Viêm mũi dị ứng là một tình trạng viêm do sự xâm nhập của chất gây dị ứng, gây ra các triệu chứng như: Chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi/vòm miệng/mắt hoặc nghẹt mũi, ho...
Điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng có liên quan như bụi, phấn hoa, lông vật nuôi… cùng với sử dụng thuốc. Trong đó corticosteroid vẫn là nhóm thuốc hiệu quả để điều trị viêm mũi dị ứng.
1. Corticosteroid là gì?
Khi một phản ứng dị ứng xảy ra, cơ thể sẽ giải phóng histamin, dẫn đến tình trạng viêm như mẩn đỏ và sưng tấy. Corticosteroid là một dạng steroid được sử dụng để điều trị chứng viêm trong cơ thể do dị ứng.
Mặc dù đây là một loại steroid, nhưng corticosteroid không giống như steroid đồng hóa, một loại thuốc thường được sử dụng bởi các vận động viên hoặc người tập thể hình. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dị ứng, có thể điều trị phản ứng dị ứng bằng corticosteroid trong thời gian ngắn hoặc dài hạn.
Thuốc có nhiều dạng khác nhau như kem bôi hoặc thuốc mỡ có thể bôi trực tiếp lên da, dạng lỏng thông qua xịt mũi, ống hít, thuốc tiêm vào cơ thể và thuốc dạng uống.
2. Sử dụng corticosteroid trong điều trị viêm mũi dị ứng
Để trị viêm mũi dị ứng thuốc có chứa corticosteroid thường được sử dụng ở dạng uống và/hoặc dạng xịt.
- Corticosteroid dạng uống: Thường được dùng để điều trị đợt viêm mũi dị ứng nghiêm trọng. Các thuốc phổ biến như prednisolone hoặc methylpred. Corticosteroid đường uống rất hiệu quả nhưng có thể có tác dụng toàn thân không mong muốn.
- Corticosteroid dạng xịt: Thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid được dùng trong điều trị các trường hợp viêm mũi dị ứng từ trung bình tới nặng. Các thuốc phổ biến là budesonide, flunisolide, fluticasone propionate, mometasone furoate và triamcinolone acetonide. Tất cả đều có hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa và dự phòng viêm mũi dị ứng quanh năm. Thuốc có thể đạt được nồng độ thuốc thích hợp tại các vị trí thụ thể trong niêm mạc mũi, do đó giúp kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ tác dụng phụ toàn thân.
3. Một số bất lợi khi dùng thuốc
Mặc dù những loại thuốc này an toàn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, nhưng thuốc có một số rủi ro tiềm ẩn:
- Coricosteroid dạng xịt có thể dẫn gây chảy máu mũi, điều này có thể gây lo ngại cho bệnh nhân, đó là lý do tại sao việc sử dụng đúng cách và đúng kỹ thuật lại quan trọng.
- Tác dụng phụ liên quan đến mắt, bao gồm bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn nhưng không phổ biến.
Ngoài ra corticosteroid có thể gây ra một số tác dụng phụ, như:
- Trầm cảm và lo âu
- Rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi tầm nhìn hoặc ảo giác
- Tăng nhịp tim và huyết áp
- Giữ nước
- Tăng đường huyết
- Đau khớp
- Yếu cơ...
4. Những trường hợp cần cân nhắc khi dùng corticosteroid để điều trị viêm mũi dị ứng
Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, những người có nhiều nguy cơ gặp phải tác dụng phụ bất lợi khi dùng corticosteroid phải được giám sát, đặc biệt nếu sử dụng lâu dài. Nếu thuộc các trường hợp sau, hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ:
- Trẻ em
- Người lớn tuổi
- Bà mẹ cho con bú...
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải