Những sai lầm khi dùng thuốc trị viêm mũi dị ứng ở trẻ

02-05-2019 16:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi... là những triệu chứng của viêm mũi dị ứng gây ra. Những triệu chứng này khiến trẻ rất khó chịu.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không đúng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Vì sao viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là tình trạng niêm mạc mũi phản ứng quá nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài gây ra dị ứng mũi. Nguyên nhân là do cơ địa bị dị ứng với các dị nguyên có trong không khí như bụi, phấn hoa cây cỏ, lông vũ, đôi khi là các thức ăn như trứng, sữa, hải sản...

Biểu hiện thường gặp là hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ngứa ở trong mũi, tai, vòm họng... Đôi khi trẻ có tình trạng mắt đỏ chảy nước mắt, ngứa mắt hoặc có quầng thâm ở mắt, đó là tình trạng viêm kết mạc dị ứng kèm theo VMDƯ.

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng ở trẻ em.

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng ở trẻ em.

Điều trị bệnh thế nào?

Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị VMDƯ là tránh các tác nhân gây dị ứng. Tùy theo từng lứa tuổi, trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định những loại thuốc và liều lượng khác nhau. Một số loại thuốc thường dùng:

Thuốc kháng histamin H1 với hai dạng uống và xịt, được chỉ định cho những trường hợp bệnh xuất hiện không thường xuyên và thời gian phát bệnh tương đối ngắn. Loại thuốc này có tác dụng giảm nhanh triệu chứng bệnh nhưng dễ gây buồn ngủ. Khi bệnh bị bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamin H1 để chống chảy mũi, hắt hơi và ngứa. Nên dùng thuốc ngay khi triệu chứng của bệnh xuất hiện, các bác sĩ có thể kê thuốc dự phòng trong mùa trẻ bị bệnh. Liều lượng thuốc cần được điều chỉnh theo từng trường hợp. Có thể lựa chọn giữa nhiều loại thuốc kháng histamin khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất cho trẻ. Các thuốc kháng histamin thế hệ mới (như desloratadine, levocetirizine) hiện được sử dụng nhiều vì không gây buồn ngủ.

Với những trường hợp nặng hoặc kèm theo các biểu hiện hen phế quản thì có thể sử dụng thêm một số loại thuốc như kháng leucotrien (montelukast) hoặc corticoid dạng xịt. Thuốc corticosteroid có dạng xịt, dạng tiêm, kem bôi. Thuốc khắc phục triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn. Hạn chế dùng corticoid dạng uống vì có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc thông mũi: Khi bị nghẹt mũi, trẻ có thể dùng thuốc thông mũi để dễ chịu hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc và dùng quá 3 ngày bởi nó gây phù nề, tắc mũi..., thậm chí gây nhiễm trùng nấm men hoặc gây tổn thương niêm mạc mũi.

Tiêm ngừa dị ứng: Tiêm giảm mẫn cảm, hay còn gọi là miễn dịch liệu pháp, có thể giúp giảm bớt phản ứng của cơ thể với dị nguyên. Điều này chỉ dùng cho những trường hợp VMDƯ nặng, dai dẳng quanh năm. Những mũi tiêm sẽ thay đổi hệ miễn dịch khiến phản ứng dị ứng không còn xuất hiện nữa. Đây là chọn lựa tốt cho những ai không muốn uống thuốc dị ứng hoặc không thể tránh được tác nhân gây bệnh.

Liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi được thực hiện bằng cách đặt dưới khe lưỡi một loại thuốc chứa nhiều chất khác nhau. Liệu pháp trên hiếm khi gây sốc phản vệ nhưng có thể gây ngứa miệng, ngứa họng.

Một số sai lầm khi điều trị

Khi bị VMDƯ, nhiều phụ huynh truyền tai nhau cách ép nước cốt tỏi hòa với nước muối sinh lý nhỏ mũi cho trẻ, từ đó trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Việc nhỏ nước ép tỏi cho trẻ có thể làm ảnh hưởng đến niêm mạc mũi của trẻ: gây nóng rát, phù nề. Đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi khi niêm mạc mũi còn rất mỏng.

Xịt, rửa mũi hằng ngày quá nhiều lần khiến chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi bị mất đi. Lớp chất nhầy này có vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Mất đi lớp chất nhầy này khi mũi trẻ dễ bị khô và viêm nhiễm hơn. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch khi trẻ xuất hiện triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi đặc hay trong. Ngoài ra, rửa mũi cho trẻ chỉ là biện pháp tạm thời giúp trẻ giảm nghẹt mũi chứ không có tác dụng điều trị VMDƯ. Tốt nhất, nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách, kịp thời.

Khi trẻ bị VMDƯ, rất nhiều phụ huynh do sốt ruột muốn con nhanh khỏi nên đã lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi trong khi chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh. Trong đó phải kể đến việc làm dụng thuốc co mạch. Loại thuốc này nếu dùng kéo dài có thể khiến những tổn thương ở niêm mạc mũi của trẻ ngày càng nặng hơn. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Để phòng ngừa và điều trị VMDƯ hiệu quả ở trẻ, cần tránh các tác nhân gây dị ứng. Đồng thời, những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ, mũi và đôi chân. Tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, nếu cần có thể cho uống bổ sung vitamin C để giúp bé tăng cường sức đề kháng. Hạn chế trồng hoa, không nên nuôi chó mèo trong nhà, không để cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi.


BS. Lê Đình Hưng
Ý kiến của bạn