Hà Nội

Những sai lầm người mắc bệnh dạ dày thường mắc

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng

Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai

07-07-2021 20:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - “Chúng tôi gặp khá nhiều sai lầm trong thực hành lâm sàng hàng ngày của người bị bệnh dạ dày, đó là sử dụng đơn của người khác áp dụng cho mình mà không đi khám, trong khi đó không biết mình mắc bệnh dạ dày hay bệnh gì khác…”

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai tại chương trình Truyền hình trực tuyến với chủ đề “Bí quyết để dạ dày luôn khoẻ mạnh” do báo điện tử Suckhoedoisong.vn tổ chức.

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng cũng chia sẻ thêm, đó là khi điều trị bác sĩ bao giờ cũng phải có lộ trình điều trị  rõ ràng. Từ điều trị tấn công đến điều trị duy trì, quá trình điều trị bệnh phải theo dõi rất chi tiết cẩn thận. Vì thế, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ luôn phải theo dõi và sẽ có hẹn với bệnh nhân đến tái khám tùy vào mức độ bệnh có thể sau 1 tuần, 4 tuần hoặc sau 6 tháng, 1 năm tùy vào mức độ tổn thương của bệnh...Nhưng khá nhiều bệnh nhân đã không tuân thủ nên không quay trở lại để theo dõi. Điều đó có thể làm cho bệnh diến biến nặng hơn.

Bệnh dạ dày là bệnh rất dễ tái phát, vì vậy để điều trị bệnh các bác sĩ phải đi tìm căn nguyên gây ra bệnh lý này. Khi đã điều trị triệt để đúng căn nguyên gây bệnh thì bệnh sẽ khó tái phát trở lại. 

 

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng 

Ngoài ra, theo PGS. Hồng bệnh dạ dày cũng đến do căn nguyên từ stress trong cuộc sống, liến quan đến chế độ ăn, ngủ nghỉ, sinh hoạt của bệnh nhân. Mặc dù vậy, trong cuộc sống hiện đại chúng ta khó có thể kiểm soát tốt được stress và các chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt... đây là một trong những căn nguyên phổ biến khiến bệnh dạ dày tái phát. 

Do đó, để hạn chế tái phát bệnh dạ dày, theo PGS Hồng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt điều độ của bệnh nhân rất quan trọng. Vì rõ ràng các dịch vị dạ dày, các men tiêu hóa của chúng ta được bài tiết theo phản xạ có điều kiện, phản xạ này được hình thành trong cuộc sống.

Nếu đến giờ ăn uống, các dịch vị tiêu hóa, các men tiêu hóa tiết ra mà không có thức ăn để tiêu hóa, chúng sẽ tấn công vào bề mặt niêm mạc dạ dày. Còn khi đang có những cơn đau, ổ loét đang tiến triển cần có chế độ ăn đặc biệt, thức ăn phải mềm, hạn chế thức ăn cay, nóng, đặc biệt tuyệt đối không uống rượu, bia.

TS.BS Trần Thái Hà 

Cùng quan điểm trên, TS. BS. Trần Thái Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Y học Cổ truyền Trung ương cũng cho rằng để tránh tái phát và mắc các sai lầm trong điều trị bệnh, bệnh nhân nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng thể bệnh, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh mà mình đang mắc.

Trong Đông y bệnh dạ dày chia làm các thể can, khí, phạm, vị. Trong đó lại chia làm các thể nhỏ khác nhau như thể khí trệ, thể hỏa uất hay thể huyết ứ. Ngoài ra, còn có các nhóm bệnh như tỳ vị hư hàn, vị âm hư suy...Mỗi một thể bệnh khác nhau lại có các phương pháp điều trị khác nhau.

Vì vậy việc đầu tiên phải chẩn đoán đúng thể bệnh, từ đó mới đưa ra đúng phương pháp điều trị.

Chia sẻ về phương pháp điều trị bệnh dạ dày từ nghệ, TS.Trần Thái Hà cho biết, trong dân gian người xưa đã sử dụng nghệ thường xuyên trong món ăn hàng ngày. Nghệ có tác dụng làm đầy màng nhày giúp cho tổn thương sẹo lên rất nhanh, nó có tác dụng chống viêm nên hạn chế tổn thương tiến triển nặng lên.

Cả nghệ đen, nghệ vàng đều có giá trị trong điều trị các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là trong nghệ vàng có Curcumin. Nghiên cứu của y học hiện đại cũng đã chứng minh Curcumin có tác dụng chống o xy hóa, giảm viêm, điều trị loét dạ dày, hàn gắn tổn thương.

Trong nghệ vàng có Curcumin được nghiên cứu có tác dụng chống oxy hoá, giảm viêm, hàn gắn tổn thương 

"Tuy nhiên, một trong những hậu quả để lại gặp khá thường xuyên khi dùng nghệ điều trị đó là tạo thành các cục bã thức ăn ở trên ống tiêu hóa. Nếu khối bã thức ăn lớn sẽ tạo thành bệnh cảnh của tắc ruột. Nếu không chẩn đoán ra, thậm chí còn phải mổ. Do đó, nếu dùng nghệ để điều trị bệnh thì dùng số lượng đưa vào vừa đủ và hàm lượng Curcumin cũng vừa đủ để tránh được việc sinh ra các khối bã thức ăn gây tắc ruột", TS. Hà lưu ý. 

 

 

 


H.Nguyên
Ý kiến của bạn
Tags: