Hà Nội

Những phụ nữ đứng sau ánh hào quang

20-10-2021 18:38 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - 24.000 cán bộ y tế đã tình nguyện lên đường vào miền Nam chống dịch. Trong số đó có hàng nghìn cán bộ nữ của khắp các cơ sở y tế cả nước đã không ngại vất vả, hiểm nguy vào tâm dịch để cống hiến, nguy cơ lây nhiễm cao...

Ngày 20/10, bên cạnh những niềm vui và lời chúc còn có bóng dáng nhỏ bé của những người phụ nữ miệt mài nơi tuyến đầu, đang ở khu cách ly chưa trở về với con thơ và gia đình.

Sao mẹ chưa về đưa con đi học?

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mận, công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, TTYT huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái hiện đang có mặt tại Khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai.

Có mặt tại Đồng Nai đến nay đã tròn 2 tháng và ngày về nhà với cô con gái đang học lớp 1, vẫn là: "Em vẫn chưa rõ, do đề nghị của tỉnh Đồng Nai, có thể sang tháng chúng em mới về lại địa phương", Mận thật thà kể với chúng tôi.

Ngày 20/10: Những người phụ nữ đứng sau ánh hào quang - Ảnh 1.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mận cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc quen thuộc của mình tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nơi đang điều trị 550 bệnh nhân. Ảnh: PV

Khi tình hình dịch tại tỉnh Đồng Nai đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, Sở Y tế Yên Bái nhận được đề nghị giúp đỡ từ các đồng nghiệp. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh, ngành y tế Yên Bái chỉ đạo các bệnh viện, TTYT lập danh sách thầy thuốc tình nguyện vào Nam. Giám đốc TTYT huyện Trạm Tấu, đã triển khai ngay trong nhóm y tế của huyện. Điều dưỡng Mận là người xung phong đầu tiên lên đường.

"Thời điểm đó, em được biết, các cơ sở y tế điều trị COVID-19 thiếu rất nhiều điều dưỡng, nên em vào Nam sẽ phát huy được chuyên môn của mình, hỗ trợ đồng nghiệp", Mận nhớ lại.

Ngày Mận đăng ký tình nguyện vào Nam, cô đang chăm sóc em gái mổ tại Bệnh viện Nghĩa Lộ. Nhà đã neo người, đi công tác xa chưa biết ngày nào về nên Mận không dám kể với em là mình xung phong đi chống dịch. Cô chỉ dám gửi gắm cho các đồng nghiệp tiếp tục chăm sóc vết mổ chưa kịp khô của em. Đến khi đã ổn định chỗ ăn, nghỉ tại Đồng Nai, Mận mới dám gọi điện về thông báo chị đi Nam chưa biết ngày về.

Nhà chỉ có 2 mẹ con, bé "Cún" tên gọi ở nhà của Nguyễn Thảo Nhi năm nay vào lớp 1. Xa con, Mận đành gửi "Cún" đến nhờ bác ruột chăm và hướng dẫn con học. Cũng may, Yên Bái là tỉnh ở vùng xanh, các con được đến trường, học với các bạn nên bé Cún được các thầy cô quan tâm hơn ở trường. Chỉ khi tối về, mỗi khi Mận gọi điện về con lại hỏi: Sao mẹ đi mãi chưa về đưa con đi học?!

Là điều dưỡng, công việc hàng ngày của Mận là đo mạch, kiểm tra nhiệt độ, dấu hiệu sinh tồn, cấp phát thuốc và tiêm truyền cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Bên cạnh công việc chuyên môn, Mận như người thân của họ chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình.

Có trường hợp 1 bệnh nhân nữ ở Khu B, 50 tuổi, khoảng 40kg sức khỏe rất kém, đau bụng và hay đi ngoài. Những ngày đầu, bà ăn vào lại nôn đấy. Mận là người trực tiếp cõng bệnh nhân đi vệ sinh, đưa bà đi tắm... Và bón từng thìa sữa, thìa cháo cho bệnh nhân ăn. 

Nhìn bác ấy thương lắm ạ. Em thương em khóc, vì nghĩ đến bố mẹ em ở nhà, nên dù công việc có vất vả đến đâu, điều dưỡng chúng em cũng dành hết tình thương đến người bệnh.
Điều dưỡng Mận rưng rưng.

BSCKI Hoàng Minh Đô, Trưởng đoàn công tác của Sở Y tế Yên Bái tại Đồng Nai nói: Ngày 20/8/2021, tỉnh Yên Bái thành lập đoàn công tác gồm 30 cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch tại Đồng Nai trong đó có cử nhân Nguyễn Thị Mận cùng tham gia. Đến nay đoàn công tác của tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai tròn 2 tháng.

Ngay khi vào đến tỉnh Đồng Nai, điều dưỡng Nguyễn Thị Mận được phân công theo dõi điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Khu cách ly tập trung Trường cao đẳng Y tế là nơi điều trị ở tầng 1, tầng 2 trong mô hình tháp điều trị 3 tấng. Chị Mận được giao phụ trách 20 giường cấp cứu.

Là người hòa đồng, nhiệt tình với công việc điều dưỡng Mận nhận được rất nhiều lời cảm ơn của bệnh nhân, đó là phần thưởng quý giá của người bệnh dành cho thầy thuốc áo trắng.

Vào chống dịch, xa gia đình, dù có nhớ nhà, Mận và đội ngũ thầy thuốc không cho phép bản thân được nản lòng mà lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân mới. Mỗi lúc có chuông báo, đội ngũ y, bác sĩ nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị thiết bị, đồ dùng để tiếp nhận ca bệnh.

Công việc cứ tiếp diễn, không có thứ 7, chủ nhật. "Đồng Nai sẽ thật khỏe lại nhanh thôi, và chúng em cũng sẽ được về", Mận vui vẻ.

Người kết nối...

77 ngày trong tâm dịch, đây là quãng thời gian khó quên nhất đối với ThS.BS Hoàng Thị Phú Bằng, Phó Phòng Công tác xã hội, BV Bạch Mai. Trưa ngày 11/8 đặt chân đến TP.HCM, đúng 21h ngày 11/8, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Bạch Mai (BV Dã chiến số 16) tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên.

Trong tâm dịch, ngoài công việc của các bác sĩ làm công tác chuyên môn trực tiếp chăm sóc, cứu chữa người bệnh thì nhiệm vụ của các nhân viên y tế làm công tác hậu cần có ý nghĩa rất nhân văn.

Ngày 20/10: Những người phụ nữ đứng sau ánh hào quang - Ảnh 2.

ThS.BS Hoàng Thị Phú Bằng (người bên phải sát bệnh nhân) cùng các đồng nghiệp BV Dã chiến số 16 trong ngày tổ chức sinh nhật cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Khi thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất ở TP.HCM, người nhập viện liên tục, thông tin gần như bị ngắt quãng, bởi khó có thể liên hệ với người thân. Nhiều bệnh nhân vào viện chỉ có 1 mình. Trên người chỉ có mỗi cái ví nhỏ. Việc làm của các nhân viên phòng công tác xã hội như chị Bằng là phải lưu giữ những kỷ vật của người thân, tìm kiếm thông tin người thân của những bệnh nhân đã mất để trao trả những kỷ vật.

Tất cả điện thoại của bệnh nhân đã mất được nhân viên hàng ngày sạc pin, khi có thân nhân đến nhận lại di vật sẽ gọi điện để điện thoại nào có chuông sẽ trao trả lại cho người thân.

Thời điểm cao điểm nhất tại Trung tâm ICU của BV Dã chiến số 16, nhân viên phòng CTXH phải gọi hơn 800 cuộc gọi hàng ngày để thông báo ngày, giờ bệnh nhân COVID-19 đã mất, thông báo tình trạng các bệnh nhân trong khu hồi sức cho người thân bệnh nhân.
Ngày 20/10: Những người phụ nữ đứng sau ánh hào quang - Ảnh 3.

ThS.BS. Hoàng Thị Phú Bằng cùng các đồng nghiệp của mình đã thực hiện 9.800 cuộc gọi hỗ trợ người nhà bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, những sự kiện như sinh nhật của người bệnh, BS. Bằng cùng các đồng nghiệp đã dành những món quả nhỏ như hộp bánh, bông hoa để tặng cho người bệnh, hay kết nối với người nhà, với con cháu để cùng chúc mừng bệnh nhân… Đó cũng như liều thuốc tinh thần để bệnh nhân có động lực chống chọi với bệnh tật.

Nếu như các bác sĩ lâm sàng là người giúp bệnh nhân được khỏe mạnh về thể chất, thì những việc làm đó các nhân viên phòng CTXH như một liệu pháp để giúp tinh thần người bệnh được tốt hơn, góp phần quan trọng vào sự phục hồi của các căn bệnh về tâm lý.

BS. Bằng cho biết, công tác hậu cần cho một đơn vị ICU lên đến gần 1.000 nhân viên y tế là một công việc rất khó khăn vất vả. Chăm lo đời sống sức khỏe cho nhân viên y tế, cho bệnh nhân, giữ liên lạc với thân nhân của gia đình để giải quyết giấy tờ vướng mắc cho bệnh nhân COVID-19, khi bệnh nhân ra viện, BS. Bằng phải kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm để có những chuyến xe không đồng hay có thêm món quà nhỏ như chiếc khẩu trang, lọ sát khuẩn… tặng bệnh nhân lúc ra viện, đó là những công việc thầm lặng đằng sau nhưng đầy vinh quang.

Những món quà tuy nhỏ về vật chất nhưng có giá trị tinh thần rất to lớn, khiến bệnh nhân rất xúc động. Ngay giữa đại dịch vẫn cảm nhận được tình người ấm áp, vẫn làm được điều tốt nhất để động viên quan tâm đến nhau.

Mỗi bệnh nhân xuất viện đó là niềm an ủi động viên của các bác sĩ, điều dưỡng cho đến tất cả những người làm công tác hậu cần. Đó là niềm động lực để mọi người tiếp tục công tác, điều trị bệnh nhân để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

BS. Bằng nhớ lại trong buổi trao kỷ vật, có một người con đến ôm túi đồ của người cha và bật khóc nức nở "Em rất nhớ ba, trước đây ba em bị tiểu đường, ba không ăn kiêng được nhiều, em cũng nói ba, bây giờ ba em đã mất. Ước gì….! Nhận những kỷ vật thiêng liêng này, em ước gì lúc đấy em không nói nặng với ba như thế". Hay có người chồng trẻ bế đứa con nhỏ đến nhận lại những kỷ vật của vợ, con thơ ngơ ngác còn chưa cảm nhận được nỗi đau mất mẹ là thế nào… điều đó khiến chị rất xúc động.

Những thầy thuốc như chị Bằng đều cố gắng, trao trả lưu giữ lại những di vật để trao lại cho người thân dù đó chỉ là những đồ vật rất đơn giản như gọng kính, đài radio hay mẫu giấy viết động viên tinh thần của người bệnh từ đứa con ở nhà.

Về lại Hà Nội, đang thực hiện cách ly y tế tại một khách sạn nhỏ, đối với BS. Bằng những ngày chống dịch tại TP.HCM sẽ mãi mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên. Ứớc mong của BS. Bằng khi về nhà, sau những ngày xa cách là sẽ được dùng ăn món rau muống luộc chấm tương, nước rau dầm sấu do chính tay ông xã nấu. "Hậu phương vững chắc, tình cảm đồng nghiệp nơi tâm dịch đã giúp chúng tôi những phụ nữ nơi tuyến đầu yên tâm cống hiến", BS. Bằng bồi hồi.

"Vì miền Nam ruột thịt", BV Bạch Mai đã huy động những thầy thuốc tốt nhất, trang thiết bị hiện đại nhất của mình vào tâm dịch. Miền Nam - TP.HCM rồi sẽ khỏe lại. Những thầy thuốc dần được rút về chỉ còn lại những kỷ niệm cống hiến sẽ không bao giờ phai mờ.

Mời các bạn xem them video thầy thuốc trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19:

Thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Anh Tuệ - Ngọc Anh
Ý kiến của bạn