Hà Nội

Những sai lầm khi dùng thuốc chữa bệnh xương khớp

28-11-2018 07:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi tuổi càng cao, hầu hết chúng ta ai cũng ít nhiều gặp những vấn đề ở cơ quan vận động như thoái hóa gối, hoại tử chỏm xương đùi, sưng đau các khớp, đau lưng, cứng cổ, loãng xương...

Nhưng người bệnh lại ngại đi khám ở các phòng khám chuyên khoa mà lựa chọn khám thầy lang, phòng khám không uy tín hoặc tự dùng thuốc theo lời mách bảo, gây biến chứng hoặc làm bệnh nặng hơn do dùng thuốc không đúng cách...

Lạm dụng “thuốc tiên”

Để giải quyết triệu chứng đau nhức xương khớp, có nhiều bệnh nhân đã vô tình hoặc cố ý lạm dụng thuốc giảm đau corticoid (còn gọi là “thuốc tiên”), vì khi uống vào người bệnh thấy giảm đau từ đó lạm dụng thuốc. Với những trường hợp như vậy, cơn đau tạm thời có thể giảm một chút nhưng hậu quả đi kèm thì phức tạp vô cùng. Bệnh nhân thường sẽ bị viêm loét dạ dày, tích nước phù mặt, xuất huyết dưới da, mọc lông tơ khắp mặt, rối loạn việc phân bố mỡ (mặt tròn như mặt trăng, mông lép còn chân thì teo như que tăm), lâu dài còn gây suy teo tuyến thượng thận, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, loãng xương, tăng huyết áp...

Người bệnh thường tự ý mua thuốc điều trị tại các hiệu thuốc mà chưa được các bác sĩ chuyên khoa kê đơn, hướng dẫn dùng hoặc thông qua các phòng khám không chuyên sâu, thầy lang. Thuốc hay dùng nhất hiện nay vẫn là medrol, dexamethason (người dân hay gọi là đề-xa), prednisolone... Ở những miền quê, nhiều “thầy lang” kê đơn bốc thuốc lá, thuốc nam, gia truyền... nhưng thực chất họ lại cho thêm cả corticoid vào trong những gói thuốc này, kết quả bệnh nhân thấy đỡ đau ngay và còn thấy ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn bệnh nhân đã phải quay lại để lấy đơn mới do khi dùng thuốc này, bệnh nhân sẽ rất dễ bị phụ thuộc, bị nghiện và không dứt ra được. Hơn nữa, khi đã dùng thuốc này, bệnh nhân dùng những thuốc khác cũng sẽ cảm thấy không có hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng corticoid là nhóm thuốc giảm đau chống viêm và ức chế miễn dịch rất mạnh nhưng cũng có rất nhiều những tác dụng phụ nguy hiểm. Chỉ khi dùng đúng chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa thì sẽ có tác dụng tốt cho bệnh nhân, nhưng nếu lạm dụng, loại thuốc này lại trở nên nguy hiểm cho người dùng...

Đau khớp và quá trình thoái hóa khớp.

Đau khớp và quá trình thoái hóa khớp.

Cứ đau khớp là tiêm

Có rất nhiều bệnh nhân đau khớp là được tiêm vào khớp. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc vào khớp chúng ta cũng phải hết sức cân nhắc và tìm hiểu kỹ. Những nguy cơ của việc tiêm thuốc vào khớp đó chính là nhiễm khuẩn ổ khớp (mũi tiêm đưa vi khuẩn từ ngoài vào khớp), chảy máu nội khớp, thoái hóa khớp nhanh hơn, loãng xương, tiêm không vào khớp mà vào tổ chức lân cận, tiêm vào mạch máu và thần kinh (dù hiếm gặp). Một số thuốc khi tiêm trực tiếp vào khớp, bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu ngay nhưng sau vài tháng quay lại, khớp bị tổn thương nặng hơn và bệnh nhân cũng đau hơn. Khi nhiễm trùng tạo mủ nội khớp, việc điều trị và tiên lượng sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, cần hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng tiêm thuốc vào khớp và nếu có chỉ định thì trước khi tiêm cần biết rõ mình bị bệnh gì, tiêm thuốc gì, tác dụng và tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra, chỉ nên tiêm ở những trung tâm uy tín, thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sâu và trong môi trường hạn chế nhiễm khuẩn tối đa (phòng tiêm chuyên biệt, sát khuẩn và bọc phủ vị trí tiêm, êkip thực hiện tiêm thuốc cần đeo mũ, đeo khẩu trang và đi găng vô khuẩn...).

Dự phòng các bệnh lý xương khớp

Sau 30 tuổi, quá trình thoái hóa đã bắt đầu, kể cả hệ cơ xương khớp. Vậy để dự phòng cho nhóm bệnh này, cần thực hiện:

Bỏ thuốc lá: Thuốc lá phá hủy khủng khiếp hệ xương khớp chúng ta. Ngoài ra thuốc lá còn làm tăng cao nguy cơ các bệnh lý liên quan đến tim mạch, mắt, yếu sinh lý, dị dạng thai nhi...

Giảm cân nặng: Khi tăng cân, béo phì sẽ có nguy cơ cao bị bệnh lý xương khớp, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng và cột sống thắt lưng.

Thể thao đều, phù hợp với lứa tuổi. Trước 30 tuổi chúng ta có thể luyện tập các môn thể thao sức mạnh như đá bóng, tennis, cầu lông... Nhưng sau tuổi 30, mọi vận động cần phù hợp với từng người: chạy bộ nhẹ nhàng, đạp xe, yoga, bơi, xà đơn xà kép, gym, gập duỗi cơ bụng... Trong trường hợp có bệnh lý cụ thể, nên cần sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Hạn chế bia rượu, ăn uống nhiều hoa quả, bổ sung dưỡng khớp và vi chất, tẩy giun sán hằng năm, uống nhiều nước...

Tránh ngồi lâu một tư thế, đi xa ngồi lâu nên có gối cổ đai lưng hỗ trợ, nằm ngủ nệm cứng, gối thấp, hạn chế đi giày cao gót, tránh bê vác vật nặng đột ngột...

Lời khuyên của thầy thuốc

Với tất cả mọi người khi gặp vấn đề xương khớp - cột sống, bước đi đầu tiên chính là tìm đến bác sĩ chuyên khoa về nhóm bệnh lý này. Qua thăm khám chụp chiếu, các bác sĩ sẽ dựa vào đó để đưa ra những tư vấn và phác đồ điều trị phù hợp nhất. Nếu bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ đau, mức độ thoái hóa, mức độ loãng xương... của bệnh nhân để đưa ra đơn thuốc, theo nguyên tắc từ nhẹ đến nặng tăng dần, kết hợp theo dõi và tập luyện, phục hồi chức năng. Nếu không cải thiện, bệnh nhân nên quay lại, báo với bác sĩ điều trị để được điều chỉnh đơn thuốc và đưa ra phác đồ mới.


BS. Trần Quốc Khánh
Ý kiến của bạn