Chữa viêm bằng nọc độc ong
Điều trị bằng nọc độc ong trong đó có việc bị đốt bởi một con ong mật còn sống hoặc tiêm trực tiếp nọc độc ong là một phương pháp xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Hippocrates – một y sĩ thời Hy Lạp cổ đại - được xem là ông tổ ngành y khoa phương Tây đã phát hiện khả năng chữa bệnh viêm khớp, các vấn đề về khớp của nọc độc ong. Sở dĩ có khả năng này vì nọc độc ong chứa melittin, một chất có đặc tính chống viêm (theo nghiên cứu tiến hành năm 2016 công bố trên Tạp chí Molecules). Cơ chế chống viêm của melittin được các nhà khoa học Hàn Quốc nghiên cứu phát hiện đó là peptit chủ yếu trong nọc ong. Nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy chỉ cần một lượng thấp nọc ong cũng đủ làm giảm mạnh sự sưng tấy mô và hình thành gai xương. Tiến hành nghiên cứu hiệu quả chống viêm của melittin trong tế bào hoạt dịch của bệnh nhân mắc bệnh tê thấp cho thấy melittin ngăn chặn sự phát triển của các gen gây viêm như COX-2, do đó làm giảm sự viêm nhiễm. Mặc dù điều trị bằng ong chích có thể giúp đẩy nhanh quá trình giảm đau, sưng viêm, ngăn ngừa tàn tật ở những người mắc đa xơ cứng nhưng nọc ong vốn được xem là một loại độc dược bởi nó chứa nhiều thành phần axit formic. Nếu một người không may bị ong đốt có thể gặp phải các hiện tượng như sưng tấy, đau buốt…thậm chí có thể bị ngộ độc, dị ứng hay tử vong. Do đó, việc điều trị này vẫn không được sự chấp thuận của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm để lưu hành rộng rãi. Ngày nay, điều trị viêm khớp bằng nọc độc ong vẫn được sử dụng ở Châu Á, Đông Âu và Nam Mỹ.
Dùng ấu trùng ruồi xanh để điều trị vết thương nhiễm trùng
So với những phương pháp điều trị khác được mô tả trong bài viết này, điều trị vết thương nhiễm trùng bằng dòi khá mới, chỉ được sử dụng cách đây khoảng 100 năm. Việc điều trị bằng ấu trùng ruồi xanh hay còn gọi là dòi được áp dụng vào năm 1928 bởi bác sỹ quân y John Hopkins, ông đã sử dụng dòi đẻ trứng trong những vết thương mưng mủ của người lính trên chiến trường. Chúng phá hủy các mô chết và để lại những mô khỏe mạnh bằng cách sản xuất các yếu tố chống vi khuẩn. Ngoài ra, phương pháp này được sử dụng để chữa các vết viêm loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường,giảm sự nhiễm trùng và chữa lành vết thương. Năm 2004, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng dòi như một liệu pháp thông minh trong điều trị vết thương hở.
Đỉa chữa tắc nghẽn mạch máu, giảm sưng đau
Theo Boldsky, liệu pháp sử dụng đỉa trong y học đã có từ thòi cổ đại, phổ biến nhất vào đầu thế kỷ XIX nhưng sang đầu thế kỷ XX, phương pháp này dần bị lãng quên vì các nhà chuyên môn cho rằng đỉa không phù hợp với các yêu cầu của khoa học hiện đại. Nhưng đến những năm 1960, các bác sỹ lại bắt đầu sử dụng nó trong việc cứu chữa người bệnh, phương pháp này được gọi là Hirudotherapy. Đỉa giúp giảm sưng đau ở chân, cải thiện rối loạn sắc tố da. Các bác sỹ sử dụng đỉa trong phẫu thuật vì nước bọt của chúng giúp loãng máu do đó giảm nguy cơ nghẽn tĩnh mạch. Đỉa cũng thúc đẩy lưu thông máu sau phẫu thuật.
Chích máu để chữa bệnh Hemochromatosis
Hemochromatosis là một chứng rối loạn di truyền gây ra bởi lượng sắt quá nhiều tích tụ trong cơ thể. Khi có quá nhiều sắt tích tụ nó có thể gây độc cho gan, tim, tụy và khớp. Để loại bỏ sắt ra khỏi cơ thể các bác sỹ dùng phương pháp chích. Một nửa lít máu được lấy ra từ cơ thể mỗi tuần cho đến khi mức độ sắt trong cơ thể về mức bình thường. Việc này phải duy trì mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Sau đó, các thủ tục chích máu giảm đần đi để duy trì mức độ sắt bình thường. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của việc chích máu để điều trị hemochromatosis là cảm giác mệt mỏi, thiếu máu cũng như khả năng nhiễm trùng.
Trị trầm cảm bằng sốc điện
Mặc dù mới được ứng dụng vào năm 1930 nhưng liệu pháp ECT – trị trầm cảm bằng sốc điện – được xem là một phương pháp khá “rùng rợn”. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về sức khỏe tâm thần thì ECT là một cách điều trị an toàn và hiệu quả cho những người bị bệnh trầm cảm nặng. Cách chữa này là việc cho dòng điện với một lưu lượng nhỏ sẽ được truyền qua bộ não bằng cách cấy điện cực trong não hoặc đặt các điện cực trên da đầu. Dòng điện sẽ tạo những kích ngất cho toàn bộ não và làm thay đổi các chất hóa học trong não, giúp làm giảm trầm cảm. Biện pháp này từng được cho là ác độc khi áp dụng với các tù nhân trong thời chiến vì chúng được sử dụng một cách vô nhân đạo với dòng điện lưu lượng cao, không gây mê. Ngày nay, khi điều trị ECT được thực hiện gây mê toàn thân, thực hiện 3 lần/tuần, quá trình kéo dài 3-4 tuần đối với các bệnh nhân trầm cảm nặng không thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên việc dùng ECT có ảnh hưởng đến não và các tế bào thần kinh kéo theo các tác dụng phụ như mất trí nhớ, lú lẫn, đau đầu, buồn nôn (theo báo cáo của Đại học Michigan về phương pháp ECT).
Đục hộp sọ chữa xuất huyết, tụ máu não
Trepanation là một thủ thuật phẫu thuật lâu đời nhất trên thế giới, đây là phương pháp khoan, đục tạo thành một lỗ nhỏ trong hộp sọ người. Trepanation được thực hiện trong các nền văn minh cổ xưa để thoát khỏi linh hồn quỷ ám gây bệnh tật hoặc để chữa các bệnh như nhức đầu, động kinh, co giật, chấn thương đầu và nhiễm trùng được xem là phương pháp chữa bệnh ghê rợn. Một phiên bản của Trepanation vẫn được áp dụng đến ngày nay. Các bác sỹ phẫu thuật sử dụng kỹ thuật hiện đại và công cụ y học mới để khoan một lỗ nhỏ trong hộp sọ (nhưng không vào bộ não) để điều trị xuất huyết do chấn thương hoặc khối máu tụ dưới màng cứng. Những chấn thương này thường xảy ra ở những người lớn tuổi bị đột quỵ. Việc sử dụng phương pháp khoan hộp sọ giúp giảm bớt áp lực nội sọ, ngăn ngừa áp lực từ bên trong hộp sọ.
Cấy ghép phân người khỏe mạnh cho người tiêu chảy
Các bác sỹ Trung Quốc từ thế kỷ thứ 4 đã có ý tưởng treo một hệ thống chứa các phân sấy khô của một người khỏe mạnh để điều trị cho một người bị tiêu chảy nặng hoặc ngộ độc thực phẩm. Phương pháp này được gọi là “cấy ghép phân vi sinh”. Đến thế kỷ 16, một bác sỹ người Trung Quốc đã sử dụng “súp vàng” – một hỗn hợp có chứa phân khô hoặc lên men của người khỏe mạnh để điều trị tiêu chảy nặng, nôn, sốt và táo bón. Phương pháp này đến nay được gọi là kỹ thuật FMT – sẽ làm thay đổi các vi khuẩn đường ruột theo chiều hướng tích cực của bệnh nhân điều trị nhiễm khuẩn C.difficile. Theo Tiến sỹ Michael Sadowsky – trưởng nhóm nghiên cứu, thuộc Viện Genomics, Đại học Minnesota: việc nhiễm khuẩn C.difficile ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh, nó gây nhiễm bệnh cho khoảng nửa triệu người và giết chết khoảng 29.000 người trong vòng 30 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Việc ứng dụng kỹ thuật FMT tiền thân là kỹ thuật cấy ghép phân thời cổ đại được các chuyên gia thực hiện bằng cách thu thập các vi sinh vật khỏe mạnh của người hiến tặng có sức khỏe hoàn toàn bình thường. Sau đó, phân được làm sạch các vi khuẩn có hại và được đặt vào ruột của người nhận thông qua phương pháp nội soi. Từ đó giúp bổ sung các vi khuẩn đường ruột thân thiện đã bị tiêu diệt bởi vi khuẩn C.difficile giúp hệ thống tiêu hóa của người bệnh ổn định, giảm các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, buồn nôn.