẩm là nội tạng động vật, các loại thịt lên men, hải sản, một số ngũ cốc, các loại hạt… (chứa nhiều purin) và rượu, bia.
3. Người bệnh gout kiêng rượu bia nhưng nước ngọt có ga thì an toàn
Với người bệnh gout, việc hạn chế rượu bia là điều hiển nhiên. Vì rượu, bia có chứa một lượng acid uric, nên khi uống lượng acid uric trong cơ thể sẽ tăng lên.
Nhưng nhiều người cho rằng nước ngọt có ga thì an toàn nên uống thoải mái. Điều này là quan điểm sai lầm, bởi các loại nước ngọt có ga cũng làm tăng acid uric trong máu, không thua kém gì bia. Ngay cả nước soda người bệnh gout cũng không nên dùng nhiều.
Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa sự gia tăng bệnh gout và tiêu thụ nước giải khát. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong soda có chứa đường fructose - loại đường làm tăng nồng độ acid uric, đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout. Và fructose cũng có trong nhiều đồ uống, thực phẩm ngọt khác chứ không riêng gì soda.
Vì vậy, người bệnh gout không chỉ hạn chế rượu bia, mà cũng cần hạn chế nước ngọt có ga, nhất là khi dùng với hải sản.
4. Thảo dược chữa được bệnh gout
Không ít người nghe quảng cáo trên các diễn đàn, mạng xã hội là loại thảo dược này chữa được dứt điểm bệnh gout và thường áp dụng theo. Tuy nhiên, đây là một sai lầm vì hiện nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra được các biện pháp điều trị khỏi triệt để bệnh gout.
Thực tế cho thấy có một số loại thảo dược được dùng làm bài thuốc, có tác dụng hỗ trợ điều trị hoặc làm giảm triệu chứng gout đã cho kết quả trên thực tiễn. Tuy nhiên, việc dùng phải có liều lượng và phù hợp với từng cơ địa. Do đó, không nên tự dùng theo mách bảo, cần tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền.
5. Bệnh gout không nguy hiểm
Với quan niệm bệnh gout chỉ làm đau khớp, không nguy hiểm đến tính mạng, không quá lo lắng, nên nhiều người chủ quan không thực hiện y lệnh của các bác sĩ. Điều này hoàn toàn sai lầm, thực tế cho thấy người mắc bệnh gout nếu không được điều trị, chăm sóc đúng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu hạt tophi bị vỡ, sẽ có nguy cơ viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn xâm nhập.
Ngoài ra, bệnh nhân gout dễ có nguy cơ mắc thêm các bệnh về thận, có thể dẫn đến sỏi thận, suy thận. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ bệnh lý tim mạch tăng cao ở người bệnh gout và có thể gây ra các biến cố tim mạch chết người. Chưa kể đến có nhiều bệnh nhân sử dụng các thuốc bừa bãi, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim… Chính vì lẽ đó, người bệnh cần được theo dõi và điều trị tích cực bệnh gout.
Tóm lại: Người bệnh gout ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần thay đổi thói quen ăn uống, có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản, tránh rượu bia, các loại nước ngọt có ga, không hút thuốc lá....
Điều quan trọng nhất là người bệnh cần tái khám và luôn nhớ phải tuân thủ chỉ định do bác sĩ đề ra, để có thể "sống chung" với căn bệnh này một cách an toàn, tránh để bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-