1. Tự ý điều trị viêm tai giữa trước khi đi khám bệnh
Nhiều trẻ em khi có dấu hiệu viêm tai giữa nhưng không được cha mẹ đưa đi khám bệnh ngay mà chủ quan tìm cách điều trị tại nhà.
Các biện pháp điều trị tại nhà như sử dụng oxy già rửa tai; sử dụng kháng sinh nhỏ tại chỗ… Nhưng nhiều người không biết rằng việc tự ý sử dụng oxy già và không đúng cách có thể dẫn đến tác dụng phụ gây bỏng, chít hẹp ống tai.
Thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh, kháng viêm, giảm đau… tuy được chỉ định khá rộng trong điều trị viêm tai giữa nhưng phải dùng phù hợp với từng độ tuổi và từng giai đoạn của bệnh.
Sử dụng kháng sinh đường uống cũng cần đúng loại và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng thuốc không có tác dụng điều trị bệnh mà còn làm vi khuẩn kháng thuốc, gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Thậm chí trong thực tế lâm sàng còn gặp không ít trường hợp phụ huynh nghiền nhỏ viên kháng sinh thành bột và rắc vào tai của trẻ. Việc làm này hết sức sai lầm, bởi bột thuốc có thể gây bít tắc, việc dẫn lưu mủ ra ngoài tai khó khăn, do đó tình trạng viêm tai có thể nặng hơn, mủ chảy ngược vào trong gây thủng màng nhĩ, gây viêm và phá hủy phần xương chũm dẫn đến biến chứng nội sọ...
2. Không vệ sinh mũi họng
Việc chăm sóc và vệ sinh tai mũi họng cho trẻ mắc viêm tai giữa là quá trình rất quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh. Như chúng ta đã biết, tai – mũi – họng là các bộ phận có hệ thống thông nhau. Khi trẻ bị viêm mũi họng có thể dẫn đến viêm tai giữa. Do đó ở rất nhiều trường hợp chỉ cần điều trị tốt hoặc bằng cách vệ sinh mũi họng sạch sẽ thì tình trạng viêm tai giữa cũng sẽ hết. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chỉ tập trung vấn đề điều trị viêm tai giữa mà bỏ qua vấn đề mũi họng khiến bệnh của trẻ lâu khỏi.
Do đó, đối với trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần chú ý vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ, điều trị dứt điểm các bệnh viêm đường hô hấp trên như: Viêm VA, viêm amidal, sổ mũi, viêm mũi…
3. Các phương pháp điều trị viêm tai giữa
Viêm tai giữa ở trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và xử lý sớm. Bệnh để càng lâu sẽ càng gây ra nguy hiểm, gây khó khăn trong việc điều trị và dễ để lại biến chứng. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị viêm tai giữa cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai mũi họng để được khám bệnh đầy đủ.
Hiện tại có nhiều biện pháp điều trị viêm tai giữa cho trẻ em. Tuy nhiên sử dụng biện pháp nào còn phụ thuộc vào mức độ bệnh của trẻ.
Viêm tai giữa được chia làm 3 giai đoạn chính: Viêm tai giữa xung huyết, viêm tai giữa ứ dịch và viêm tai giữa vỡ mủ.
- Phương pháp nội khoa, tức là sử dụng kháng sinh ở giai đoạn viêm tai giữa xung huyết. Sử dụng kháng sinh đường uống hoặc nhỏ tại chỗ bác sĩ sẽ kê đơn cho từng trường hợp cụ thể. Ngoài kháng sinh, có thể trẻ cần dùng thêm thuốc chống phù nề, chống viêm, giảm đau, hạ sốt…
Sử dụng thuốc phải đúng liều bác sĩ chỉ định, không vì thấy trẻ đỡ bệnh mà ngừng thuốc. Việc làm này có thể khiến viêm tai giữa tái phát, kéo dài và vi khuẩn kháng kháng sinh.
Hạn chế sử dụng nhóm kháng sinh nhóm aminoglycosid (gentamycin), nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi. Do kháng sinh nhóm này gây độc cho tai và dẫn đến biến chứng điếc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ.
- Đặt ống thông màng nhĩ chỉ định những trường hợp viêm tai giữa sau khi điều trị nội khoa không có hiệu quả. Phương pháp này có hiệu quả với các trường hợp trẻ bị viêm tai giữa kéo dài, ứ đọng dịch dai dẳng.
Đặt ống thông màng nhĩ giúp dịch từ tai giữa thoát ra ngoài, ngăn ngừa dịch tích tụ thêm. Sau khi tháo ống thông, màng nhĩ có thể tự lành lại.
- Phương pháp phẫu thuật áp dụng cho những trường hợp viêm tai giữa nặng, điều trị bằng các phương pháp trên không khỏi.
Ngoài ra, các trường hợp: Viêm tai giữa màng nhĩ thủng mạn tính cần phẫu thuật vá nhĩ, tai chảy mủ điều trị lâu ngày không khỏi... cũng có thể được chỉ định phẫu thuật. Với điều kiện khi tình trạng mũi xoang ổn định, mũi và vòi nhĩ thông.
Viêm tai giữa cấp tính cần điều trị dứt điểm để không trở thành viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa mạn tính có thể chuyển thành viêm tai xương chũm, hình thành cholesteatoma và có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm: Áp-xe màng não, viêm não, viêm màng não,...
Mời độc giả xem thêm video:
Ngày vinh quang gọi tên | 50 nghệ sỹ | Official MV | Ca khúc cổ vũ Đội Tuyển Việt Nam | Seagame 31