Dạo quanh các chợ hay siêu thị, có thể thấy, dầu ăn là một trong những mặt hàng rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại và thương hiệu. Dù là một trong những nguyên liệu được sử dụng hàng ngày trong nấu ăn, nhưng trên thực tế, nhiều người nội trợ lại chưa quan tâm đúng mực đến nguồn gốc, nguyên liệu của chai dầu mình chọn. Từ đây có thể dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người sử dụng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định người tiêu dùng nên dựa vào thành phần nguyên liệu để chọn được đúng loại dầu ăn tốt.
Lúng túng chọn... dầu
Qua quan sát cách nhiều bà nội trợ “cầm lên đặt xuống” các chai dầu ăn trên quầy kệ tại những siêu thị mới thấy hết sự lúng túng của người tiêu dùng trước sự đa dạng của thị trường dầu hiện nay. Chị Trần Hồng T. (34 tuổi, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Đôi khi không biết nên chọn loại nào nên tôi cầm đại hoặc mua loại nào giá rẻ, vì tôi nghĩ dầu ăn nào cũng giống nhau.”
Là một thợ nấu có thâm niên và biết rõ dầu là nguyên liệu rất quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng món ăn nhưng bà Nguyễn Ngọc P. (55 tuổi, Q. Tân Phú) cũng mắc lỗi lựa chọn dầu ăn theo cảm tính. Bà cho biết: “Tôi thường chọn dầu ăn mà những thợ nấu đi trước giới thiệu. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ loại dầu nào có màu sắc sáng sẽ ít béo hơn dầu đậm màu”.
Không chỉ riêng chị T. hay bà P. mà có đến 80% người tham gia một khảo sát trên VnExpress (*) vào đầu tháng 9 có tiêu chí lựa chọn dầu ăn dựa trên màu sắc, mẫu mã bao bì, khuyến mại, do người quen giới thiệu, hay thậm chí là căn cứ vào... hiện tượng đông của dầu ăn ở môi trường có nhiệt độ thấp. Chỉ có gần 20% bà nội trợ quan tâm đến thành phần, nguyên liệu làm nên sản phẩm.
Trao đổi về vấn đề này , PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Đặc tính của từng loại dầu nguyên liệu là nguyên nhân chính dẫn đến màu dầu sáng hay đậm. Đồng thời, mỗi loại dầu đều có nhiệt độ đông nhất định do tính chất vật lý của nguyên liệu dầu chứ không phải do sự biến đổi hóa học. Do vậy, màu dầu hay hiện tượng đông không liên quan đến chất lượng của dầu ăn. Ngoài ra, chọn dầu ăn theo nhãn mác bắt mắt, giảm giá, khuyến mại mà không quan tâm đến chất lượng, thương hiệu, hạn dùng,... có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người sử dụng.”
Nhiều người tiêu dùng vẫn còn lúng túng khi chọn dầu ăn (nguồn: shutterstock).
Tiêu chí nào để chọn dầu ăn chất lượng?
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: “Chính nguyên liệu, thành phần chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác mới là tiêu chí làm nên sự khác biệt giữa dầu ăn cao cấp và dầu ăn kém chất lượng. Dầu ăn chất lượng là loại dầu có nguồn gốc từ thành phần nguyên liệu tự nhiên, cao cấp, chứa nhiều axit béo không no và các dưỡng chất có lợi cho cơ thể.”
Tuy nhiên, nguyên liệu tự nhiên, cao cấp là những loại nào? TS. Lâm cho ví dụ, khoa học đã tìm thấy trong dầu gạo rất giàu dưỡng chất Gamma-Oryzanol có khả năng chống ôxy hóa mạnh gấp 4 lần vitamin E. Chất chống ôxy hóa tự nhiên này có tác dụng rõ rệt trong việc giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ,... Trong khi đó, dầu hướng dương được chứng minh có hàm lượng vitamin E cao nhất so với các loại dầu thực vật, và khả năng chống ôxy hóa cao. Dầu đậu nành với hàm lượng cao chất béo không bão hòa đa như omega 3, 6, 9 và đặc biệt là dưỡng chất Phytosterols giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch...
Rõ ràng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần hết sức chú ý đến thành phần, nguyên liệu của dầu ăn, vì đây mới là yếu tố quyết định làm nên chất lượng của dầu ăn, đảm bảo mang đến bữa ăn ngon và an toàn. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng cũng được khuyến cáo nên bảo quản dầu ăn ở những nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng, đậy kín chai sau mỗi lần sử dụng và không tái sử dụng dầu thừa sau khi chế biến.
(*) Cuộc khảo sát trên VnExpress xoay quanh câu hỏi “Theo bạn, khi chọn dầu ăn tiêu chí nào là quan trọng nhất?”, có gần 1.000 người tham gia.
An Nhiên