Những sắc màu kịch Tết

23-01-2019 08:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không để bỏ lại phía sau, nhiều nhà hát, đơn vị sân khấu ở nước ta dịp Tết Kỷ Hợi 2019 vẫn nỗ lực sáng đèn, đem tới cho người xem không ít vở diễn chất lượng và nhiều hứa hẹn. Đây cũng là con đường để các đơn vị, nhà hát tìm lại thị phần khán giả khi nhiều chương trình giải trí thời đại mới đã, đang mọc lên như nấm sau mưa ở nước ta.

Theo giới chuyên môn, kịch diễn Tết năm nào cũng vậy, cứ như canh bạc cuối năm, phải tính toán đủ bề để vở diễn sống được hết tháng Giêng là mừng. Thời điểm năm hết Tết đến cũng là lúc nhiều tác phẩm điện ảnh, chương trình ca nhạc, hài kịch... với đủ nội dung, đề tài được ra mắt khán giả từ rạp chiếu đến truyền hình nên việc hút khán giả về phía mình của sân khấu kịch gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên thực tế chỉ ra rằng, năm nay cũng như thời gian trước đó, sân khấu kịch vẫn đỏ đèn vào những ngày trước, trong và sau Tết cổ truyền. Điều này cho thấy giới làm nghề vẫn không bỏ cuộc, dám đương đầu thử thách về thị phần khán giả để góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

So với phía Bắc, sân khấu kịch phía Nam vào dịp Tết thường sôi động và nhộn nhịp hơn. Theo đó, khán giả tại TP.Hồ Chí Minh tới đây sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm sân khấu tiêu biểu, mới lạ và đầy hứa hẹn. Nhà hát Thế giới trẻ sẽ ra mắt 4 vở: Ngôi làng ma ám, Ván bài của sói, Người vô hình và Shipper tình yêu. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ đã hoàn tất dàn dựng 3 vở phục vụ khán giả từ nay đến qua Tết Kỷ Hợi, đó là các vở: Ảo và thật, Duyên ai, Đẹp bất chấp với tiêu chí hướng đến sự vui nhộn, đánh thức dòng kịch thể nghiệm. Sân khấu kịch Minh Nhí cũng không kém cạnh khi trình làng vở Thị Hến còn đó một nỗi buồn, Thâm cung dễ sợ... Ngoài ra, khán giả còn được xem vở Tắt đèn là chạy (Sân khấu kịch Hồng Vân) nói về những người làm công việc thầm lặng phía sau sân khấu, góp phần vào thành công chung của một vở diễn.

Những sắc màu kịch TếtBên kia... nửa đời ngơ ngác - vở kịch phục vụ Tết Kỷ Hợi ở phía Nam được khán giả đón đợi.

Đáng chú ý, mới đây, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP. Hồ Chí Minh) đã ra mắt vở kịch Bên kia... nửa đời ngơ ngác do đạo diễn Ái Như dàn dựng, tiếp theo phần trước Nửa đời ngơ ngác đã rất nổi tiếng cả hai thập kỷ trước đó. Theo đạo diễn Ái Như, từ nay đến Tết Kỷ Hợi 2019, vở diễn này sẽ tiếp tục đến với người xem ở thành phố mang tên Bác. Điều đặc biệt ở Bên kia... nửa đời ngơ ngác so với nhiều tác phẩm được kể tiếp là mạch kịch không nối tiếp với số phận của tuyến nhân vật chính ở phần trước mà sẽ là câu chuyện của những nhân vật ở tuyến phụ. Giờ đây họ sẽ là các nhân vật trung tâm, đổi lại, các nhân vật chính sẽ chỉ là những “vệ tinh”. Cái tài của tác giả, đạo diễn ở Bên kia... nửa đời ngơ ngác, dù thuộc tuyến nhân vật chính hay phụ thì số phận của tất cả nhân vật được kể tiếp vẫn đầy đặn và liền lạc với mạch cảm xúc của phần trước. Ngoài ra, vở Thử yêu lần nữa của sân khấu kịch này tuy mang nội dung cũ nhưng sẽ được “đổi màu sắc” và được trình diễn trong suốt dịp Tết Kỷ Hợi với sự góp mặt của diễn viên Đại Nghĩa trong vai ông Thôi Hồng Phấn, diễn viên Hồng Ánh nồng nàn và đau đáu thể hiện vai diễn Bích Hồng.

Đặc biệt, vở Gươm lạc giữa rừng hoa của Sân khấu kịch IDECAF (TP. Hồ Chí Minh) sẽ đến với khán giả vào dịp Tết Kỷ Hợi. Nhiều khán giả chờ đợi vở Gươm lạc giữa rừng hoa phóng tác từ tác phẩm cùng tên của Robert Thomas (Vũ Minh đạo diễn) bởi câu chuyện kịch là những trạng thái, tình huống của những thân phận rất đàn bà trong một gia đình có một điền trang cách xa trung tâm thành phố. Nhân vật nam duy nhất trong kịch cũng chính là nhân vật tạo sự huyền bí khiến người xem ngộp thở khi nghĩ đến bi kịch của “thanh gươm giữa rừng hoa”. Trên cái nền của một vụ án mạng, câu chuyện kịch vỡ ra rất nhiều sự thật, cái kết để lại nhiều điều suy gẫm cho người xem hôm nay, nhất là khi mọi giá trị đạo đức đang bị đảo lộn. Nếu không sống chân thành với nhau, chỉ vì lợi ích cá nhân, thì con dao giả dối sẽ giết chết chính chúng ta trong cuộc sống. Ngoài vở diễn này, Sân khấu EDICAF cũng trình làng vở diễn mới Mơ tình - tác phẩm cảm tác từ Giấc mộng đêm hè của kịch gia nổi tiếng William Shakespeare do đạo diễn trẻ Hoàng Giang dàn dựng; dựng lại vở Vẻ đẹp hoàn hảo với dàn diễn viên trẻ tài năng cùng cách kể chuyện với nhiều điểm mới.

Đa dạng và nhiều vở diễn đầy hứa hẹn nhưng giới nghệ sĩ sân khấu vẫn tỏ ra lo lắng cho mùa kịch Tết. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, thực tế hiện nay khán giả có quá nhiều sự lựa chọn về giải trí, đặc biệt là rất nhiều những chương trình thực tế với nội dung, cách dàn dựng đặc sắc và nhiều chiêu trò thu hút khán giả nên sân khấu kịch, các nhà hát sẽ càng gặp nhiều thử thách. Ngoài ra, kịch Tết năm nay tuy tăng về số lượng nhưng không có nhiều vở là kịch bản mới, do đó các tác phẩm như Ảo và thật, Đẹp bất chấp... được dàn dựng mới từ kịch bản cũ như cách gọi “bình mới, rượu cũ”. Vì thế, kịch bản hay, có chất để phục vụ cho mùa Tết nói riêng và trong năm nói riêng ở nước ta thêm một lần nữa hiển hiện và đặt ra nhiều trăn trở cho cả giới làm nghề cũng như khán giả yêu nghệ thuật sân khấu.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn