Những sai lầm khi đắp mặt nạ

13-02-2025 09:41 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS – Đắp mặt nạ là một bước chăm sóc da quan trọng, nhưng nếu đắp mặt nạ sai cách sẽ dẫn đến hiệu quả ngược...

Những sai lầm thường gặp khi đắp mặt nạ

Sau khi đắp mặt nạ chúng ta sẽ thấy cảm giác da căng mọng, mịn màng, nhưng nhiều người lại phạm sai lầm khi sử dụng khiến da xấu đi.

Những sai lầm thường gặp bao gồm:

- Không rửa tay trước khi đắp mặt nạ: Trước khi chăm sóc da, cần phải rửa tay thật sạch, bởi tay là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Tuy nhiên nhiều người không để ý nên không tiến hành bước rửa sạch tay. Nếu không được làm sạch, vi khuẩn từ tay có thể bị lây sang mặt nạ. Thời gian đắp mặt nạ khoảng 15-20 phút có thể khiến vi khuẩn sinh sôi và bám vào da.

- Chọn sai mặt nạ: Mỗi một loại mặt nạ sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau và phù hợp với tùy loại da. Nếu chọn loại mặt nạ không phù hợp với tính chất da thì càng dùng sẽ càng gây bất lợi cho da. Chẳng hạn với type da dầu thì sử dụng mặt nạ đất sét sẽ phù hợp, nhưng nếu sử dụng loại mặt nạ này lên type da khô sẽ khiến da khô hơn, dễ bị kích ứng.

Những sai lầm khi đắp mặt nạ- Ảnh 1.

Trước khi đắp mặt nạ cần chọn loại phù hợp với type da.

- Chỉ sử dụng một loại mặt nạ: Tùy vào thời tiết, môi trường… mà làn da sẽ có những thay đổi. Nếu chỉ sử dụng một loại mặt nạ sẽ là một sai lầm vì không mang lại hiệu quả. Do đó, nên để ý làn da thay đổi theo mùa, thời tiết, môi trường để lựa chọn mặt nạ dưỡng da phù hợp.

- Đắp mặt nạ quá lâu: Sai lầm thường gặp chính là giữ chúng quá lâu trên mặt. Nhiều người cho rằng đắp mặt nạ lâu hơn sẽ giúp da hấp thu nhiều dưỡng chất hơn, tuy nhiên đây là một sai lầm rất lớn. Bởi khi đắp mặt nạ quá lâu mặt nạ sẽ hút ẩm ngược, lấy đi chất ẩm trên da sẽ khiến da khô hơn. Chỉ nên đắp mặt nạ đủ thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Sử dụng sai lượng mặt nạ: Sử dụng lượng mặt nạ không phù hợp cũng là sai lầm nhiều người mắc phải. Nếu thoa quá ít sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất của bước đắp mặt nạ, thoa quá dày có thể gây kích ứng da. Tình trạng này thường gặp ở những người dùng mặt nạ ngủ, có thể giữ lâu trên da.

- Dùng sữa rửa mặt sau khi đắp mặt nạ: Nhiều người sau đắp mặt nạ, đặc biệt là loại mặt nạ tự làm từ nguyên liệu thiên nhiên hoặc mặt nạ đất sét có thói quen rửa lại mặt nạ bằng sữa rửa mặt. Tuy nhiên đây là một sai lầm vì sẽ rửa trôi hết các dưỡng chất của mặt nạ.

Đối với mặt nạ giấy, sau khi lột bỏ mặt nạ thì cần massage nhẹ nhàng, với mặt nạ tự chế bằng nguyên liệu thiên nhiên hoặc mặt nạ đất sét thì chỉ cần rửa sạch mặt bằng nước mát.

- Không thoa kem dưỡng ẩm: Sai lầm lớn nhiều người mắc phải là cho rằng mặt nạ có thể thay thế các bước khác trong quy trình chăm sóc da. Tuy nhiên, đắp mặt nạ chỉ là một trong những bước của quy trình này. Do đó sau khi tháo mặt nạ, vẫn cần thoa kem dưỡng ẩm để giữ độ ẩm và dưỡng chất mà mặt nạ cung cấp.

- Quy trình làm mặt nạ tự nhiên không vệ sinh: Mặc dù khi tự chế mặt nạ từ các sản phẩm tự nhiên khá an toàn, lành tính, nhưng nếu trong quy trình không bảo đảm vệ sinh sẽ khiến mặt nạ nhiễm khuẩn.

2. Cách sử dụng mặt nạ

Trước khi đắp mặt nạ nên thực hiện các bước: Tẩy trang - rửa mặt - xông hơi. Các bước này giúp vệ sinh da sạch sẽ và giúp lỗ chân lông giãn nở và hấp thu dưỡng chất từ mặt nạ tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tẩy tế bào chết cho da mặt 2 lần/tuần để lấy đi các tế bào sần sùi trên da, điều này sẽ giúp các dưỡng chất từ mặt nạ dễ dàng thẩm thấu vào da và rửa tay thật sạch trước khi đắp mặt nạ.

Những sai lầm khi đắp mặt nạ- Ảnh 3.

Chỉ đắp mặt nạ 2 - 3 lần mỗi tuần, không nên lạm dụng quá nhiều.

Các bước đắp mặt nạ:

  • Bước 1: Lấy mặt nạ đã được làm mát trong tủ lạnh trước đó.
  • Bước 2: Rửa sạch tay, nhẹ nhàng lấy mặt nạ ra khỏi bao bì và trải đều lên da.
  • Bước 3: Dùng các đầu ngón tay ấn nhẹ lên các vùng trên mặt và điều chỉnh mặt nạ sao cho khít với khuôn mặt.
  • Bước 4: Tận dụng phần dưỡng chất dư trong bao bì để thoa lên cổ để dưỡng cho vùng da này và không lãng phí dưỡng chất.
  • Bước 5: Thư giãn với mặt nạ trong khoảng 15 - 20 phút hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian tối đa để đắp mặt nạ là 20 phút, đắp lâu hơn sẽ phản tác dụng.
  • Bước 6: Tháo mặt nạ rồi dùng tay đã rửa sạch để vỗ nhẹ lên da giúp dưỡng chất thẩm thấu.

Lưu ý: Tần suất đắp mặt nạ lý tưởng là 2 - 3 lần/tuần, không nên đắp hằng ngày. Khi chọn mặt nạ, nên ưu tiên các thành phần dịu nhẹ, thiên về cấp ẩm, tránh các thành phần tạo mùi, chất bảo quản... Khi da đang bị tổn thương, bị mụn, xước da... không nên đắp mặt nạ vì có thể làm cho vết thương nghiêm trọng hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Cách làm mặt nạ từ quả bơ.


ThS.Trần Thị Luyến
Ý kiến của bạn