Những sai lầm khi chữa rôm sảy cho bé

16-07-2015 14:22 | Đời sống
google news

Pha nước tắm chứa nhiều chanh và muối, mát-xa bằng tinh dầu, lạm dụng phấn rôm... là những lỗi mẹ thường mắc phải.

Pha nước tắm chứa nhiều chanh và muối, mát-xa bằng tinh dầu, lạm dụng phấn rôm... là những lỗi mẹ thường mắc phải.

Mùa hè oi bức và nóng ẩm là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh ngoài da, đặc biệt là rôm sảy. Rôm sảy không quá nguy hiểm, nhưng lại khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy và quấy khóc. Việc nhanh chóng chữa khỏi bệnh là cần thiết, song, mẹ không nên quá lo lắng mà mắc phải những sai lầm dưới đây.

Lạm dụng phấn rôm

Phấn rôm có thành phần chính là bột talc, muối canxi, muối kẽm, chất tạo mùi... Bột talc có khả năng hút ẩm, nên thường được sử dụng để thoa vào các vùng da dễ bị hăm và ẩm ướt như cổ, nách, bẹn...

polyad

Lạm dụng phấn rôm có thể làm tăng tình trạng rôm sảy ở trẻ.

Theo chuyên gia, mẹ có thể dùng phấn rôm để rắc lên các vùng da bị rôm sảy của bé, sau khi tắm và lau khô để làm dịu cơn ngứa. Tuy nhiên, dùng phấn rôm sai cách có thể gây hại. Phấn rôm hỗ trợ điều trị rôm sảy, nhưng lạm dụng nhiều có thể gây bít lỗ chân lông, khiến tình trạng rôm sảy nặng hơn.

Trường hợp trẻ gãi trầy xước da, tuyệt đối không dùng phấn rôm để tránh gây nhiễm trùng và kích ứng da. Mẹ nên chọn mua sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây kích ứng với làn da nhạy cảm của bé.

Mát-xa bằng tinh dầu

Mát-xa giúp lưu thông máu, khiến trẻ thư giãn và dễ chịu hơn. Vì vậy, nhiều mẹ áp dụng cách này để giúp trẻ khống chế cơn ngứa. Tuy nhiên, không nên mát-xa vùng da rôm sảy và sử dụng các loại tinh dầu (ôliu, dầu dừa) vì dễ gây nhờn rít, bít tắc nang lông, làm tình trạng rôm sảy và nhiễm trùng thêm nặng.

Tự ý dùng thuốc

Khi trẻ bị rôm sảy, mẹ không nên tự ý mua thuốc về chữa cho bé (thuốc thoa tại chỗ và thuốc uống giảm ngứa), khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều này rất nguy hiểm vì làn da của trẻ còn non nớt và nhạy cảm. Nếu mẹ nóng lòng chữa cho bé mà tự ý dùng thuốc, bệnh có thể trầm trọng hơn, thậm chí để lại biến chứng trên da.

Nếu trẻ mẩn ngứa nhiều, có mụn mủ, rôm sảy dày đặc, đỏ và kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt thì nên đưa ngay tới bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị.

Pha nước tắm sai cách

Mẹ không nên dùng quá nhiều nước chanh hay muối loãng để tắm rửa cho trẻ, bởi làn da kích ứng và viêm đỏ của bé rất nhạy cảm. Các loại nước tắm tự chế này dễ gây hiện tượng đỏ rát, kích ứng da.

polyad
Không nên pha nhiều chanh, muối vào nước tắm cho trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Ngoài chanh và muối, nhiều mẹ còn nấu nước trà xanh để tắm cho bé. Trong lá trà xanh có chứa chất catechin, giúp kháng và diệt vi khuẩn có hại trên da. Tuy nhiên, lá trà cũng chứa chất tannin gây chát, có thể làm khô da nếu dùng thường xuyên. Vì vậy, mẹ chỉ nên tắm lá trà xanh cho trẻ mỗi tuần một lần, chọn mua nơi có nguồn cung cấp rõ ràng, không chứa thuốc trừ sâu và hóa chất gây hại; rửa sạch, ngâm qua nước muối trước khi đun. Trong trường hợp da trẻ gãi trầy xước hoặc mưng mủ, tuyệt đối không dùng nước lá tắm cho trẻ, để tránh gây kích ứng và nhiễm trùng da.

Dùng sai sữa tắm rôm sảy

Nhiều mẹ dùng sữa tắm người lớn, thậm chí dung dịch vệ sinh phụ nữ pha loãng để tắm cho trẻ. Tuy nhiên, chúng chứa độ kiềm cao, gây khô, kích ứng, làm suy yếu hàng rào bảo vệ và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da. Để chữa rôm sảy, mẹ cần chọn dung dịch tắm chuyên dụng chiết xuất từ các thành phần tự nhiên, có tác dụng kháng khuẩn mà vẫn dịu nhẹ với làn da của bé.

An San

 

 


Ý kiến của bạn