Bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa do lối sống không lành mạnh
Trước đây, bệnh ĐTĐ type 2 thường chỉ gặp ở bệnh nhân từ 30 tuổi trở lên, nay bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, thanh niên từ 20 đến dưới 30. Thậm chí nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ 9-13 tuổi. Tại Việt Nam, năm 2019 ghi nhận có khoảng 3,8 triệu người mắc ĐTĐ và con số dự báo tăng lên khoảng 6,1 triệu người vào năm 2040. Theo các chuyên gia, bệnh ĐTĐ ngày càng gia tăng và trẻ hóa là do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa...
Những sai lầm bệnh nhân ĐTĐ hay mắc phải
TS.BS. Phạm Thúy Hường - Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết: Đối với bệnh nhân ĐTĐ, trên thực tế có rất nhiều sai lầm xuất phát từ việc không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.
Rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường và tinh bột sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết (ĐH). Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người ĐTĐ cần phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipid, vitamin, chất xơ... Bên cạnh đó, luyện tập thể dục thể thao, tăng cường vấn đề thể lực cũng có ảnh hưởng rất tích cực đến hiệu quả điều trị và kiểm soát ĐH của bệnh nhân.
Việc kiêng hoàn toàn tinh bột sẽ không tốt cho người bị đái tháo đường.
Một sai lầm thường gặp của bệnh nhân ĐTĐ đó là dùng đơn thuốc của người khác. Thực tế lâm sàng có rất nhiều người bệnh ĐTĐ đã và đang điều trị bằng đơn thuốc của người quen hoặc do người thân mách bảo. Nhưng để điều trị ĐTĐ, mỗi bệnh nhân sẽ có một mục tiêu điều trị riêng, việc dùng thuốc của mỗi người phải dựa trên nền bệnh lý và những bệnh phối hợp khác như: suy gan, suy thận, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch... Do đó, không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia. Tình trạng sử dụng đơn thuốc của người khác đôi khi để lại những tác hại như: tăng hoặc giảm ĐH quá mức, thậm chí suy gan, suy thận...
Nhiều bệnh nhân chỉ đo ĐH vào lúc đói và do tiết kiệm nên 1 tuần chỉ đo ĐH 1-2 lần. Nhưng nếu chỉ theo dõi ĐH vào lúc đói là chưa đủ, theo dõi ĐH sau ăn là việc làm rất quan trọng, bởi ĐH sau ăn quá cao cũng gây ra nhiều biến chứng. Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi ĐH cả lúc đói và sau ăn. Không phải chỉ đo ĐH một vài lần/tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi ĐH ổn định rồi thì sẽ giảm dần số lần thử ĐH trong ngày.
Bệnh nhân ĐTĐ type 2 đa phần là người lớn tuổi, nên ngoài mắc ĐTĐ, họ thường mắc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu... Nhưng rất nhiều bệnh nhân chỉ lo sợ về bệnh ĐTĐ và chỉ kiểm soát ĐH mà quên đi tình trạng tăng huyết áp và rối loạn lipid máu cũng là 2 yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh. Do đó, người bệnh kiểm soát ĐH cần phải song song với việc theo dõi mỡ máu cũng như huyết áp.
Một số khác lại bỏ thuốc Tây y vì sợ hại và tìm đến thuốc Đông y, thậm chí không rõ nguồn gốc và để lại hậu quả nặng nề. Hơn nữa, do thiếu hiểu biết, nhiều bệnh nhân đã tự chữa các vết loét bàn chân ở nhà gây nhiều biến chứng...
Trước thực trạng trên, TS. Phạm Thúy Hường khuyến cáo: Mỗi người bệnh ĐTĐ cần được một bác sĩ chuyên khoa khám, theo dõi và xây dựng cho riêng mình một mục tiêu điều trị để có thể kiểm soát bệnh tốt và hạn chế biến chứng.