Những quy định về chế độ thai sản của Luật BHXH mới

30-10-2015 13:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực vào 1/1/2016 rất nhiều chế độ thai sản cho người mẹ mang thai...

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực vào 1/1/2016 rất nhiều chế độ thai sản cho người mẹ mang thai, người mang thai hộ và điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng thai sản linh hoạt hơn. Xin giới thiệu với bạn đọc những thay đổi chính của chế độ thai sản mới của Luật BHXH...

Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Theo Điều 31 của Luật BHXH, trường hợp lao động nữ sinh con, mang thai hộ, nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi thì phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hay nhận nuôi con nuôi thì được hưởng chế độ thai sản. Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi có thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản. Lao động đủ điều kiện mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Những quy định về chế độ thai sản của Luật BHXH mới

Luật BHXH mới có nhiều thay đổi linh hoạt. Ảnh: TM

Luật BHXH còn bổ sung trường hợp chỉ có chồng tham gia BHXH thì khi vợ sinh con chồng được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ bản cho mỗi con.

Chồng được nghỉ thai sản

Tại Điều 34, Mục 2, Chương III quy định, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con sẽ được nghỉ thai sản từ 5-14 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày

Tại Điều 32 của Luật BHXH mới cũng quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.

Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Đối với trường hợp lao động nữ bị sẩy thai hoặc hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 10-50 ngày.

Cụ thể, người mẹ được nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thai sản cho người mang thai hộ

Theo Luật BHXH cũ chưa có quy định chế độ thai sản cho người mang thai hộ nhưng từ 1/1/2016 khi Luật BHXH mới có hiệu lực thì chính sách này bắt đầu được áp dụng. Theo đó, tại Điều 35 của Luật BHXH, người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản về khám thai, sẩy thai, nạo hút, thai chết lưu, chế độ sinh con... từ thời điểm mang thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng.

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Theo Điều 41 của Luật BHXH, thời gian hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản được quy định là từ 5-10 ngày trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc (thay vì trong 1 năm như trước đây). Trường hợp người lao động có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày được quy định chung là bằng 30% mức lương cơ sở. Trước đó, tỷ lệ này trong quy định cũ là 25% lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi tại gia đình, 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi tại cơ sở tập trung.

Đi làm trước hạn

Theo Điều 40 của Luật BHXH, quy định mới về đi làm trước hạn nâng thời gian sau khi sinh con từ đủ 60 ngày trở lên tăng ít nhất 4 tháng. Luật mới quy định người nghỉ thai sản phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 6 tháng. 

Nguyễn Hoàng

 


Ý kiến của bạn