Những phát minh từ lòng nhân ái

04-09-2008 15:45 | Thời sự
google news

Anh là chủ nhân của cả chục sản phẩm sáng chế và hầu hết đều đã được đưa vào sử dụng rộng khắp trên thị trường. Và những sản phẩm ấy đã được chính tay anh làm ra từ những ngày mò mẫm sửa chữa điện thoại ở chợ trời,

Anh là chủ nhân của cả chục sản phẩm sáng chế và hầu hết đều đã được đưa vào sử dụng rộng khắp trên thị trường. Và những sản phẩm ấy đã được chính tay anh làm ra từ những ngày mò mẫm sửa chữa điện thoại ở chợ trời, cho đến khi đã là chủ một xưởng sản xuất gồm toàn những người khuyết tật. Phát minh của anh dù ít, nhiều, to, nhỏ nhưng đều không nhằm mục đích vì thu lợi nhuận cho mình, mà dành cho cộng đồng và những ý nghĩa nhân văn. Anh là Trần Văn Tín - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ điện tử (I.C.E).

 Đam mê lớn nhất của anh Trần Văn Tín là sáng chế ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống.
 
Khởi đầu câu chuyện, anh Tín đã tỏ vẻ rất tiếc nuối vì trước kia, cần vốn để kinh doanh, đã bán đứt công nghệ màng bảo vệ điện thoại di động (một chiếc lưới nhỏ ngăn sóng âm đi vào tai, bảo vệ tai) cho một công ty Malaysia với giá 24.000 USD. Anh bảo, bán cho họ, giờ nếu muốn sử dụng, người dùng phải bỏ tiền túi đến 7 USD để mua. Trong khi nếu không bán công nghệ mà tiếp tục sản xuất, một chiếc màng chỉ có giá 1 USD.

Sinh ra trong gian khó ở Huế nhưng anh Tín sống tuổi thơ ấu tại Đà Nẵng. Trong nhà chỉ có hai anh em nhưng cô em gái bị tàn tật do nhiễm chất độc da cam. Mình anh phải cùng ba mẹ làm lụng vất vả để sinh sống và chữa bệnh cho em. Đúng lúc ấy mẹ anh lâm bệnh nặng, ngày tháng gắn với chiếc giường trong bệnh viện. Khó khăn chồng chất nhưng anh vẫn vượt lên để học thật tốt. Với quyết tâm học hỏi, nghiên cứu các môn học tự nhiên mà anh có năng khiếu và nổi trội hơn, năm 1987, anh được chọn du học tại Đại học Bách khoa Ki-ép (Liên Xô trước đây). Sau 6 năm du học anh Tín trở về Việt Nam với tấm bằng đỏ ngành máy tính. Anh Tín về nước làm thuê hết công ty này đến công ty khác nhưng đồng lương không đủ trang trải, em gái tàn tật vì chất độc da cam, mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Hai năm sau anh chuyển vào TP. Hồ Chí Minh.

Thời ấy, điện thoại di động (ĐTDĐ) mới bắt đầu được nhập vào Việt Nam với kiểu máy... to đùng, sẵn hiểu biết điện tử, anh ra "chợ trời" đường Hùng Vương, quận 5 để hành nghề sửa chữa máy, mua bán máy tính. Nhưng nào có dễ, lại bị "ma cũ" bắt nạt, rồi mấy gã ma cà bông rình rập phá đám, anh phải nhờ người bạn làm công an trực tiếp dẫn ra chợ trời để giới thiệu: đây là bạn tôi, sẽ ngồi sửa chữa điện thoại ở đây, mong mọi người giúp đỡ. Mất hơn 5 năm lăn lộn ngoài đường, khi ấy, anh chẳng bao giờ dám nghĩ tương lai sẽ ra sao, ngày mai là thế nào? Tất cả chỉ phụ thuộc vào lượng khách sửa điện thoại mà thôi.

 Anh Trần Văn Tín đang làm việc.
 
Ở hoàn cảnh ấy, làm giàu chính là suy nghĩ của bất cứ ai, nhưng nhất định anh Tín không bao giờ đặt lợi ích kinh tế của công ty lên đầu, mà chú trọng vào ý nghĩa của sản phẩm. Người lạc quan chẳng bao giờ kêu than vì cuộc sống, mà luôn biến khó khăn thành những điều kiện để mình có thể cải thiện tương lai. Những lúc trông mẹ trong bệnh viện, anh Tín được mấy cô y tá thương tình cho ngủ ngoài hành lang, thì đó lại là những khoảng thời gian quý báu để anh nghiền ngẫm sách vở, loé lên nhiều ý tưởng để áp dụng vào sau này. Anh tâm sự: "Thực ra mỗi người có một thú vui riêng, còn thú vui của mình là... mày mò, đó cũng là niềm an ủi, là đam mê để mình tồn tại đến ngày hôm nay".

Những sáng chế đầu tay của anh Trần Văn Tín đều liên quan đến điện thoại di động. Đó là máy kiểm tra căn bản pin có chức năng sạc tất cả các loại pin của ĐTDĐ đồng thời kiểm tra chất lượng pin và thời hạn sử dụng. Sản phẩm thứ hai là màng bảo vệ ĐTDĐ (bảo vệ tai nghe để hạn chế ảnh hưởng của sóng điện từ đến bộ não, thần kinh người sử dụng). Sản phẩm này khi nhập từ nước ngoài có giá khoảng 7 USD/cái. Sau nhiều đêm nghiên cứu anh Tín đã chế tạo ra sản phẩm này với giá chỉ bằng 1/7 so với giá ngoại nhập. Sản phẩm thứ ba là máy sạc ĐTDĐ gắn trên xe gắn máy.

Thời gian đầu, do kinh tế khó khăn, hầu như tất cả những ý tưởng, những sản phẩm có ích như thế anh Tín đều phải... bán nóng hoặc công ty anh chỉ nhận làm "gia công" cho chính sản phẩm do mình sáng tạo ra để một công ty khác dán mác lên thành phẩm khi bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần và đi ngược với mục đích, ý nghĩa sản phẩm của anh. Anh nói rằng, với bộ tiết kiệm điện anh gia công và bỏ hàng tại TP, giá thỏa thuận bán ra chỉ 200.000đ nhưng có cửa hàng nâng giá bán đến 450.000đ. Đây là điều làm anh đau lòng nhưng không thể nào can thiệp khi không đủ sức để tự"độc quyền" sản phẩm của chính mình.

Sau khi đã có một số vốn, anh mở công ty ở TP.HCM và xưởng sản xuất ở Thủ Dầu Một - Bình Dương, chính thức đi vào hoạt động tự chủ. Tại đây, nhà phát minh lại cho ra lò ba sản phẩm nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm gas trong sinh hoạt, tiết kiệm xăng cho xe máy. Nhóm sản phẩm này đã nhận được giải thưởng Sao vàng đất Việt.

Tụ bù tiết kiệm điện có giá 70.000 đồng, khi cắm vào bất kỳ vị trí ổ cắm điện trong gia đình, công sở sẽ giúp tiết kiệm 15-20% điện tiêu thụ. Kỹ sư Tín cho biết: một số nơi có dây dẫn không đúng (hoặc quá lớn hoặc quá nhỏ) làm khả năng dẫn điện kém, ngoài ra đối với những thiết bị điện có cảm ứng (môtơ, máy lạnh, tủ lạnh) nếu đã có tuổi thọ, sức ì của máy sẽ kéo lượng điện tiêu thụ thường nhiều hơn so với công suất thiết kế ban đầu. Tụ bù điện có chức năng giúp công suất tiêu thụ trở về công suất thực. Nhờ chức năng ổn định và tiết kiệm điện này, các thiết bị máy bơm , máy lạnh, tủ lạnh... càng tăng độ bền cao hơn.

Tương tự, bộ tiết kiệm xăng ICE cũng có tính năng như một thiết bị hỗ trợ đánh lửa bugi xe gắn máy. Thiết bị gồm một mạch điện tử có hai phần: điôt bảo vệ chống xung ngược và vi mạch của Nga (1,5kV) giúp tăng điện thế cao áp và đốt nhiên liệu thừa trong máy, muội than sạch không bám đầu piston và supap nên giúp động cơ chạy nhanh hơn. Giá thành một bộ tiết kiệm xăng cũng chỉ 15.000 đồng.

Một lần có người bạn thân cùng lớp do chạy đường làng, đèn xe không đủ sáng nên lọt xuống một chiếc hố, sau đó chết do chấn thương sọ não. Đi đưa tang bạn về, kỹ sư Tín trở nên lặng lẽ và miệt mài trong phòng thí nghiệm. Người nhà thấy anh đi mua một chiếc xe máy cũ, suốt ngày tháo lắp xe. Hết ba chiếc xe máy thì bộ tăng sáng cho đèn xe máy ra đời. Chỉ cần gắn thiết bị vào mặt đèn pha, đèn sẽ giữ độ sáng ban đầu mà không tùy thuộc vận tốc của xe (chạy nhanh đèn sáng, chạy chậm đèn yếu), chỉ có giá 20.000 đồng.

Trái với suy đoán của nhiều người, điều khiến người đàn ông trạc 40 tuổi này tâm đắc nhất, lại là được làm việc cùng với các em khuyết tật. Hiện công ty anh có gần 100 bạn trẻ khuyết tật đang làm việc.

 Những thợ khuyết tật tại Trung tâm của anh Tín.
 
Lý do vì sao anh lại lập ra một trung tâm sản xuất quy tụ nhiều người khuyết tật như vậy? Vì cô em gái khuyết tật của anh, cô bé đã tỏ ra rất đỗi hạnh phúc khi được người anh trai nhờ mình làm một việc gì. Và ngạc nhiên hơn, anh Tín phát hiện ra người khuyết tật làm việc chuyên tâm và chính xác hơn trong thao tác so với những người bình thường. Hẳn phải có một tâm hồn trong sáng lắm, anh mới cảm nhận được điều này.

Thế rồi anh nảy ra ý định sẽ nhận người tàn tật về để đào tạo nghề. Bắt đầu là 5 đứa trẻ, anh đã phải đào tạo khá vất vả để họ có thể quen với công việc đòi hỏi kỹ thuật, vì đó là những người có học vấn thấp, và anh đã phải tốn công gấp 5 lần bình thường để có thể dạy dỗ, nhưng khi đã thành nghề thì đó lại chính là những người thợ chuyên cần nhất, cẩn thận nhất. Anh Tín cho rằng việc làm đó tương tự như báo ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ mình, giờ anh sẽ làm việc đó với những người khác. Khởi đầu thật khó khăn, đã có những lúc anh phải nhờ tới sự trợ giúp của một người học trò có gia đình bán phở, để thày trò anh có được nửa tháng ăn phở miễn phí.

Nhiều người đã thầm nghĩ vì sao anh đang phải chăm sóc mẹ già bệnh nặng, em gái tàn tật nhiều năm, giờ lại "vác thêm trách nhiệm" cho hàng chục người tàn tật khác nữa. Họ cho rằng anh "có vấn đề". Nhưng anh Tín thì nghĩ khác, em gái anh sẽ có sự vui vẻ, hòa đồng hơn khi có thêm những bạn bè cùng cảnh ngộ. Thêm vào đó, người khuyết tật được làm việc và có hiệu quả chứ không phải là chỉ mang tính cưu mang đơn thuần.

Xã hội thường nhìn nhận người khuyết tật là cần được giúp đỡ, cưu mang, nhưng anh Tín còn học được ở họ sự chung thủy và chân tình. Mỗi lần đi xa về, họ, những người thợ, học trò khuyết tật lại ùa ra đón anh, sà vào lòng như đón người thân ruột thịt. Bởi vậy, anh đang nung nấu ý định sẽ mở một trường nhỏ đào tạo nghề cho những người khuyết tật, để xã hội sẽ nhìn nhận chính xác hơn về những con người thiệt thòi này. Đó là sự cảm động, chân thành mà chỉ có tấm lòng nhân ái mới có thể hình thành nên.

Bài và ảnh: Hoàng Anh


Ý kiến của bạn
Tags: