Những phát minh y học hứa hẹn trong tương lai

09-07-2014 06:00 | Dược
google news

SKĐS - Đây là những ý tưởng độc đáo, chuyển đổi những giấc mơ của con người thành hiện thực, như viên thuốc thay cho ăn uống hoặc giường y tế tự động...

Đây là những ý tưởng độc đáo, chuyển đổi những giấc mơ của con người thành hiện thực, như viên thuốc thay cho ăn uống hoặc giường y tế tự động... Những phát minh có hàm lượng chất xám cao hy vọng sẽ làm cho cuộc sống của con người trong tương lai trở nên tiện nghi, dễ chịu.

Viên thuốc thay cho ăn uống

Ngay từ những năm 50 thế kỷ trước người ta đã dự báo khoảng nửa thế kỷ nữa y học sẽ sản xuất ra được viên thuốc thay cho các bữa ăn, dùng cho những mục đích đặc biệt, nhất là dã ngoại hoặc xa nhà không phải mang theo đồ ăn thức uống hoặc xoong nồi, lương thực lỉnh kỉnh. Sản phẩm có tên: Bữa ăn trong viên thuốc (Meal in a pill).

Mô phỏng công nghệ nghe nhìn kèm mùi vị.

Mô phỏng công nghệ nghe nhìn kèm mùi vị.

Bữa ăn viên thuốc này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề thông qua việc cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể chứ không trọng tâm đến số lượng hay làm no dạ dày nhưng vẫn đảm bảo năng lượng, giống như những bữa ăn truyền thống, rất phù hợp cho các lĩnh vực như quân sự, nghiên cứu vũ trụ, thám hiểm, chống đói trong những trường hợp cần thiết. Nó thỏa mãn vấn đề tâm sinh lý,  thậm chí có thể nhai, ngậm trước khi nuốt.

Thiết bị chiếu ba chiều

Từ lâu, khoa học viễn tưởng đã đề cập đến các loại thiết bị 3 chiều (holograms). Nó đã được đề cập trong phim Star Trek dưới dạng phương pháp giao tiếp khác hay gọi ngắn gọn là kỹ thuật toàn ảnh. Theo nghĩa hẹp, hologram là một bức ảnh phẳng mà nhờ sự bố trí các chi tiết giúp chúng phản xạ ánh sáng một cách thích hợp để nổi lên như một bức ảnh 3 chiều. Theo nghĩa rộng, hologram là ảnh trình chiếu, con người có thể quan sát được vật thể dưới góc bất kỳ, nhìn thấy nhưng không thể sờ được.

Ứng dụng của thiết bị 3 chiều rất rộng, ví dụ như dùng trong hộ chiếu, thẻ tín dụng, sản xuất các loại tem chống giả, trong truyền hình và nhiều ứng dụng tương tự khác. Dự kiến sẽ có mặt trên thị thường trong vòng 1 thập kỷ nữa.

Công nghệ nghe nhìn kèm mùi vị

Để tận dụng tối đa các giác quan của con người, nhất là trong lĩnh vực giải trí, các nhà khoa học hiện đang bắt tay vào nghiên cứu một loại công nghệ mới dùng cho lĩnh vực đa phương tiện, có tên Smell-O-Vision (công nghệ nghe nhìn kèm theo mùi vị), nhất là trong lĩnh vực phim ảnh, truyền hình. Với công nghệ này, con người có thể nghe, nhìn và ngửi thấy các mùi vị, những thứ đang hiện lên trên màn hình. Ví dụ, mùi nho, rượu vang, thậm chí cả những mùi vị món ăn đang xào nấu. Nếu công nghệ này thành công sẽ được xem là điểm nhấn trong lĩnh vực đa phương tiện, mang lại nhiều lợi ích cho con người, nhất là trong lĩnh vực truyền hình, phim ảnh và quảng cáo.

Một trong những sản phẩm tiên phong đi theo công nghệ nói trên là truyền hình ảnh mùi vị qua bong bóng xà phòng, trong khuôn khổ dự án khoa học có tên SensaBubble của GS. Sriram Subramanian người Anh chủ trì. Đây là công nghệ truyền thông đa phương tiện, có khả năng truyền được hình ảnh kèm mùi vị qua bong bóng xà phòng. Với công nghệ SensaBubble, hình ảnh sẽ được đưa lên không khí mang thông tin đến cho con người bằng cách kích hoạt các giác quan khác nhau. Nó tạo ra các bong bóng với kích thước và tần số nhất định, rồi đưa sương mù và mùi hương vào đó, đồng thời kiểm soát hướng đi khi chiếu hình ảnh lên đó. Theo GS. Sriram Subramanian, công nghệ này có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như đồng hồ toả mùi vào giờ cần báo thức hay trò chơi trẻ em kèm theo mùi vị và màu sắc.

Giường y tế tự động

Từ lâu, giường y tế tự động hay bàn mổ tự động đã được đề cập nhiều trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng gần đây các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công và cho ra đời những loại thiết bị kiểu giường nằm. Ví dụ, năm 1997 người ta đã giới thiệu loại giường có tên The Fifth Element có khả năng phẫu thuật, tái tạo hoàn hảo một bàn tay cho một phụ nữ bị chấn thương nghiêm trọng. Các nhà khoa học Pháp dự báo đến năm 2154, tại Điện Elysium sẽ được lắp loại giường y học có khả năng trị được bệnh ung thư, mặc dù nghiên cứu này hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những hướng đi giúp loại giường y học nói trên trở thành hiện thực, hiện nay con người đã cho ra đời công nghệ phẫu thuật bằng siêu robot, giúp thực hiện cả những ca vi phẫu thuật mà con người không thể làm được và tương lai sẽ được tích hợp vào cho loại giường nói trên. Vì vậy, ý tưởng ra đời giường y tế không còn là viển vông nữa. Tuy nhiên, cũng nên phân biệt giường y tế tự động dùng cho mục đích phẫu thuật chữa bệnh (The automated medical bed) khác với giường bệnh viện tự động hóa (Automatic hospital beds) dùng cho nhóm người tàn tật hoặc những người không có khả năng di chuyển được.

(Theo TR, 5/2014)

  Khắc Nam

 


Ý kiến của bạn