Thành phần của pháo hoa không có lợi cho sức khỏe
Bắn pháo hoa là hoạt động thường thấy ở các dịp Lễ, Tết. Nhiều người có sở thích đi xem bắn pháo hoa để chào đón thời điểm mới, ghi dấu sự kiện trọng đại nào đó. Pháo hoa do các đơn vị của Bộ Quốc phòng sản xuất được phép sử dụng rộng rãi.
Người ta kích hoạt pháo hoa bằng lửa châm vào ngòi, khi pháo bắn lên trời ngòi nổ tiếp tục kích nổ những ngôi sao nhỏ li ti, thực chất là phần đầu tiên của quả pháo. Sau khi được kích nổ, những ngôi sao nhỏ bắt đầu tách khỏi pháo hoa và bắn ra nhiều hướng khác nhau. Ngòi sau đó tiếp tục kích nổ phần còn lại của pháo và tiếp tục tạo ra những chùm sao nhỏ li ti. Những chùm sao ở quá trình thứ hai tiếp tục bắn ra nhiều hướng khác nhau và các chùm sao sẽ nổ tung và tạo thành những hình ảnh nhiều màu sắc rực rỡ trên bầu trời.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, nguyên giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, pháo hoa là loại pháo sử dụng thuốc phóng, thuốc nổ và các phụ gia đặc biệt. Thuốc nổ là một hỗn hợp lưu huỳnh và kali nitrat… Ngoài ra, pháo hoa sử dụng rất nhiều chất phụ gia để tạo màu cho ánh sáng. Thực tế, người ta thường cho thêm vào đó một số muối hóa, kim loại... để tạo màu sắc đẹp cho pháo hoa.
Ví dụ, magiê và nhôm đốt cháy tạo ra ánh sáng trắng, muối natri tạo ra màu vàng, stroni nitrat hoặc cacbonat tạo ra màu đỏ, muối đồng tạo ra màu xanh nước biển, bari tạo ra những tia sáng màu xanh lục, stronti tạo ra tia màu đỏ… Các chất tạo màu này có ưu điểm là tạo ra được nhiều màu sắc đẹp, sống động và rực rỡ (màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím...). Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, các chất này không có lợi cho sức khỏe.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho biết, khói pháo hoa về bản chất thì cũng giống các loại khói khác, có cacbon đioxit. Kết hợp với các phụ gia có trong pháo hoa như bari, magie, nhôm… thì nó sẽ trở thành những loại chất độc khó giải phóng. Riêng về chất bari, khi hít phải nó sẽ kích thích phổi, kích thích thần kinh giao cảm, dẫn tới co thắt phế quản, biểu hiện của khó thở, hen suyễn, viêm phổi… Đối với một số kim loại nặng như magie, nhôm thì cũng sẽ gây ngộ độc nếu hít phải.
Nên giữ khoảng cách an toàn khi xem pháo hoa
Theo các chuyên gia, pháo hoa được bắn trong không gian rộng, nếu có các chất độc thì chúng cũng được pha loãng và lại ở tầng phía trên nên độ độc hại cũng giảm. Tuy nhiên, chúng sẽ ít nhiều gây độc cho những người đứng quá gần. Cách tốt nhất là nên đứng xa chỗ bắn pháo hoa vì đấy là chỗ có thể sẽ tích tụ nhiều khói có chứa chất độc nhất. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn tuyệt đối nên đeo khẩu trang để tránh hít phải khói của pháo hoa.
Để bảo vệ sức khỏe thì nên đeo khẩu trang khi xem pháo hoa. Một số điều cần lưu ý là không nên đứng xem pháo hoa ở gần chỗ bắn pháo. Hơi độc ở chỗ này khó được giải phóng, chúng sẽ gây ngộ độc khi hít phải. Khi ngửi thấy mùi khét giống như mùi thuốc pháo thì không nên hít thở sâu và nhanh chóng di chuyển đến nơi thoáng khí.
Theo TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TW, mặc dù pháo hoa được Nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý và tổ chức bắn hàng năm vào các dịp lễ Tết, hay do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi thực hiện nhưng khi đi xem pháo hoa, đốt pháo hoa để đảm bảo an toàn chúng ta cần lưu ý các điều sau:
Tôn trọng hàng rào bảo vệ của khu vực bắn pháo hoa, tuân thủ các quy định an toàn, xem pháo hoa cách điểm bắn ít nhất là khoảng 160 m. Không cầm nắm, nhìn ngó vào các quả pháo chưa nổ.
Không nghịch ngợm các công cụ trợ giúp, các mảnh văng, các chi tiết còn sót lại của pháo hoa. Chúng đều có nhiệt độ cao, có hóa chất có thể gây bỏng. Trẻ em đi xem pháo hoa cần có một người lớn giám sát.
Không chơi đùa, chạy nhảy khi pháo đang bắn. Dọn dẹp các vật liệu dễ cháy, lá khô, cỏ khô khỏi vùng bắn pháo hoa. Chuẩn bị nước hoặc bột khô để dập các mảnh pháo cháy dở….
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trưa 21/12: Cử Nhân Luật Lại Vướng Lao Lý, “Nữ Tướng Alibaba” Khóc Vì Cảm Thấy Bất Hiếu Với Cha|SKĐS