2.000 đồng với thời giá hiện nay bạn mua được gì? Nhúm hành, chén nước, điếu thuốc, 2/3 công giữ xe máy...? Nhưng 2.000 đồng có thể mua được cả một suất cơm đầy đặn có canh, rau, thịt thêm trái chuối tráng miệng! Đó là những suất cơm dành cho người nghèo đang nở rộ trên mọi miền đất nước đã bật lên được bao điều đáng suy ngẫm. Mà trước hết, hai ngàn đồng đó mua được nụ cười của những người đang khó khăn, đau khổ vì nghèo đói. Hai ngàn đồng đó mua được tiếng chuông trách nhiệm và tình thương “nhường cơm, sẻ áo” rung lên trong lòng mỗi người trước những khó khăn của đồng loại.
Những “quán cơm 2.000 đồng” xuất hiện chắc chắn không vì mục đích lợi nhuận mà là để giúp đỡ người lao động nghèo khó nhưng 2.000 đồng lại mang đầy ý nghĩa nhân văn. Những người mở quán có thể miễn phí hoàn toàn, nhưng “khách” phải “mua” dù là với số tiền tượng trưng bởi người nghèo lại giàu lòng tự trọng không muốn “xin”.
Theo tôi biết dù chưa đầy đủ, ở Cần Thơ có quán tại số 15/38 đường Hoàng Văn Thụ (P.An Hội, Q.Ninh Kiều), số 8A3, hẻm 3T2, đường 30/4 (P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều). Ở Quảng Ngãi có quán “Nụ cười sông Trà” tại số 63 Chu Văn An. Tại TP. HCM có tới 5 quán như ở số 6 Hồ Xuân Hương, Q.3 hay số 6 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1... Ở Hà Nội trước đây có quán cơm gánh bà Kềnh tại ga Hàng Cỏ được một người không xưng tên đưa hàng tháng 20 ngàn đồng (tiền bấy giờ) để lo bữa cho các cháu đánh giày bán báo quanh đấy.
Những “quán cơm 2.000 đồng” đã phần nào san sẻ gánh nặng cho một bộ phận không nhỏ những người bán vé số, phụ hồ, sinh viên... đang oằn mình đối mặt với “bão giá” có được một bữa ấm lòng.
Những người “không nghèo” cũng có lần đến đây ăn như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đến dùng cơm với người nghèo và úy lạo hôm 21/3 khi quán “Sông Trà” khai trương. Trưa hôm 4/7, bà Mai Thị Hạnh, phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn rủ bạn tới dùng bữa trưa với người nghèo tại quán “Nụ cười 1” ở số 6 Cống Quỳnh, TP.HCM. Các vị đến ăn thanh toán “đúng giá” 2.000 đồng và sau đó bỏ ra một khoản tiền riêng không nhỏ đóng góp cho quán để lo mua gạo, thức ăn phục vụ người nghèo. Phu nhân Chủ tịch nước có thể gửi tiền, chuyển khoản đến quán để ủng hộ nhưng bà muốn được ngồi cùng, ăn cùng người nghèo không chỉ là sự hòa đồng, xóa những ngăn cách trong xã hội mà lớn hơn, được thấy sự thật, thấy những số phận, những mảnh đời cụ thể để có những thay đổi, thật đáng trân trọng.
Để có “quán cơm 2.000 đồng” còn biết bao người tự nguyện đến nấu nướng, phục vụ không đòi hỏi công xá. Đặc biệt có cả “ông Tây” 61 tuổi, người Mỹ là John William Kelly, nhưng những người trong quán thường gọi là “Chon” làm không công 6 ngày/tuần trong 3 tháng! Mà “Chon” vốn là Giám đốc bưu điện của TP.Palo Alto (bang California, Mỹ), nhân viên dưới tay ông lên đến 300 người cơ đấy. Năm 2011, khi nghỉ hưu “Chon” mới có cơ hội bay đến Việt Nam để tham gia tặng quà, giúp đỡ người nghèo khổ, trẻ mồ côi, khuyết tật... Suốt 3 năm nay đều thế và gần đây đã gia nhập quán để làm một điều gì đó “có ý nghĩa hàng ngày”.
Những “quán cơm 2.000 đồng” và hạnh phúc của cả người nhận, người trao không thể tiền bạc nào mua được! Hy vọng rồi đây, những quán cơm tương tự sẽ xuất hiện nhiều thêm trên mọi miền đường đất nước.
Lê Quý Hiền