Vitamin đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Chúng là các hợp chất hữu cơ tham gia vào các chức năng trao đổi chất khác nhau. Tuy nhiên, dùng liều lượng lớn một số loại vitamin thực sự có thể gây hại.
- 1. Vitamin là vô hại, bổ sung càng nhiều càng tốt
- 2. Vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh
- 3. Stress dẫn đến thiếu vitamin
- 4. Vitamin có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch
- 5. Chất chống oxy hóa có thể phòng ngừa ung thư
- 6. Vitamin giúp chống lão hóa
- 7. Vitamin liều cao giúp phòng ngừa bệnh mãn tính
- Những đối tượng cần bổ sung vitamin
Dưới đây là hiểu lầm phổ biến về vitamin:
1. Vitamin là vô hại, bổ sung càng nhiều càng tốt
Nhiều người lầm tưởng rằng với một lượng nhỏ vitamin đã tốt cho cơ thể, thì lượng lớn phải tốt hơn. Điều này hoàn toàn không đúng, vì liều cao có thể sẽ gây hại.
Ví dụ, các vitamin A, D, E và K là những vitamin hòa tan trong chất béo, có nghĩa là chúng có thể được lưu trữ trong cơ thể. Dùng liều cao các loại vitamin này, đặc biệt là vitamin A, trong thời gian dài có thể gây độc do thừa vitamin A.
Một số vitamin hòa tan trong nước cũng có thể gây ra tác dụng phụ ở liều lượng cao. Ví dụ, vitamin B6 có liên quan đến tổn thương thần kinh khi dùng với liều lượng lớn.
Đối với một người trưởng thành khỏe mạnh, nếu sử dụng chất bổ sung, chúng thường phải được bổ sung ở mức gần với mức tiêu thụ trong chế độ ăn uống được khuyến nghị. Thông tin về lượng thực phẩm bổ sung cung cấp có thể được tìm thấy trên bao bì.
Không nên bổ sung vitamin liều cao trừ khi được khuyến cáo dưới sự tư vấn của bác sĩ.
2. Vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh
Nhiều người nghĩ rằng vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới, nhưng vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn để chứng minh điều này.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng liều lượng lớn vitamin C (hơn 1.000 mg mỗi ngày) liên tục hoặc khi bạn mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh, có thể làm dịu một số triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh - trung bình, khoảng nửa ngày. Nhưng vitamin C không ngăn ngừa được cảm lạnh.
Cũng cần cân nhắc những rủi ro sức khỏe liên quan đến việc dùng liều lượng lớn vitamin C. Liều lượng lớn có thể gây buồn nôn, đau quặn bụng, đau đầu, mệt mỏi, sỏi thận và tiêu chảy. Nó cũng có thể cản trở khả năng cơ thể xử lý (chuyển hóa) các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn, có thể dẫn đến nồng độ sắt tăng lên một cách nguy hiểm.
Lượng vitamin C dư thừa trong cơ thể cũng có thể gây trở ngại cho các xét nghiệm y tế, như xét nghiệm tiểu đường, cho kết quả sai.
Người lớn cần khoảng 45 mg vitamin C mỗi ngày và bất kỳ lượng dư thừa nào cũng được đào thải ra ngoài.
3. Stress dẫn đến thiếu vitamin
Thiếu hụt một số vitamin và axit béo omega-3 có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, nhiều khả năng là do căng thẳng, trầm cảm hoặc thói quen lối sống không lành mạnh (như ngủ không đủ giấc hoặc hút thuốc) hơn là do thiếu vitamin.
Vì vậy, khi bạn cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi không dẫn đến thiếu vitamin, vì vậy việc bổ sung vitamin cũng sẽ không làm mất cảm giác căng thẳng này.
4. Vitamin có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch
Vitamin E được quảng cáo rộng rãi như một chất chống oxy hóa có lợi có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Nhưng, một số đánh giá quy mô lớn đã kết luận rằng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chất bổ sung vitamin E ngăn ngừa được tử vong do bệnh tim.
5. Vitamin chống oxy hóa có thể phòng ngừa ung thư
Vitamin A với liều lượng lớn không chữa được ung thư và có thể gây độc, đặc biệt nếu được dùng dưới dạng viên uống thay vì thực phẩm. Có một số bằng chứng cho thấy vitamin E có thể đóng một vai trò nhỏ trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, điều này đã không được chứng minh hoặc bác bỏ.
Trong khi một số ý kiến cho rằng bổ sung nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư thông thường, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị, nhưng bằng chứng vẫn chưa hỗ trợ điều này. Trên thực tế, nó đã được chứng minh rằng chất chống oxy hóa thực sự có thể can thiệp vào một số phương pháp điều trị y tế cho bệnh ung thư bằng cách giúp bảo vệ các tế bào ung thư mà các liệu pháp nhằm tiêu diệt.
Một số nghiên cứu về việc sử dụng thực phẩm bổ sung đã cho thấy:
- Vitamin A (beta-carotene) được cho là làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, nhưng có liên quan đến sự gia tăng các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư phổi ở những người hút thuốc, nếu được bổ sung ở dạng bổ sung.
- Một số nghiên cứu dài hạn đã chỉ ra rằng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư phổi không giảm bằng cách bổ sung liều cao có chứa vitamin E, C hoặc selen.
6. Vitamin giúp chống lão hóa
Vitamin E thường được coi là nguồn tiềm năng để ngăn ngừa lão hoá. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng liều lượng lớn bất kỳ loại vitamin nào có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược tác động của lão hóa. Không một loại vitamin nào có thể phục hồi ham muốn tình dục hoặc chữa vô sinh.
7. Vitamin liều cao giúp phòng ngừa bệnh mãn tính
Hiện, tình trạng thiếu vitamin không phải là phổ biến, nhưng việc hấp thụ không đủ một số loại vitamin, do chế độ ăn uống không lành mạnh cũng thường xảy ra và có liên quan đến một số bệnh mãn tính. Chúng bao gồm bệnh tim mạch, ung thư và loãng xương.
Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để nghiên cứu tác dụng của việc bổ sung vitamin có thể ngăn ngừa bệnh mãn tính, và các bằng chứng xung quanh chế độ dinh dưỡng và chế độ ăn uống liên tục thay đổi. Điều quan trọng là bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin với liều lượng cao.
Những đối tượng cần bổ sung vitamin
Các chất bổ sung có vai trò nhất định đối với một số nhóm người. Ví dụ, những người theo chế độ ăn kiêng giảm cân trong thời gian dài hoặc những người có vấn đề kém hấp thu, chẳng hạn như tiêu chảy, bệnh celiac, xơ nang hoặc viêm tụy, có thể được hưởng lợi từ thực phẩm bổ sung.
Thực phẩm bổ sung axit folic được khuyến khích đặc biệt cho phụ nữ có kế hoạch mang thai và mang thai để giảm nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh, như tật nứt đốt sống. Ngoài ra, những người theo chế độ ăn thuần chay, đặc biệt nếu đang mang thai, có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin B12.
Những người cần phải bổ sung vitamin nên tham khảo ý kiến của một chuyên gia dinh dưỡng, người có thể kết hợp với bác sĩ điều trị bệnh để đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống liên quan đến tình trạng cụ thể.
Nếu bạn cần uống bổ sung, tốt nhất là nên bổ sung vitamin tổng hợp theo chế độ ăn uống được khuyến nghị, thay vì bổ sung chất dinh dưỡng đơn lẻ hoặc vitamin tổng hợp liều cao.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19