Những sai lầm cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

23-07-2015 11:30 | Đời sống
google news

Mỗi ngày ăn 3 bữa cháo với rất nhiều thịt, cá, tôm, cua và các loại củ quả nhưng con chị Trang (Cầu Diễn) hơn 5 tháng không lên được lạng nào. Đưa con đi khám chị té ngửa khi BS kết luận thiếu chất.

Trẻ biếng ăn nguyên nhân là do bị ép ăn bằng mọi giá

Cho con ăn ít rau

Thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho thấy hiện nay cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Nguyên nhân là do cách chăm sóc của nhiều bà mẹ mắc những lỗi cơ bản khi chế biến thức ăn cho bé.

PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, hiện nay còn rất nhiều các bà mẹ thường mắc những lỗi cơ bản khi chế biến thức ăn cho bé nên dẫn đến bé vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo đó, vi chất dinh dưỡng đã được ghi nhận từ khá lâu như bệnh bướu cổ do thiếu i- ốt, tê phù do thiếu vitamin B1, còi xương do thiếu vitamin D, khô mắt, quáng gà do thiếu vitamin A.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở mức độ nặng với tỷ lệ trên 10% ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo các nghiên cứu trên thế giới, thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong và giảm tăng trưởng ở trẻ em.

Mặc dù các căn bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài về sau của trẻ nhưng theo PGS. TS Lê Thị Bạch Mai các bà mẹ thường hay bỏ qua điều này ngay trong khâu đầu tiên là chế biến thức ăn cho trẻ. Sai lầm lớn nhất của nhiều bà mẹ là cho con ăn ít rau.

“Thậm chí ngay cả việc ăn rau, cũng được các bà mẹ lựa chọn hết sức sai lầm. Thay vì ăn cho ăn phong phú các loại rau thì các bà mẹ thường chọn rau củ như củ cải, củ su hào. Những loại rau đó có giá trị về vi chất dinh dưỡng hơn rất nhiều so với những món rau củ bình thường. Nhưng loại rau tốt nhất cho trẻ em lại chính là những loại rau có lá màu xanh sẫm hoặc củ màu vàng. Ví dụ như su hào, củ cải ít vi chất dinh dưỡng hơn nhiều so với rau muống, rau ngót. Đặc biệt trong rau ngót rất nhiều vitamin C”- TS Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Mai cũng cho biết thêm, vitamin C có trong rau, củ, quả không đồng hành với vị chua của rau và quả. Qủa chanh rất chua nhưng không nhiều vitamin C bằng quả bưởi.

Ép con ăn bằng mọi giá

Sai lầm thứ hai mà các bà mẹ thường mắc phải mà trong quá trình thăm khám TS Mai nhận thấy là hầu hết các gia đình đều ép con ăn chứ không xem thể tích dạ dày của con mình là bao nhiêu để cho con ăn lượng phù hợp như dinh dưỡng, đường, chất béo…

Có những gia đình khi đưa con đến khám kể mỗi ngày con ăn được 3 bát tô cháo (bón cho cháu bao nhiêu cháu ăn bấy nhiêu nếu bật hoạt hình nhưng cứ ăn xong thì lại nôn mất một nửa) nên lúc nào cũng phải nấu thêm một ít để cho cháu ăn bù chỗ vừa bị nôn mất. Ấy thế mà, cháu không tăng cân, thậm chí mỗi khi đến bữa ăn nếu không bật hoạt hình thể nào cháu cũng nhất định bịt mồm không cho mẹ bón.

TS. Mai cho rằng, việc ép trẻ ăn quá nhiều vô tình đã khiến trẻ lười ăn hơn. Trên thực tế, các bậc phụ huynh không nên ép trẻ ăn bởi, theo khuyến cáo, các cháu dưới 3 tuổi tốc độ phát triển não rất nhanh nên % năng lượng do chất béo cung cấp trong bữa ăn của trẻ thường từ 40 đến 50%, thậm chí với trẻ dưới 6 tháng có thể lên đến 60% năng lượng do chất béo cung cấp. Với lượng 1g chất béo/1kcalo thì chỉ cần một thể tích thức ăn vừa đủ cũng cung cấp cho các cháu năng lượng để phát triển bình thường.

Cụ thể chẳng hạn với trẻ 2- 3 tháng tuổi, công thức chung được đưa ra cho 2 bữa chính gồm (cơm nát, hoặc cháo với tổng lượng tinh bột khoảng 150g – 200g, thịt 20g, cá tôm 120- 150g, rau xanh 150- 200g, dầu mỡ 40ml). Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và thể tích dạ dày của trẻ mà các mẹ cho con ăn phù hợp.

Ngoài ra, TS Mai cũng lưu ý, các bà mẹ khi nuôi em bé là các mẹ thường nấu bằng nước mắm và hay sử dụng khẩu vị của mình (người lớn thường có thói quen vị giác ăn mặn) để áp đặt vào bữa ăn của bé nên rất dễ tạo cho các bé một khẩu vị thích ăn mặn.

“Đây thực sự là một thói quen không tốt. Các mẹ nấu bột, cháo cho bé khi nếm phải thật nhạt đối với mình. Các mẹ cũng thường cho con sử dụng sữa có đường (nhất là đối với trẻ từ 2 đến 3 tuổi vị giác đang rất phát triển), đây là một việc không hợp lý.

Khi chúng ta sử dụng sữa nhiều đường (cho thêm đường vào sữa) sẽ làm cho trẻ sớm thích nghi với lượng đường cao, thích ngọt. Cứ như vậy, thói quen đó sẽ tồn tại trong suổt cuộc đời và bé sẽ luôn dùng những sản phẩm nhiều vị ngọt. Những sản phẩm này thường đi kèm với bệnh lý có chỉ số đường huyết cao rất dễ gây ra bệnh đái tháo đường sau này” – TS Bạch Mai nói.

Bé không có điều kiện, lớn chăm sóc bù

Ngoài ra, một sai lầm khác khiến các chuyên gia dinh dưỡng cũng hết sức lo ngại, đó là do tác động của lối sống hiện đại, các bậc cha mẹ thường không có điều kiện chăm sóc con từ bé, vì họ quan niệm rằng sau này con lớn lên, họ có thể chăm sóc “bù”.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho rằng, đây là một quan điểm hết sức sai lầm, vẫn còn tồn tại ở không ít phụ huynh, nhất là những gia đình trẻ. Theo BS Tiến, khoa học đã chứng minh suy dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển quan trọng của con người-trước và trong quá trình mang thai và trong 2 năm đầu đời của trẻ đã lập trình cho mỗi cá nhân trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.

Do vậy suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không phục hồi được đối với sự phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này: học tập kém, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém,...

BS Tiến nhấn mạnh, giai đoạn 1000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương. Vì vậy, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ từ khi còn trong vào thai đến khi trẻ được 2 tuổi là rất quan trọng, nó quyết định đến chiều cao, cân nặng, bệnh tật và bộ não của trẻ khi trưởng thành.

“Nếu giai đoạn 1000 ngày vàng không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp được vì hầu như mọi chuyện đã được “an bài”. Vì vậy, việc hỗ trợ dinh dưỡng ở giai đoạn này đạt kết quả tối ưu so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ” – BS Tiến cho biết thêm.

Ngô Châu Anh

 

 


Ý kiến của bạn