1. Ăn khi không đói
Ngay cả khi tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen ăn uống theo hứng thú, ăn khi thực sự không đói sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình giảm cân của bạn. Cụ thể, những thói quen ăn vặt trong khi làm việc, xem tivi, lúc rảnh rỗi… là một trong những nguyên do dẫn đến hiện tượng tăng cân, béo phì.
Để thói quen này lặp lại trong thời gian dài, cơ thể có thể hình thành hiện tượng "thèm ăn" do não bộ đã quen với việc được bổ sung năng lượng vào một thời gian nhất định trong ngày. Điều này dễ dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa vì ăn nhiều hơn nhu cầu, gây tăng cân.
Thói quen ăn vặt khi xem phim dễ gây tăng cân.
2. Bỏ bữa và ăn nhiều hơn vào bữa sau
Nhiều người có thói quen bỏ bữa sáng do vội đi làm hoặc muốn giảm cân. Tuy nhiên, có thể nói bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sau một đêm dài.
Nếu không ăn sáng, trong ngày bạn sẽ cảm thấy đói hơn bình thường, dẫn đến việc ăn nhiều hơn trong các bữa còn lại. Thậm chí không ăn sáng còn làm tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến thói quen ăn vặt không lành mạnh.
Mặt khác, cũng có những người vì quá bận rộn mà bỏ bữa trưa, sau đó đến chiều tối cảm thấy đói dữ dội. Hệ quả của việc này là họ thường có xu hướng ăn bữa tối quá no rồi đi ngủ không kịp tiêu phần năng lượng đó, dẫn đến tăng cân.
3. Ăn ít rau
Rau xanh cung cấp lượng lớn chất xơ, là một loại carb giúp bạn no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn. Không những thế, chất xơ giúp cơ thể hoạt động trơn tru, tăng cường sức khỏe đường ruột.
Khi ăn nhiều chất xơ từ rau, khả năng đốt mỡ và thanh lọc cơ thể cũng tốt hơn. Trong rau xanh có các loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa mà không tìm thấy ở nhóm thực phẩm khác. Khi cơ thể hoạt động tốt, sức đề kháng ổn định, các hormone cân bằng, cơ thể mới không tích mỡ. Vì vậy, khi cần giảm cân hoặc tránh tăng cân, bạn cần chú ý đến khẩu phần rau của mình.
Ăn ít rau cũng là một trong những nguyên do khiến cân nặng của bạn không cải thiện.
4. Ăn không đủ protein
Protein có vai trò đặc biệt quan trọng cho sức khỏe, mức năng lượng và tỉ lệ cơ mỡ lành mạnh trong cơ thể. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, khi tăng khẩu phần protein trong chế độ ăn, bạn sẽ ăn ít calo hơn, tiêu thêm mỡ, bảo tồn hoặc tăng khối lượng cơ bắp và cải thiện nhiều chỉ số máu như mỡ máu, đường huyết, độ nhạy insulin…
Ăn đủ protein giúp bạn no nhanh hơn khi ăn và no lâu hơn giữa các bữa ăn. Protein giúp duy trì hoặc tăng khối cơ bắp, tăng lượng calo đốt ra mỗi ngày của cơ thể và càng đốt nhiều hơn nếu bạn có tập luyện.
Bạn có thể bổ sung protein vào chế độ ăn uống từ các nguồn động vật như thịt, trứng, sữa hay nguồn thực vật như đậu phụ, đỗ, các loại hạt. Để giảm cân, bạn nên tiêu thụ một lượng protein bằng khoảng 30% lượng calo giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất và đốt cháy calo một cách tối ưu.
5. Thiếu ngủ gây tăng cân
Thiếu ngủ hay thường xuyên ngủ ít hơn 7 tiếng, bạn sẽ cảm thấy thèm ăn và ăn nhiều hơn cần thiết. Chính vì vậy những ai hay thức khuya hoặc không ngủ đủ giấc sẽ dễ tăng cân do họ ăn vặt nhiều hơn.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
6 cách dùng gừng để ngăn ngừa ho và cảm lạnh | SKĐS