Không hẹn mà nên, gần như cùng một lúc, hai tác phẩm văn học đã từng đình đám trên thị trường xuất bản nước nhà trong vài năm qua là Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) và Xin lỗi, em chỉ là... (Tào Đình - Trung Quốc) cùng được chuyển thể thành kịch điện ảnh và sân khấu. Bài viết này xin nói lại về một vấn đề không còn mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ: Chuyển thể tác phẩm văn học - những khó khăn và khúc mắc.
Nhọc nhằn “câu chữ”
Mỗi tác phẩm văn học thường có sức sống riêng của nó và được khẳng định giá trị qua thời gian. Càng nổi tiếng, càng được yêu thích thì lại càng là "miếng mồi" béo bở cho các nhà làm phim chuyển thể. Thế nhưng để chuyển thể được một cách "ngọt ngào" từ "câu chữ" sang "hình thể" lại là cả một công đoạn không phải dễ dàng. Nếu nói về chuyện này trên thế giới sẽ là một câu chuyện... rất cũ bởi có quá nhiều tác phẩm điện ảnh lẫn sân khấu đã được chuyển thể thành công, và tất nhiên có cả thất bại. Còn tại Việt Nam, thực tế là cũng rất muôn hình vạn trạng.
Bìa sách Cánh đồng bất tận. |
Nói về chuyện tác quyền của văn học và thái độ của những người "nắm giữ" và "chuyển giao" nó thì phải nói rằng Nguyễn Ngọc Tư đã có một thái độ ứng xử hết sức văn minh. Trong suốt hành trình Cánh động bất tận được chuyển thể và được quan tâm, Nguyễn Ngọc Tư luôn giữ cho mình một vị trí khiêm nhường, một chỗ đứng khuất bóng sau dự án đình đám này. Nếu có lên tiếng thì đó cũng là những lời dễ nghe, dễ hiểu và dễ thấy rằng nhà văn đang tôn trọng tuyệt đối nhà sản xuất và tin rằng họ có cách "ứng xử" đúng mực với đứa con tinh thần của cô. Trong khi đó, Trang Hạ lại chọn cho mình một thái độ "nước sôi lửa bỏng" với câu chuyện của Xin lỗi, em chỉ là... bằng những tuyên bố trên báo, về tình yêu dành cho tác phẩm, về sự cân nhắc, đong đếm và rất nhiều thứ khác nữa. Thực tế, đâu thể so bì được ai yêu con mình hơn ai nhưng việc tuyên bố như thế nào, chọn vị trí nào để quan sát công cuộc "hôn phối" của "đứa con tinh thần" trên một địa hạt mới lại là điều không phải ai cũng biết và hành xử nhiều thiện cảm.
Kỳ vọng hoặc cũng có thể là thất vọng?
Quay trở lại với hai trường hợpnêu trên. Trước tiên, có thể nhận xét ngay rằng hai tác phẩm này "đậm chất" cinema để có thể "tái hiện" một cách sinh động bên ngoài khuôn khổ những trang giấy. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư mang lại cho người đọc những dư vị đắng đót, có phần chua xót và cay nghiệt về thân phận của người phụ nữ, về những mảng đời trên những "cánh đồng bất tận". Tự thân truyện ngắn này đã đủ sức quyến rũ độc giả và sự tái bản liên tục bộ truyện ngắn này là minh chứng rõ nhất. Bỏ qua những ì xèo bên lề liên quan đến tác phẩm thì có thể thấy Cánh đồng bất tận là một sự kiện của giới xuất bản nước nhà.
Nhưng từ sự kiện của giới xuất bản tới sự kiện của giới điện ảnh cũng là một quãng đường quá xa. Cũng may là ở những chặng đầu tiên, thiện cảm của những khán giả quan tâm khi dành cho phim Cánh đồng bất tận đã được "cộng hưởng" rất nhiều từ truyện sang. Cần nói thêm về đội ngũ thực hiện như đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình - người đã được biết tới trước đó với Vũ khúc con cò, họa sĩ Mã Phi Hải cũng rất nổi tiếng với các bộ phim như Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tử hay dàn diễn viên với "nghề cứng" như Dustin Nguyễn (trong vai ông bố), Đỗ Thị Hải Yến (trong vai cô gái điếm tên Sương), Tăng Thanh Hà (trong vai người vợ bỏ đi)... Những bức ảnh đầu tiên về bộ phim khi được đăng tải đã làm nên một cơn "rung động" nhỏ cho những khán giả yêu điện ảnh. Người có công đầu trong việc tìm được những bối cảnh gần như trùng khít với tác phẩm văn học chính là nhà biên kịch lão thành Nguyễn Hồ. Bối cảnh của Cánh đồng bất tận cũng là nơi một bộ phim rất được yêu mến đã từng thực hiện trước đây: Cánh đồng hoang của Vương Hồng Sến.
Với Xin lỗi, em chỉ là... lại là một trường hợp khác. Được chuyển theo sau nhiều "giằng co" và "tham khảo" qua lại lẫn nhau, cuối cùng V.art cũng đã lấy được bản quyền sân khấu và phim (bao gồm cả điện ảnh và truyền hình) của tác phẩm này từ Trang Hạ và Tào Đình. Thực chất, tác phẩm văn học này chỉ nổi tiếng tại Việt Nam đến từ... cái tên. Nếu để tên gốc Món canh tình yêu thì sẽ có câu hỏi chắc gì đã có vở kịch Xin lỗi, em chỉ là... đang được dàn dựng ngày hôm nay? 3 tỷ đồng cho một vở kịch là một con số... không tưởng, thậm chí ngang bằng với một tác phẩm phim truyện nhựa(!?). Thế nhưng, từ 3 tỷ đó để "nấu" lên được "Món canh tình yêu" thì không ai dám đảm bảo nguyên liệu ngon căn bếp sang trọng = đại tiệc ngon miệng? Đơn giản, cái tên Hòang Vũ vẫn còn xa lạ với chính những người làm nghề thì sự kì vọng mà anh phải gánh là quá lớn, dù rằng người chia sẻ với anh là Ngô Quang Hải trong vai trò đạo diễn hiệu ứng hình ảnh.
Văn học - Điện ảnh - Sân khấu mặc dù khác nhau về ngôn ngữ thể hiện nhưng xét chung lại "họ" vẫn là những người hàng xóm thân thiết và lâu năm của nhau. Những cuộc viếng thăm bao giờ cũng đáng quý và chờ đợi những "nồng nàn" từ những cuộc "giao tiếp" đó sẽ được thể hiện trong năm 2010 cũng là lẽ thường.
Đức Thành