Hà Nội

Những phát minh Y học năm 2015 làm thay đổi thế giới

08-01-2016 09:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Năm 2015 khép lại, khoa học đã khám phá ra nhiều điều kỳ lạ, đã và đang được ứng dụng thành công trong cuộc sống, góp phần làm thay đổi thế giới trong tương lai, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống và trị bệnh cho con người.

1. Vô tình tìm ra thuốc chữa ung thư từ vắcxin sốt rét

Trong khi nghiên cứu tìm kiếm vắcxin bảo vệ sản phụ trước nguy cơ mắc bệnh sốt rét, nhóm chuyên gia ở ĐH British Columbia (Canada),  ĐH Copenhagen (Đan Mạch) đã tình cờ tìm thấy một loại thuốc có khả năng tiêu diệt tới 90% tế bào ung thư.  Đây thực chất là một protein có trong virút sốt rét có khả năng tấn công carbohydrate trong tế bào ung thư và tiêu diệt căn bệnh này.

Tế bào ung thư nhìn qua kính hiển vi điện tử

Sau khi tìm thấy phân tử protein nói trên, các nhà khoa học đã bổ xung thêm độc tố. Sự kết hợp phân tử protein sốt rét với độc tố tạo ra sản phẩm “ngựa thành Tơroa”, có khả năng tìm và diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh kề cạnh thông qua cơ chế thâm nhập vào tế bào ung thư, kích hoạt quá trình “tự tử”, làm cho tế bào ung thư tự triệt tiêu.

Qua thử nghiệm trên chuột với hàng ngàn mẫu tế bào não bị bệnh bạch cầu cho thấy, kết quả rất khả thi, protein ký sinh trùng sốt rét có thể  tấn công trên 90%  khối u trên cơ thể, như: ung thư hệ thống hạch không Hodgkin, ung thư tuyến tiền liệt, hay ung thư xương di căn… Tổng thể, tiêu diệt 9 trong 10 loại bệnh ung thư khác nhau, tuổi thọ những con chuột được thí nghiệm kéo dài, giống như những con chuột bình thường.

2. Tìm thấy sự sống trên sao Hỏa

Cuối tháng 9/2015, Cơ quan nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã thông báo tìm thấy nước lỏng trên bề mặt sao Hỏa. Việc phát hiện này cực kỳ quan trọng bởi nó hứa hẹn sự sống trên hành tinh Đỏ, bởi sao Hỏa là hành tinh giống trái đất nhất trong hệ mặt trời. Thậm chí, đây còn là cơ sở cho việc tìm kiếm người ngoài hành tinh.  Thông tin trên được công bố sau khi tiến hành phân tích thành phần hóa học của những vệt tối kỳ lạ, rãnh sẫm vốn xuất hiện và biến mất theo mùa trên bề mặt sao Hỏa. Các kết quả phân tích khẳng định, những vệt tối này được hình thành bởi nước mặn chảy xuống các sườn dốc của sao Hỏa. Khi những dòng nước mặn bốc hơi, sẽ có rất nhiều vi sinh vật cũng như chất hữu cơ tồn tại trong muối và được bảo quản trong suốt một thời gian dài.

Dấu hiệu có nước trên bề mặt sao Hỏa

3. Sử dụng tế bào biến đổi gen để trị ung thư máu

Một trong những thành tựu khoa học sáng chói của thế giới trong năm 2015 là dùng tế bào biến đổi gen để trị bệnh ung thư máu cho một bé gái người Anh, Layla Richards mới hơn 1 tuổi mắc bệnh bạch cầu thể nặng (leukaemia) sau khi đã hết phương cách cứu chữa. Thành công nói trên là công của Bệnh viện Great Ormond Street (GOSH) ở London. Nơi được trao quyền sử dụng kỹ thuật điều trị tế bào do Cellectis, công ty công nghệ sinh học của Pháp cấp phép. Kỹ thuật có tên biên tập di truyền (genetic editing) cho phép thay đổi các ADN của sinh vật. Như bổ sung các thông tin di truyền nhằm tạo ra các đặc điểm mới hoặc loại bỏ khu vực mã di truyền, tức những vùng gây bệnh nan y cho con người như trường hợp của bé Richards. Đến nay có nhiều kỹ thuật được đưa ra giới thiệu nhưng kỹ thuật mà GOSH sử dụng được xem là khả thi nhất, có tên TALEN

4. Cai thuốc lá bằng… vi khuẩn

Bỏ hút thuốc là công việc không mấy đơn giản, và thực tế, gần 80% số người muốn bỏ thuốc đều thất bại. Để giúp những nghiện thuốc cai được dễ dàng, năm 2015, các nhà khoa học ở Viện Sinh hóa và Scripps Mỹ (TSRI) đã phát hiện một enzym vi khuẩn mới có thể “ăn” nicotine trước khi nó lên não. Các enzym này được tìm thấy trong khuẩn Pseudomonas putida (PD) và hy vọng sẽ có một loại thuốc mới cai nghiện thuốc lá hiệu quả hơn.

Theo giáo sư Kim Jande, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khuẩn PD bài tiết enzyme NicA2, có thể “ăn” nicotine. Khi hút thuốc, nicotine trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng và tồn tại khoảng từ 2 - 3 giờ nhưng sau khi dùng enzyme nói trên, nicotine trong máu sẽ biến mất chỉ trong 9 - 15 phút, đặc biệt nicotine theo máu lên não còn lại bằng 0. Bằng cách ngăn chặn nicotine lên não, sẽ phong bế việc bài tiết dopamine và ngăn chặn sự thèm thuốc. Việc tìm ra enzyme NicA2 không mới nhưng ứng dụng cai nghiện thuốc lá rất mới. Đặc biệt có độ ổn định cao nên rất an toàn và hy vọng sẽ sớm có liệu pháp cai thuốc lá hiệu quả được đưa vào sử dụng trong tương lai gần.

5. Chữa đục thuỷ tinh thể bằng thuốc… nhỏ mắt

Các nhà khoa học ở California, Mỹ, phát hiện hợp chất steroid lanosterol, có thể làm tiêu thủy tinh thể đục và ngừa tái phát sau khi dùng dịch nhỏ mắt. Đây là liệu pháp không xâm lấn cho những người bị đục thủy tinh thể nhẹ và vừa. Ý tưởng ra đời loại thuốc mới nói trên được tình cờ phát hiện thay hai em bé người Trung Quốc bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Kiểm tra kỹ cho thấy hai bệnh nhân nhí này có chung một đột biến làm cản trở cơ thể sản sinh lanosterol, trong khi đó cha mẹ hai em đều không mắc bệnh.

Khoảng 5 năm nữa, sẽ có thuốc nhỏ mắt trị bệnh đục thủy tinh

Sau khi phát hiện thấy điều này, các nhà khoa học lập tức thử nghiệm lanosterol trên thủy tinh thể hiến tặng của người và động vật, kết quả đều cho thấy lanosterol kích hoạt thu nhỏ đục thủy tinh thể một cách khá rõ rệt. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng phát hiện trên được xem là “điểm nhấn” trong điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Lý do steroid này có tác dụng hạn chế poteins tích tụ gây bệnh và nếu thành công, đây có thể là cách điều trị đơn giản, rẻ tiền, không xâm lấn cho những người mắc bệnh đục thủy tinh thể ở thể nhẹ và vừa, ngăn ngừa tái phát, đặc biệt, không phải mổ như phương pháp điều trị truyền thống.

6. Tìm ra siêu kháng sinh chữa bách bệnh

Một trong những phát minh điểm nhấn khác trong năm 2015 là việc phát hiện ra siêu kháng sinh Teixobactin sau 30 năm loại kháng sinh đầu tiên ra đời, có khả năng chữa “bách  bệnh”, từ tụ cầu vàng cho đến vi khuẩn lao, E. coli, hay các loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, đồng thời chống lại các mầm bệnh khó tiêu diệt, không đáp ứng với thuốc kháng sinh mạnh. Thuốc có tên Teixobactin được nhóm chuyên gia ở ĐH Northeastern, Boston, Mỹ, phát hiện thấy tại một đồng cỏ.

Qua các thử nghiệm, Teixobactin có thể giết chết hàng loạt  các vi khuẩn, kể cả MRSA, tụ cầu vàng kháng Methicillin, các loại thuốc kháng sinh thông thường không phát huy tác dụng. Teixobactin đặc biệt hiệu quả kháng lại vi khuẩn dạ dày nguy hiểm và các vi trùng gây hại cho tim, bệnh lao…, không để lại tác dụng phụ, không phát sinh hiện tượng kháng kháng sinh và là bài toán góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng kháng sinh trầm trọng như hiện nay.


Khắc Hùng
Ý kiến của bạn