Những rào cản trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số

30-11-2022 10:08 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, tập quán văn hóa cộng với điều kiện hạ tầng kém... là những nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp.

Chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu sốChính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu số

SKĐS - Để khuyến khích phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, sinh đẻ tại cơ sở y tế, các chính sách ưu tiên hiện được thực hiện rộng rãi như hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, thực phẩm, tã bỉm… trong suốt thời kỳ trước, trong và sau đẻ.

Tử vong mẹ và con miền núi cao gấp 4-5 lần cả nước

TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em những năm qua đạt nhiều thành tích. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong đó, tỷ lệ phụ nữ sinh được khám thai từ 4 lần trở lên đạt hơn 80%; tỷ lệ phụ nữ sinh được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thách thức ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.

Những rào cản trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trước đây, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ sơ sinh tại Việt Nam năm 2000 là 165 ca, năm 2009 là 69 ca và hiện tại giảm xuống 46 ca, đến năm 2020 là 45 ca. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng hàng thứ 3, nhưng so với các nước phát triển thì Việt Nam còn một khoảng cách rất xa.

Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.

Thực tế chứng minh tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi thường liên quan nhiều đến các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ khi mang thai và sinh nở. Đồng thời, các tập quán chăm sóc lạc hậu của người dân tộc thiểu số với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai khiến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Ví dụ như tập quán phổ biến của người dân tộc thiểu số là tự sinh con, không cần trợ giúp của chuyên viên y tế; cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, mất vệ sinh, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh...

Mặt khác, phụ nữ dân tộc thiểu số thường kết hôn, sinh con sớm khi chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu... Hiện ngành y tế đang nỗ lực để giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nguyên nhân tình trạng này được cho là do ở xa cơ sở y tế nên nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cùng với đó, tại vùng sâu, vùng xa, vấn đề thiếu nhân lực y tế, nhất là thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức, 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn. Mặt khác, đội ngũ cô đỡ thôn, bản có thể giúp ngành y tế giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, tuy nhiên hiện nay, chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian qua, phụ cấp của cô đỡ thôn, bản bị cắt giảm và gần như không còn. Ngành y tế đã khuyến cáo các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa cần quan tâm, hỗ trợ cô đỡ thôn, bản.

Những rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ dân tộc thiểu số

BS Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Giang cho biết, nhiều năm qua, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang đã được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cũng như các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm với nhiều phương diện khác nhau.

Những rào cản trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Vẫn còn nhiều rào cản trong tiếp cận cacsc dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sở Y tế là cơ quan Thường trực công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch trong đó có cả dài hạn và ngắn hạn về công tác CSSKBM,TSS và trẻ nhỏ giai đoạn 2010 - 2015, 2016 – 2020, 2020 – 2025. Kế hoạch của UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tùy theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai các hoạt động trong công tác CSSKBMTE.

Nhờ đó, kết quả có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ số chết mẹ giảm từ 60/100.000 trẻ đẻ sống năm 2015 còn 45/100.000 năm 2020; số tử vong sơ sinh giảm từ 34,8 năm 2015 xuống còn 13,5 năm 2020; chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 33,6% năm 2015 xuống còn 13,5% năm 2020. Tỷ lệ phụ nữ sinh được khám thai 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén cũng tăng lên đáng kể: Năm 2010 số phụ nữ có thai ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh chỉ đạt từ 20 – 30% nhưng đến năm 2021 có xã đã tăng lên trên 80%.

Số phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số sinh con tại nhà đối với các huyện như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần năm 2010 có xã là 100% nhưng đến nay tỷ lệ sinh con tại nhà trên địa bàn các huyện này chỉ còn dưới 50%. Công tác chăm sóc bà mẹ sau khi sinh và trẻ nhỏ cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ Hộ sinh tuyến xã và CĐTB đã đến tận nhà chăm sóc và tư vấn cho các bà mẹ sau khi sinh.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi trong những năm qua của tỉnh Hà Giang cũng đã được cải thiện. Suy dinh dưỡng thể chiều cao/tuổi giảm từ 35,5% năm 2015 xuống 32% năm 2020. Thể cân nặng giảm từ 24,2% năm 2015 xuống 18% năm 2020.

Tuy vậy vẫn có nhiều khó khăn cản trở tiếp cận các dịch vụ y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và phụ nữ, trẻ em nói chung. BS Thanh Hương cho biết, Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc Mông chiếm đa số với trên 30%. Do vậy việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và sau sinh cũng như việc chăm sóc trẻ sơ sinh còn gặp rất nhiều rào cản.

Có thể kể đến vấn đề hệ thống y tế tại tỉnh những năm gần đây tuy đã phát triển nhưng so với các tỉnh đồng bằng thì vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là ở các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, năng lực của cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và SKSS của phụ nữ và nam giới nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng.

Bất đồng về ngôn ngữ giữa cán bộ y tế và người dân cũng là vấn đề gây khó khăn rất lớn; theo đó những tập tục văn hóa lâu đời ở một số dân tộc thiểu số không cho phép phụ nữ đến cơ sở y tế khám thai và sinh con, đồng thời muốn được nhân viên y tế nữ khám bệnh; nhiều gia đình kinh tế khó khăn không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh; Tình trạng giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách từ nhà tới cơ sở y tế quá xa … dẫn đến khó khăn trong công tác CSSKBMTE.

Nhất là trong 2 năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là công tác khám thai và sinh nở của phụ nữ tại các huyện lại càng khó khăn hơn. Trong năm 2021, khi đơn vị đi phúc tra Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã thì có tới 80% các xã khó khăn của tỉnh chị em phụ nữ bị gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; gián đoạn trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục lại càng trở nên trầm trọng hơn khi dịch vụ này bị coi là không thiết yếu.

Một rào cản tương đối lớn nữa đó là nhận thức của chính phụ nữ vùng cao về việc mang thai, sinh nở, hậu sản, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe nữ giới nói chung. Quan niệm sinh nở hoàn toàn tự nhiên nên không ít chị em phụ nữ dân tộc thiểu số không chú ý theo dõi thai kỳ của mình.

Theo TS Trần Đăng Khoa, để cải thiện các chỉ số chênh lệch sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền và dân tộc, chúng ta cần phải làm nhiều việc khác nhau. Tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu vùng xa cần có sự phối hợp các cấp các ngành. Chính phủ đã đầu tư nhiều hạng mục giao thông để khắc phục điều kiện về khoảng cách, cơ sở vật chất, trang thiết bị mạng lưới y tế cũng được đầu tư bài bản… Hy vọng các chỉ số tử vong mẹ và con, chỉ số suy dinh dưỡng thấp còi… sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu sốĐội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Nhờ có đội ngũ cô đỡ thôn bản, hàng chục nghìn bà mẹ đã có thai kỳ an toàn, trẻ sơ sinh được chăm sóc đúng cách, giúp giảm thiểu tình trạng tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu số và miền núi,

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những Bệnh Dịch Chết Người Từng ‘Biến Mất Không Dấu Vết’ | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn