Táo bón là chứng bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở người cao tuổi, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh, người bị liệt sau tai biến mạch máu não, người làm việc ở văn phòng và ở mọi mùa trong năm nhưng nhiều nhất là mùa thu...
Các phương chữa bệnh cụ thể
Trị táo bón nặng do phủ vị bị tà nhiệt, sốt, ra nhiều mồ hôi, bụng trướng đầy, căng tức, phân táo kết, rất khó đại tiện: đại hoàng, hậu phác mỗi vị 9g; chỉ thực 6g, mang tiêu (natrisulphat) 15g. Ba vị thảo dược sắc lấy nước. Cho mang tiêu vào quấy đều. Uống trước bữa ăn. Khi đã thông đại tiện thì ngừng thuốc ngay. Không dùng cho phụ nữ có thai và sau khi sinh. Trường hợp táo bón ở mức độ vừa phải, có thể bỏ vị mang tiêu.
Gừng tươi là vị thuốc trị táo bón do chân khí hư, huyết thiếu. |
Trị táo bón do sốt, ra nhiều mồ hôi,phủ vị bị thực nhiệt nhưng bụng không bị trướng đầy: đại hoàng 9g, mang tiêu 15g, cam thảo 6g. Hai vị thảo dược sắc lấy nước, rồi hòa mang tiêu vào uống, ngày một thang, trước bữa ăn. Khi hết táo bón thì dừng thuốc. Không dùng cho phụ nữ có thai và sau khi sinh.
Trị táo bón do chân khí hư, huyết thiếu gây nên: đại hoàng, hậu phác, đương quy mỗi vị 9g; chỉ thực 6g, mang tiêu 15g; nhân sâm, sinh khương mỗi vị 5g; quế chi, cam thảo mỗi vị 3g; hồng táo 1 quả. Sắc uống, ngày một thang chia 3 lần, trước bữa ăn 1,5 giờ.
Trị táo bón sau bệnh xích, bạch lỵ cấp tính khiến bụng trướng, căng tức, đại tiện khó khăn: đại hoàng, hoàng bá, hương phụ mỗi vị 15g; khiên ngưu tử 20g, mang tiêu 10g; mộc hương, binh lang, chỉ xác, trần bì, tam lăng, nga truật mỗi vị 5g. Tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 9g, ngày 2 lần trước bữa ăn.
Trị táo bón, đại tiện rất khó khăn nhưng bụng lại đau, lạnh ở vùng rốn: đại hoàng, mang tiêu, đương quy, phụ tử (chế) mỗi vị 9g; can khương (gừng tươi), cam thảo mỗi vị 6g; nhân sâm 3g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần trước bữa ăn.
Lưu ý: Khi các triệu chứng táo bón đã thuyên giảm thì nên dừng thuốc. Đối với phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh và trẻ nhỏ chỉ cần dùng một số vị thuốc mang tính nhu nhuận như vừng đen nấu cháo hoặc thảo quyết minh sao đen, hãm uống. Đối với các trường hợp bị táo bón nặng, đại tiện khó khăn, kèm theo xuất huyết, có thể gia thêm một số vị thuốc cầm máu: hoa hòe, địa du, nhọ nồi sao cháy...
Để phòng chứng táo bón, trước hết trong các bữa ăn luôn đảm bảo có rau xanh, tốt nhất là các loại rau có chứa các chất nhầy như rau đay, rau mồng tơi, rau khoai lang...; các loại củ như khoai lang, củ đậu...; các loại hoa quả như đu đủ, chuối chín, dưa chuột...; các loại hạt như vừng, đỗ xanh...
GS. TS. Phạm Xuân Sinh