Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cũng như tai biến nên người dùng cần biết để cảnh giác, tránh hậu quả đáng tiếc.
Các loại thuốc lợi tiểu
Nhóm thuốc lợi tiểu gây mất kali: Bao gồm thuốc lợi tiểu có thủy ngân nhưng hiện nay ít dùng vì độc tính của thuốc và đã có các loại thuốc lợi tiểu mạnh ít độc hơn thay thế. Bên cạnh đó còn có nhóm thuốc ức chế cacbonic anhydrase dùng trong 3-5 ngày vì nếu điều trị kéo dài thuốc sẽ mất tác dụng do toan hóa. Các hợp chất khác của sulfonamid được bào chế dưới dạng viên uống thuộc nhóm thuốc này có tác dụng lợi tiểu và giãn mạch, không dùng cho người bị suy thận, gan nặng, tai biến mạch máu não mới. Các thuốc lợi tiểu quai được dùng điều trị phù nặng do mọi nguyên nhân, đặc biệt các trường hợp cần lợi tiểu mạnh và nhanh như phù phổi cấp, hen tim, phù não. Cuối cùng là nhóm thuốc thiazid có nhiều biệt dược và hàm lượng khác nhau nhưng không được dùng cho người bệnh suy thận vì làm giảm mức lọc cầu thận, phụ nữ mang thai và cho con bú vì thuốc qua nhau thai và sữa, người bị dị ứng với sulfamid, mắc bệnh gút và bệnh đái tháo đường vì nguy cơ làm nặng bệnh.
Điếc không hồi phục là một trong những tai biến khi dùng thuốc lợi tiểu.
Thuốc lợi tiểu không gây mất kali: Bao gồm nhóm thuốc kháng aldosterol (có tốc độ hấp thu và thải trừ chậm), nhóm triamteren để điều trị phù, nhất là do xơ gan và thận hư hay phối hợp với các thuộc lợi tiểu gây mất kali vì nếu dùng đơn độc thuốc có tác dụng kém. Ngoài ra còn có nhóm amilorid được dùng ít nhất 2 tuần trước khi điều chỉnh liều lượng để đánh giá đúng kết quả.
Nhóm thuốc kết hợp: Để khắc phục nhược điểm của thuốc lợi tiểu gây giảm kali máu người ta phối hợp 2 loại thuốc lợi tiểu mất kali và không mất kali như thuốc kết hợp amilorid và thiazid hay triamteren và thiazid.
Thuốc lợi tiểu thẩm thấu: Bao gồm các chất có áp lực thẩm thấu cao, được lọc dễ dàng qua cầu thận, ít bị tái hấp thu ở ống thận, gây tăng áp lực thẩm thấu của dịch lọc trong lòng ống thận nên kéo theo nước gây lợi tiểu. Thuốc hay được dùng là manitol, có tác dụng chống phù não rất tốt.
Một số chất có tác dụng lợi tiểu: Nhóm xanthyl nước sắc tầm gửi cây gạo, râu ngô, bông mã đề, nước sắc rễ cỏ tranh, tua rễ đa, canh rau cải, cải bắp...
Thuốc lợi tiểu điều trị những bệnh lý nào?
Suy tim
Sử dụng thuốc lợi tiểu phối hợp với hạn chế muối và nước có tác dụng làm giảm tiền gánh (là gánh nặng trước tim được đánh giá bằng thể tích hoặc áp lực cuối tâm trương của tâm thất), cải thiện biểu hiện của suy tim nhẹ và vừa. Với suy tim cấp, trong điều trị cần đạt mục tiêu là thải được 0,5 -1 lít nước tiểu/ngày (làm giảm 0,5 - 1 kg cân nặng/ngày), nhưng cần theo dõi chặt chẽ để đề phòng giảm thể tích tuần hoàn, tụt huyết áp, rối loạn điện giải, giảm nồng độ kali máu, dễ gây nhiễm độc digoxin. Khi sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy tim cần bổ sung kali hoặc phối hợp thuốc lợi tiểu mất kali với thuốc lợi tiểu không gây mất kali.
Tăng huyết áp: Nhóm thiazid được chọn dùng đầu tiên để điều trị tăng huyết áp nhẹ nhưng phải dùng trong nhiều tuần mới thấy rõ tác dụng. Tuy nhiên, nhóm sulfonamid lại là thuốc được lựa chọn hiện nay để điều trị tăng huyết áp vì thuốc có nhiều ưu điểm vừa thải natri vừa có tác dụng giãn mạch, làm giảm độ dày thành thất trái, không gây biến đổi lipid máu như nhóm thiazid.
Phù phổi cấp: Tốt nhất dùng furosemid hoặc acid etacrynic. Tình trạng phù phổi giảm ngay tức khắc do tác dụng giãn tĩnh mạch làm tăng sức chứa máu của furosemid khi tiêm tĩnh mạch trước khi tác dụng lợi tiểu bắt đầu.
Bệnh thận: Trong các bệnh thận, không dùng lợi tiểu thuỷ ngân vì độc với thận, khi có suy thận không dùng nhóm thiazid vì thuốc làm giảm mức lọc cầu thận và không dùng nhóm thuốc lợi tiểu không gây mất kali vì có nguy cơ tăng kali máu. Thuốc lợi tiểu điều trị nhiều bệnh thận khác nhau như suy thận cấp, thiểu niệu, hội chứng thận hư, suy thận.
Xơ gan: Do xơ gan, chức năng gan giảm không phân giải được aldosterol, một hormon được tạo ra từ tuyến thượng thận có vai trò trong việc điều hòa huyết áp, điều khiển quá trình hấp thu natri và kali trong cơ thể, do đó thường có tình trạng cường aldoserol. Vì vậy nên chọn thuốc lợi tiểu nhóm kháng aldosterol.
Khi dùng thuốc lợi tiểu sẽ xảy ra tác dụng phụ và tai biến gì?
Rối loạn nước, điện giải: Khi gặp tác dụng không mong muốn này, người bệnh thấy mệt mỏi, chuột rút, trướng bụng. Khi K máu giảm dễ gây nhiễm độc digoxin.
Tăng đường máu: Người bệnh dùng thuốc lợi tiểu có thể làm khởi phát bệnh đái tháo đường hoặc làm nặng thêm bệnh đái tháo đường, vì làm giảm kali máu gây rối loạn dung nạp glucose ở ngoại vi và làm giảm bài tiết insulin từ tụy.
Tăng acid uric máu: Với tác dụng phụ này, người bệnh dùng thuốc có thể làm khởi phát cơn gút cấp ở bệnh nhân bị gút hoặc làm bệnh gút nặng thêm.
Gây ù tai, điếc không hồi phục: Khi dùng nhóm thuốc lợi tiểu quai furosemid, acid etacrynic liều cao kéo dài nhất là ở người già, người đang có tình trạng mất nước, bị suy thận hoặc khi phối hợp với nhóm thuốc kháng sinh aminoglycosid (streptomycin, gentamycin, kanamycin...) có thể gây tổn thương dây thần kinh số VIII gây điếc không hồi phục.
Rối loạn các xét nghiệm chức năng gan: Thuốc lợi tiểu có thể gây rối loạn các xét nghiệm chức năng gan và xuất hiện vàng da.
Phối hợp thuốc cần lưu ý: Khi phối hợp thuốc lợi tiểu quai với corticoid có thể gây giảm kali máu nặng với biểu hiện mạch nảy, tụt huyết áp tư thế... Bên cạnh đó, thuốc lợi tiểu làm tăng tác dụng của thuốc chống đông nhóm coumarin nên nếu dùng phối hợp cần phải giảm liều loại thuốc chống đông này.
Khi dùng thuốc người bệnh gặp bất kỳ bất thường nào cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý hoặc điều chỉnh, thay thế thuốc thích hợp.