Những quan niệm sai lầm về sốt xuất huyết

30-07-2020 11:52 | Thông tin dược học

SKĐS - Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng vào mùa mưa, phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Mùa mưa là lúc thời tiết thuận lợi cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh, là những tháng cao điểm để bệnh SXH bùng phát thành dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng.

Mặc dù đây không phải là dịch bệnh mới lạ, nhưng do chưa có vắc-xin phòng bệnh nên hằng năm dịch lại bùng phát. Điều nguy hiểm là vẫn còn những quan niệm thiếu chính xác về bệnh... dẫn tới nhiều hệ lụy xấu.

Bị một lần sẽ không bị lại

Virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng không có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Vì vậy, nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các type virus Dengue còn lại. Do đó, dù đã bị SXH, bạn cũng không nên chủ quan mà cần phải có biện pháp phòng muỗi đốt để tránh mắc bệnh.

Giảm sốt là hết bệnh

Khi bị SXH, vào ngày thứ 4 bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày đầu. Nhiều người thấy đỡ sốt nên cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh bởi có thể xuất hiện các biến chứng nặng. Lúc này, người bệnh có thể gặp tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu. Tất cả những biến chứng này chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm. Bởi vậy, ngày thứ 4 tính từ thời điểm sốt là thời gian người bệnh SXH được khuyến cáo nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Cách phòng tránh sốt xuất huyết.

Cách phòng tránh sốt xuất huyết.

Tiếp xúc với người bị SXH là lây bệnh

Nhiều người lo lắng cho rằng việc tiếp xúc người bệnh SXH sẽ bị lây bệnh. Tuy nhiên, SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bởi vậy, khi chăm sóc người bệnh SXH, cần lưu ý tránh muỗi đốt.

Uống thuốc aspirin và ibuprofen khi bị SXH

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Nhưng SXH gây ra tình trạng rối loạn đông máu khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu và gây loét dạ dày tá tràng (có thể gây xuất huyết dạ dày)... 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh SXH trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, trong mùa dịch SXH, tuyệt đối không uống 2 loại thuốc kể trên khi chưa xác định được nguyên nhân gây sốt.

Muỗi truyền bệnh SXH chỉ xuất hiện ở ao tù, nước bẩn

Nhiều người hay lầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Tuy nhiên, muỗi vằn sinh sôi nảy nở ở cả bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng...

Bởi vậy, cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu - là môi trường cho muỗi đẻ trứng, bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.

Phun thuốc muỗi trong nhà một lần là đủ

Việc phun thuốc muỗi trong gia đình chỉ diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Phun thuốc muỗi dập dịch chỉ hiệu quả khi phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư.

Cắt lể vào vết xuất huyết trên da nặn máu độc

Trong dân gian còn lưu truyền cách này và cho rằng sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây là việc làm nguy hiểm bởi sẽ gây chảy máu nặng hơn, tạo cơ hội cho nguy cơ nhiễm trùng...

Ngoài ra, một số người  bệnh SXH còn kiêng tắm vì sợ “hở” lỗ chân lông khiến bệnh nặng hơn. Tuy  nhiên, người mắc SXH không cần kiêng tắm mà nếu kiêng tắm sẽ làm cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ có thể bội nhiễm vi khuẩn.


ThS. Minh Thành
Ý kiến của bạn