Những rạn nứt ở NATO

28-11-2019 19:42 | Quốc tế
google news

SKĐS - Kế hoạch phòng thủ của NATO ở khu vực Baltic và Ba Lan trước mối đe dọa từ Nga đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ . Những căng thẳng này càng khoét sâu ngăn cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên NATO…

Nội bộ NATO lục đục

Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm  70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đến gần, tuy nhiên ngày càng xuất hiện nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải giữa các thành viên NATO.

Đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria, hay những hành động “không thể đoán định” của Tổng thống Mỹ Donald  Trump khiến nhiều thành viên NATO cho rằng tổ chức này đang thiếu tư duy chiến lược, và cần có một sự cải tổ. Chỉ một câu nói của Tổng thống Pháp E.Macron rằng “NATO đang trong tình trạng chết não” cũng đã phô bày hiện thực mà NATO đang phải đối mặt đồng thời  làm dậy sóng dư luận.

Đây là một thực tế khi NATO đang hiện diện như một “hình nhân”. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã ra một loạt các quyết định mà không hề có sự tham vấn nào từ NATO mặc dù liên quan tới các thành viên. Thậm chí, họ chỉ biết được thông tin qua twitter, ví dụ như quyết định rút quân đội  khỏi Bắc Syria, trong khi lực lượng này tại đây ngoài binh sĩ Mỹ còn có đặc nhiệm Anh và Pháp  hay việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt  tay với Nga – đối thủ “nặng ký” của NATO-  tấn công qua biên giới vào Syria… cũng khiến các thành viên NATO không hài lòng.

NATO đang bị suy yếu do lục đục nội bộ?

Mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã thẳng thừng  tuyên bố rằng sẽ không ký  kế hoạch phòng thủ của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này nếu Ankara  không nhận được sự ủng hộ của NATO trong việc coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurrd (YPG) ở miền Bắc Syria là khủng bố. Không có “chữ ký” của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai kế hoạch. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đang đẩy các thành viên NATO vào thế đối đầu nhau.

Liệu NATO có nhượng bộ trước những yêu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ hay Ankara sẽ phải xem xét lại những đề nghị với 28 thành viên? Một nguồn tin giấu tên cho rằng, dù gì, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần NATO thông qua kế hoạch quân sự nhằm bảo vệ nước này trong trường hợp bị tấn công.

Bên cạnh đó, các nước NATO còn đang lâm vào một khối mâu thuẫn lớn về các chi phí tài chính, đó là  khi ông chủ Nhà Trắng liên tục phải thúc ép các đồng minh châu Âu phải tăng chi phí đóng góp cho tổ chức cũng như tăng nguồn tài chính dành cho quân sự. Thủ tướng Đức A.Merkel đã lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu sẽ không thể tự vệ nếu không có NATO.

NATO sẽ đối phó với Nga thế nào?

Đặc phái viên NATO cho biết, bản kế hoạch quân sự của khối đang cần  sự ủng hộ của 29 quốc gia thành viên nhằm  bảo vệ Ba Lan, Litva, Latvia, Estonia trong trường hợp Nga tấn công.  Kế hoạch phòng thủ được các nước xây dựng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và NATO cắt đứt quan hệ với Nga.  NATO còn cáo buộc Nga can thiệp tình hình ở Ukraine, bất chấp Nga bác bỏ tuyên bố trên. Tất cả các mâu thuẫn trên khiến quan hệ Nga NATO  roi vào tình trạng đối đầu gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trên thực tế,  NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia,  triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga, điều này khiến Nga “nóng sườn”.  Mới đây nhất, cuộc tập trận quy mô lớn của NATO mang tên “Lực lượng phòng thủ”  với sự tham gia của 18 quốc gia và hàng chục nghìn binh sĩ  sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh ở lục địa châu Âu  cũng khiến Nga “đứng ngồi không yên”.

Theo Moscow, việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO như  phát triển lực lượng khu vực, tổ chức các  cuộc tập trận phô bày sức mạnh quân sự  giữa Nga và Belarus hay  tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Kaliningrad…

Tuy nhiên những mâu thuẫn nội bộ của NATO sẽ khiến Nga mừng hơn bất cứ quốc gia nào, bởi một khi nội bộ lục đục tất sẽ dẫn tới suy giảm sức mạnh và ý chí chính trị.


Hải Yến
Ý kiến của bạn