1. Vì sao bị sạm da?
Sạm da do sự gia tăng sắc tố melanin - sắc tố quy định màu da của con người. Khi melanin ở trạng thái bình thường, ổn định sẽ giúp cho da được đều màu. Khi có những tác động tới sắc tố này theo chiều hướng tiêu cực, khiến melanin tăng sinh sẽ xuất hiện những mảng màu hoặc nốt sẫm màu, gọi là sạm da.
Các yếu tố gây nên tình trạng sạm da có rất nhiều. Bên cạnh các yếu tố do bệnh lý, thì yếu tố thường gặp là sạm da do rối loạn nội tiết, do lão hóa tự nhiên, hóa chất hoặc các yếu tố vật lý...
- Tình trạng nội tiết, lão hóa tự nhiên thường gặp ở phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Các hóa chất gây sạm da thường có nguồn gốc dầu mỏ, mỹ phẩm, nước hoa... Các hóa chất này gây nhiễm sắc tố da ở vùng tiếp xúc ánh sáng.
- Yếu tố vật lý như cháy nắng, rám nắng ở vùng có bộc lộ với ánh sáng mặt trời mà không được bảo vệ.
Ngoài ra, những người làm việc văn phòng, thức khuya thường xuyên, người chế độ ăn uống không điều độ, lạm dụng các loại hóa mỹ phẩm, dùng thuốc tránh thai, thuốc chống sốt rét, những người thực hiện hóa trị liệu lâu ngày… cũng dễ bị sạm da.
Mùa đông là mùa điều trị sạm da lý tưởng, tuy nhiên nếu sử dụng các sản phẩm trị nám sạm da không đúng sẽ dẫn đến hiệu quả ngược.
2. Những sai lầm khi điều trị sạm da và cách xử lý
2.1. Dùng quá nhiều các sản phẩm đặc trị trên da
Các sản phẩm như: Niacnamide, vitamin C, AHA (Alpha hydroxy acid), BHA (Beta hydroxy acid), hydroquinone, retinoic axit... là những sản phẩm đặc trị cho các vấn đề về da như mụn, nám sạm da, lão hóa da, lỗ chân lông to, sẹo mụn và tổn thương về da...
Các sản phẩm này được xem là bước dưỡng da quan trọng, nếu sử dụng đúng cách sẽ giúp làn da sáng mịn hơn. Tuy nhiên nếu sử dụng sai, đặc biệt là khi lạm dụng, sẽ khiến làn da ngày một xấu đi.
Không phải cứ bôi lên da càng nhiều sản phẩm mỹ phẩm, kem dưỡng thì da sẽ đẹp lên. Điều quan trọng là chọn được sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng cách. Đặc biệt là trong những trường hợp làn da đang gặp tổn thương như mụn, thâm, nám...
Nếu càng nóng lòng muốn xử lý thật nhanh, nên dùng nhiều loại đặc trị sẽ vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực cho da. Với mỗi người khác nhau, mỗi tình trạng da khác nhau sẽ cần sử dụng các sản phẩm này khác nhau.
Các sản phẩm retinol, niacinamide, vitamin C... nếu sử dụng nồng độ cao dễ gây kích ứng, dẫn đến viêm da kích ứng, làm tăng sắc tố sau viêm khiến da sạm, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn. Từ đó da dễ chịu sự tác động của tia UV làm da sạm dần đi.
Do đó cần dùng sản phẩm đặc trị phù hợp, không lạm dụng không nóng vội, dùng từ nồng độ thấp và tần suất ban đầu thưa, sau đó tăng dần.
2.2. Dùng kem chống nắng sai cách
Không dùng kem chống nắng hoặc dùng không đúng, không đủ lượng, sản phẩm không phù hợp... khiến cho lượng kem chống nắng được thoa lên da, nhưng không đảm bảo đạt hiệu quả. Đặc biệt lưu ý khi đang sử dụng các loại thuốc đặc trị, da dễ nhạy cảm với ánh nắng... nên việc dùng kem chống nắng và che chắn là vô cùng quan trọng.
Do đó cũng cần bôi kem chống nắng phù hợp, đủ lượng và đúng cách: Nếu bạn có các hoạt động dễ bị va quệt khiến kem chống nắng dễ bị rửa trôi, thì nên dùng kem chống nắng ít nhất 2 lần/ngày (nên bôi lại sau 2-4h). Có thể tham khảo quy tắc thìa cà phê: Bôi kem chống nắng cho đầu, mặt, cổ khoảng 1 thìa cà phê (riêng mặt ⅓ - ¼ thìa).
Lựa chọn kem chống nắng cũng tùy thuộc tình trạng da dầu, da khô, da hỗn hợp. Nên sử dụng kem chống nồng độ SP50+.
2.3. Tẩy da chết quá nhiều
Làn da có một quá trình thay da thường xuyên. Các tế bào mới được hình thành sẽ được đẩy lên bề mặt da một cách từ từ tạo thành các lớp xếp chồng lên nhau. Bên cạnh đó cũng có sự bong tế bào chết tự nhiên. Tuy nhiên quá trình này lại không đều nhau và gây tình trạng sạm da, da thô ráp không đều màu. Chính vì điều này nên chúng ta cần có bước tẩy da chết để hỗ trợ việc lấy đi lớp tế bào sừng trên cùng được đều nhau.
Không tẩy da chết khiến da bị khô ráp, sạm da, da không đều màu, nhưng nếu tẩy da chết nhiều quá cũng có thể khiến da gặp những vấn đề này.
Khi tẩy da chết chúng ta tác động vào lớp hàng rào bảo vệ của da. Tẩy da chết quá nhiều có thể dẫn đến hàng rào bảo vệ bị tổn thương hoặc bị phá vỡ. Khi da còn non yếu, dễ bị tác động từ bên ngoài như tia UV, bụi bẩn... và kích thích lại tăng sinh sắc tố da, tế bào sừng để bảo vệ da theo cơ chế tự nhiên hình thành sạm nám.
Đối với tẩy da chết vật lý, bằng cách rửa mặt, quá trình thực hiện mát-xa nhẹ bằng tay tác động lên bề mặt da giúp lấy đi lớp tế bào sừng trên cùng giúp làm sạch đều, một tuần chỉ nên thực hiện 1-2 lần. Đối với tẩy da chết hóa học, sẽ có tùy loại, tùy nồng độ sản phẩm có thể tác động trên bề mặt hoặc sâu dưới lỗ chân lông để lựa chọn phù hợp cho da. Nên dùng từ 2-3 lần/tuần.
2.4. Không dùng dưỡng ẩm
Làn da nào cũng cần được dưỡng ẩm chứ không nhất thiết chỉ có da khô. Dưỡng ẩm chính là tạo lớp bảo vệ da, là lớp khóa ẩm, giữ độ ẩm cho da tránh tình trạng khô da tăng tiết dầu nhiều hơn. Cùng tương tự các bước chăm sóc bảo vệ da, dưỡng ẩm sẽ giúp da hạn chế được các tác động từ môi trường, da khô, giảm tốc độ lão hóa tốt hơn giúp da căng mướt hơn hạn chế sạm da. Dưỡng ẩm tốt cho da hạn chế tác động của tia UV lên da.
Lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm cho da cũng tùy thuộc tính chất và tình trạng của da.
2.5. Chọn sai mỹ phẩm
Việc chọn sai mỹ phẩm, không phù hợp với da sẽ khiến da dễ dàng gặp tình trạng kích ứng. Vấn đề này sẽ khiến da nhạy cảm hơn bình thường khi tiếp xúc với môi trường xung quanh. Kích ứng đỏ rát châm chích, viêm da tiếp xúc... cũng sẽ làm tăng sắc tố sau viêm (đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của da) giúp làm giảm kích ứng nhưng đồng thời cũng khiến da sạm và không đều màu. Do đó cần thận trọng khi chọn mỹ phẩm, nguồn gốc uy tín.
Ngoài các bước điều trị và chăm sóc da từ bên ngoài, cần tìm nguyên nhân gây sạm da (nếu có) để điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
Sụt cân bất thường có phải do ung thư? | SKĐS