1. Grisi Sikni
Grisi sikni là một rối loạn tâm thần xảy ra trong cộng đồng người Miskito ở Nicaragua.Những người mắc bệnh thường ở trong trạng thái hôn mê cho đến khi họ đột nhiên nổi cơn thịnh nộ.Trong thời gian này, họ thường sử dụng vũ khí để chống lại kẻ thù vô hình và cố gắng chạy trốn khỏi cộng đồng với đôi mắt nhắm nghiền và thường ảnh hưởng đến các nhóm bộ lạc trong cùng một lúc.
Theo các chuyên gia xã hội học, Grisi sikni là một hội chứng văn hóa đặc trưng của người Miskito ở Trung Mỹ. Grisi sikni còn được gọi là “grisi munaia”, “Nil sikni” và “Chipil sikni”, được Philip A. Dennis nhắc đến năm 1981, có nghĩa là “bệnh điên”.
Grisi sikni xảy ra chủ yếu ở phụ nữ vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi, và theo giải thích truyền thống của người Miskito, do những linh hồn xấu xa hoặc phù thủy quấy nhiễu, còn theo y học hiện đại không rõ nguyên nhân, trong đó có yêu tố môi trường, và nguồn nước. Vì vậy điều trị bằng y học hiện đại dường như không hiệu quả, các phương thuốc truyền thống và thảo dược của các thầy lang Miskito lại có hiệu quả nên được y học hiện đại ví như hiệu ứng giả dược.
Bệnh nhân Grisi Sikni trong cộng đồng người Miskito ở Nicaragua
Một trong những trận dịch bùng phát đầu tiên là hồi thập niên 50 thế kỷ trước, gần nhất là hồi tháng 3 năm 2009, ảnh hưởng đến nhiều người trẻ tuổi ở các thành phố Puerto Cabezas và Siuna, ở Nicaragua, xảy ra ngay sau cơn bão Felix, tàn phá bờ biển của Honduras và Nicaragua.
Triệu chứng về thể chất và tâm lý như lo lắng, tức giận, sợ hãi phi lý, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Sự khởi đầu là mất ý thức khiến người ta đổ ngã xuống đất, sau đó, rơi vào trạng thái phân ly và thiếu kiểm soát hành vi.
Tuy nhiên, grisi sikni ít được nghiên cứu và do đó nguyên nhân của nó không hoàn toàn rõ ràng. Trong y học phương Tây, grisi sikni được cho là một dạng hysteria (chứng ictêri hay chứng cuồng loạn), một trạng thái của tâm thức, biểu hiện là sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc. Dùng thuốc chống co giật và thuốc chống trầm cảm, không có tác dụng, nhưng các thầy lang địa phương lại chế ngự được bằng thảo dược.
2. Shenkui
Shenkui là một hội chứng ràng buộc văn hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó những người mắc bệnh thường có các triệu chứng như sương mù não (brain fog).Thuật ngữ được sử dụng để mô tả một cảm giác tổng thể của rối loạn tâm thần, ớn lạnh, buồn nôn và thậm chí là cúm như các triệu chứng lo âu, chóng mặt, đau lưng, mệt mỏi, suy yếu, mất ngủ, mơ thường xuyên và rối loạn chức năng tình dục (như xuất tinh sớm hoặc bất lực).
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, shen (thận) là nơi chứa tinh chất quan trọng của tinh dịch (ching) và kiu nghĩa là thiếu hụt nên trong được gọi chung là Shenkui hay Shen-k’uei.
Y học cổ truyền Trung Quốc còn cho rằng Shenkui được cho là kết quả của việc bị mắc kẹt trong dương (yang) và muốn giải cứu phải tìm đến thuốc âm (yin).
Việc bị mắc kẹt trong dương gây ra tình trạng mất tinh dịch. Tinh dịch được cho là bị “mất” thông qua hoạt động tình dục hoặc thủ dâm, hay xuất tinh khi ngủ hoặc hiện tượng “nước tiểu trắng” có chứa tinh dịch hoặc các cơ chế gây cạn tinh dịch khác. Việc xuất tinh quá thường xuyên hay mất tinh dịch có thể gây mất cân bằng của cơ thể dẫn đến đau nhức và lâm bệnh, kể cả ung thư và qua đời sớm.
Giáo dục không chính thức hoặc không đầy đủ về sức khỏe tình dục ở Trung Quốc khuyến khích sử dụng các loại thuốc truyền thống.Phương pháp điều trị cụ thể cho Shenkui không được đề cập vì nó liên quan đến văn hóa.Để tránh mất yang, đàn ông Trung Quốc đã phát triển liệu pháp được gọi là pa-leng và pa-feng, tương ứng với nỗi ám ảnh của lạnh và gió.Để chống lại, đàn ông mặc quần áo ấm và dùng thức ăn nóng.
3. Wendigo Psychosis
Chứng loạn thần Wendigo (Wendigo Psychosis) đề cập tới tình trạng một người có mong muốn mãnh liệt ăn thịt người, ngay cả khi không phải do đói. Tên gọi này xuất phát từ quái vật Wendigo, chuyên ăn thịt người xuất hiện trong các thần thoại của người Mỹ bản địa.Những người dính líu đến hành động man rợ này có xu hướng thần kinh không ổn định nhưng họ biết chính xác những gì mình đang làm. Thậm chí, họ còn có cảm giác thèm khát, hưng phấn tương tự như khi sử dụng ma túy. Lý do, họ tin rằng nó sẽ đem lại cho mình sức mạnh siêu nhiên.
Người đàn ông mắc chứng loạn thần Wendigo
Vào đầu những năm 1900, nhà truyền giáo JE Saindon gặp một người phụ nữ bị rối loạn Wendigo.Người phụ nữ không quan tâm đến ăn thịt và tìm cách tránh người lạ vì sợ rằng bản thân sẽ giết họ. Lý do duy nhất mà người phụ nữ này muốn giết người lạ là vì sợ những người lạ muốn giết mình.
Cho đến nay các tài liệu đề cập tới rối loạn tâm thần Wendigo phần lớn là không rõ ràng và gây tranh cãi.Chẳng hạn, một người đàn ông đã giết và ăn các thành viên trong gia đình của mình sau cái chết của con trai cả.Hoặc một người đàn ông khác tên là Jack Fiddler, người đã được mời tham gia thử nghiệm để chữa bệnh.Sau khi điều trị cho người đàn ông này, người ta cho rằng bệnh nhân này đã mắc chứng loạn thần Wendigo và đã giết người.
4. Hikikomori
Hikikomori là căn bệnh tâm thần đặc biệt của thanh thiếu niên Nhật Bản, nó có nghĩa là “rút lui” hoặc “thu vào”, tự khóa mình hàng tháng trong nhà không tiếp xúc với ai. Căn bệnh phổ biến ở nhóm người dưới 25 tuổi, 80% là nam giới.
Các nhà xã hội học tin rằng hikikomori bị ảnh hưởng bởi lối sống phương Tây đối với thị trường lao động Nhật Bản. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho rằng, hội chứng Hikikomori là hiện tượng những người không tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giam mình trong phòng, không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài gia đình, không tiếp xúc kéo dài từ 6 tháng trở lên.
Hikikomori xuất hiện tại Nhật đầu tiên vào những năm thập niên 80 ở thế kỷ trước, hiện khoảng 1% dân số Nhật mắc hội chứng nói trên.
Hội chứng Hikikomori của thanh niên Nhật Bản
Thay cho việc tiếp xúc cộng đồng những người có Hikikomori thường thức ban đêm để chơi game, xem tivi và đọc truyện tranh và ngủ ngày. Một điều đặc biệt là những người mắc Hikikomori thường là những thanh niên thông minh, có năng lực. Do nhiều người mắc Hikikomori khiến Nhật Bản mất đi số lượng lao động khoogn nhỏ, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội, gia tăng nạn bạo lực và quyên sinh.
Hikikomori được cho là tác động từ bên ngoài như sức ép học hành, công việc, hay từ xã hội, gia đình… khiến người bệnh rơi vào trạng thái trầm uất, không ước mơ, không hoài bão, không chí hướng, chán nản và tuyệt vọng.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như văn hóa, lịch sử, phương tiện giải trí, quan niệm trọng nam, khinh nữ, coi trọng tên tuổi, hay thanh danh... dẫn đến các phản ứng thầm lặng, căm ghét bản thân. Không muốn để ai biết, không muốn tâm sự, chia sẻ, chán nản dẫn đến ý định quyên sinh, tự tử.
Hikikomori rất khó nhận biết bởi những người này trước đó đều hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh, đôi khi còn bộc lộ những năng khiếu. Dấu hiệu mắc Hikikomori là tự bỏ học, bỏ làm, giam mình trong phòng, từ chối mọi tiếp xúc bên ngoài, kể cả người thân trong gia đình, kể cả cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng hội chứng Hikikomori có thể chữa khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục tái hoà nhập cộng đồng.Tuy nhiên, cần phát hiện sớm, và có sự hợp sức của nhiều tổ chức như gia đình, nhà trường và cả xã hội nữa.
5. Amafufunyana
Amafufunyana là một hội chứng “ràng buộc về văn hóa” không xác định được đặt tên bởi những “thầy lang” của tộc người Zulus và Xhosas ở Nam Phi. Khoa học hiện đại cho rằng thuật ngữ này liên quan đến các dạng bệnh tâm thần phân liệt.
Cùng với Amafufunyana còn có một thuật ngữ Ukuthwasa được dùng để chỉ hội chứng này.Thuật ngữ Amafufunyana có thể hiểu liên quan trực tiếp đến thần kinh và là một phần của hệ tư tưởng văn hóa và niềm tin tôn giáo phức tạp.
Những người tự nhận bị Amafufunyana nói rằng họ có các triệu chứng như nghe được “giọng nói từ dạ dày”. Một trong những nguyên nhân gây bệnh là sự mê mẩn khi uống một lọ thuốc ma thuật được ủ từ những con kiến đang ăn xác chết chôn dưới lòng đất, tạo ra niềm tin cho rằng có một “nhóm linh hồn” đa sắc tộc cùng nhau chiếm hữu cơ thể của người bệnh và muốn chữa khỏi phải dùng đến nghi thức trừ tà.
Theo truyền miệng, Amafufunyana dường như xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, nó mang tính văn hóa liên quan đến chủ nghĩa thực dân và di cư của người bản địa ra khỏi nơi họ sinh ra. Cũng có những đợt bùng phát lan rộng liên quan đến hysteria vào những năm 1980 tại một trường nội trú của các bé gái.
Amafufunyana khá phổ biến ở tộc người Zulus và Xhosas, nó liên quan đến dạ dày của con người, khiến người đó nói một ngôn ngữ mà chính họ cũng không hiểu, chẳng hạn người Xhosas lại nói ngôn ngữ người Zulus, làm cho con bệnh hoang mang hoặc có những hành vi thái quá như nhảy múa trước một chiếc xe đang di chuyển.
Những người mắc bệnh thường trải qua cơn ác mộng, mệt mỏi, và khó ngủ, dễ bị kích động.Theo những người địa phương, căn bệnh này có liên quan đến một lời nguyền.