Hà Nội

Những rủi ro tiềm ẩn khi trẻ sử dụng internet không đúng cách

12-03-2023 14:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo một khảo sát của MSD về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam trên môi trường mạng, 40% trẻ cảm thấy không an toàn khi sử dụng internet và có tới hơn 70% trẻ từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.

Học sinh cấp 2 có ý định tự tử vì bạo lực học đườngHọc sinh cấp 2 có ý định tự tử vì bạo lực học đường

SKĐS - Mới đây, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trường hợp một học sinh cấp 2 đã có ý định tự tử do bạo lực học đường.

Trẻ 9 tuổi lên mạng, 13 tuổi mới được chỉ cách tự bảo vệ

Tại Hội thảo Môi trường internet an toàn: Giải pháp trong trường học diễn ra mới đây, ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, không gian mạng là không gian làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dùng internet Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng khoảng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày.

Theo ông Khoa, bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro và xuất hiện nhiều cạm bẫy khó lường, nhất là với trẻ em, vốn chưa có đầy đủ nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Ngày nay, trẻ em được cha mẹ trang bị thiết bị di động từ rất sớm. Theo khảo sát của cha mẹ về sự an toàn trên mạng của Google trong năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi.

Những rủi ro tiềm ẩn khi trẻ sử dụng internet không đúng cách - Ảnh 2.

Hình minh họa về những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ trên môi trường mạng.

Ông Khoa cho rằng, dù tiếp cận từ 9 tuổi nhưng phải tới 13 tuổi trẻ em Việt Nam mới được hướng dẫn về những kỹ năng bảo vệ an toàn trên không gian mạng. Như vậy, bọn trẻ có ít nhất 4 năm thiếu kỹ năng trong khi không gian mạng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ.

"Trẻ phải đối diện với nhiều thứ không an toàn trên không gian mạng như thông tin giả, hinh ảnh đồi trụy, bạo lực, lừa đảo… Trong khi đó nhiều nhà cung cấp chẳng những không chủ động lọc bỏ các video, hình ảnh có hại cho trẻ em, nhiều nhà cung cấp còn lợi dụng chính những thông tin, video độc hại để mang lại lợi nhuận", ông Khoa chia sẻ.

Các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ

ThS. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) đưa ra một khảo sát sau đại dịch COVID-19, độ tuổi trẻ em sử dụng internet giảm xuống ở 6 - 7 tuổi, 87% trẻ 12 - 17 tuổi sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày. Chia nhỏ độ tuổi hơn thì trẻ từ 14 - 15 đã sử dụng internet là 93%, trẻ 16 - 17 tuổi là 97%. Điều đáng lo là có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng internet và có tới hơn 70% trẻ từng có trải nghiệm không mong muốn như bị lộ thông tin cá nhân, nhắn tin hoặc chat quấy rối, bị kết bạn xấu, bắt nạt trên mạng… khi sử dụng internet.

"Một khi trẻ em lên mạng sẽ trở thành những công dân số. Bên cạnh thông tin tích cực, các em có thể bị tác động tiêu cực khi gặp phải tin giả, tin kích động, video có nội dung bạo lực, hình ảnh 18+… Nếu không có kiến thức, kỹ năng sẽ dễ mắc những rủi ro, cạm bẫy mạng mang lại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý cũng như sức khoẻ của các em", bà Linh cho biết.

Cũng theo thống kê năm 2020, trong số 76,7% trẻ em sử dụng internet được học về sử dụng internet an toàn, nhưng lại chỉ có 53% học từ nhà trường, còn lại là tự học, học qua bạn bè. Việc dạy kỹ năng cho học sinh tại trường cũng nghiêng về kỹ năng sử dụng máy tính, công nghệ, chưa chú trọng kỹ năng số sử dụng internet an toàn.

Nhiều trẻ em chia sẻ khi gặp vấn đề trên môi trường mạng, trẻ thường không kể với ai, tự tìm cách khắc phục hoặc tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè thay vì nhờ tới sự giúp đỡ của thầy cô, cha mẹ hay các cơ quan chức năng.

Do đó, theo ThS. Nguyễn Phương Linh: "Cha mẹ cần đồng hành, giúp trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, dựa trên 6 nguyên tắc: Tôn trọng và công nhận trẻ có quyền tiếp cận và sử dụng Internet; bắt đầu đồng hành cùng trẻ sử dụng Internet an toàn càng sớm càng tốt; tôn trọng quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ; hiểu tâm lý và sự phát triển của trẻ để đồng hành cho phù hợp; hướng dẫn trẻ tiếp cận sự hỗ trợ khi cần thiết; sẵn sàng có mặt khi trẻ cần".

Về phía nhà trường, theo quy định của Bộ GD&ĐT, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc cho học sinh tiểu học từ lớp 3. Các phòng học có thiết bị nghe nhìn, thiết bị kết nối Internet và đảm bảo an toàn trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đang được trang bị các phòng máy kết nối Internet nhưng nhiều trường lại chưa có các phương thức để quản lý cũng như bảo vệ an toàn mạng.

Bà Lê Tuệ Minh - Chủ tịch hội đồng trường - Hệ thống Trường phổ thông liên cấp Edison chia sẻ, trước dịch COVID-19, khi đề cập đến việc cho học sinh sử dụng thiết bị kết nối mạng internet để học tập, nhiều phụ huynh ngần ngại, thậm chí muốn cấm hoàn toàn. Nhưng ở tình thế phải học tập trực tuyến, nhận thức về điều này cũng thay đổi. Giáo viên và học sinh cũng được rèn giũa, nâng cao hơn kỹ năng ứng dụng công nghệ trong dạy và học.

Theo bà Minh, cũng chính vì thay đổi đó nên việc áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh được đặt ra bức thiết. Cụ thể, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn cho học sinh khi sử dụng internet, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả như: đưa nội dung an toàn không gian mạng vào nội dung dạy học các môn công nghệ và tin học, môn kỹ năng sống, ban hành bộ quy định về việc sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh, tổ chức các hội thảo về an toàn mạng có sự đồng hành cùng các chuyên gia và phụ huynh...

Những giải pháp đảm bảo an toàn không gian mạng trong các trường học:

Nhằm đảm bảo an toàn không gian mạng trong các trường học, ông Tô Hồng Nam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết có bốn giải pháp sau:

- Các nhà trường xây dựng thể chế, quy tắc sử dụng mạng Internet dựa trên khung quy định của Bộ GD&ĐT.

- Tăng cường các hoạt động đa dạng để tuyên truyền nâng nhận thức của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về nguy cơ tiềm ẩn trong không gian mạng và hậu quả do nó gây nên.

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nhà trường, học sinh để tự phòng chống, xử lý hậu quả khi nó xảy ra.

- Chú trọng hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ và nhận sự hỗ trợ trong việc tìm các giải pháp hiệu quả hơn đảm bảo an toàn không gian mạng.

Sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạngSớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

SKĐS - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn