Nhắc đến những hoàn cảnh tại TP Hồ Chí Minh đã và đang gặp khó khăn, rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, không giấu được cảm xúc.
Ông cho biết, trong suốt quá trình tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế đã làm hết sức mình để giảm thấp nhất số ca tử vong, nhằm hạn chế tối đa số lượng các em nhỏ phải rơi vào hoàn cảnh mồ côi.
Tuy nhiên, để các cháu có cuộc sống trở lại bình yên, an lành và phát triển theo đúng những mong muốn của xã hội, thì không chỉ riêng ngành y tế, mà cần phải có sự chung tay của làng xóm, láng giềng, các đoàn thể, tổ chức chính trị và cả xã hội. Bởi dịch COVID-19 đã khiến TP Hồ Chí Minh tổn thất về kinh tế, về xã hội và đặc biệt hơn là những tổn thất với các em nhỏ khi dịch COVID-19 đã mang người thân của các em đi mãi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Bên cạnh những hỗ trợ đột xuất, về lâu dài, việc tạo điều kiện ổn định tâm lý cho các cháu là hết sức quan trọng. Song, để làm được vấn đề này thì các cơ quan liên quan phải xây dựng kế hoạch hết sức chi tiết, để làm sao có biện pháp, kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các cháu để trở thành người có ích cho xã hội".
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, tác động lớn nhất và nghiêm trọng nhất đối với trẻ em ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là vấn đề tâm lý. Do đó, ông Nam lo ngại nhất lúc này chính là vấn đề chăm sóc, trị liệu tâm lý cho trẻ em mồ côi.
Để vừa đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa giúp các em giảm bớt sang chấn tâm lý, Cục Trẻ em đã chỉ đạo địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.
Ông Nam cho rằng: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp, chúng ta cần có một chính sách tổng thể để hỗ trợ, chăm lo cho các em ngay tại gia đình. Đặc biệt là những em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn.
Về trước mắt, chúng tôi đã có những phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong việc điều phối, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Đồng thời, nghiên cứu khảo sát để tiếp tục đánh giá tác động của đại dịch đến trẻ em để từ đó có những cơ chế, giải pháp, kế hoạch về lâu dài".
Ông Nam ví dụ, đối với các gia đình bị suy giảm nguồn thu nhập do giãn việc, mất việc làm, hộ nghèo, hộ gia đình công nhân... cần lấy trẻ em làm trung tâm để từ đó, có chính sách đặc thù để đảm bảo việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Đặc biệt là những đối tượng là trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ngoài công lập – nơi có nguy cơ bị đứt gãy các nguồn hỗ trợ xã hội bởi dịch COVID-19.
Ông Nam nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng đã đặt ra, phải phát triển toàn diện trẻ em, phải đảm bảo các quyền của trẻ em, trước thách thức của dịch COVID-19, cần phải chính sách đặc thù để đảm bảo. Đơn cử như điều chỉnh các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, trong đó lấy mục tiêu về trẻ em làm trọng tâm.
Về lâu dài, ông Nam cho rằng, phải có cơ chế chính sách, quy trình, tiêu chuẩn để ứng phó hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh; rút ra bài học, kinh nghiệm từ dịch COVID-19, từ đó, nghiên cứu chính sách bảo vệ trẻ em mang tính lâu dài.
Đại diện Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM cho biết, nhằm can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19, Hội đã xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp liên tịch với các tổ chức trong mạng lưới bảo vệ trẻ em triển khai các chương trình can thiệp và hỗ trợ như: Mở rộng các hoạt động kết nối giữa một bên là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và một bên là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có khả năng cung cấp và hỗ trợ dịch vụ bảo vệ trẻ em, trên cơ sở đó, kết nối và trao các gói hỗ trợ sữa, lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác cho trên 7.000 trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 trong cộng đồng và các cơ sở trợ giúp trẻ em với kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Đồng thời, phối hợp triển khai nhóm nhân viên công tác xã hội thực hiện công tác quản lý ca, quản lý trường hợp, duy trì việc thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý và trợ giúp pháp lý cho trẻ, các gia đình khi gặp các vấn đề khó khăn cần trợ giúp.
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ, trên cơ sở đó triển khai các hoạt động kết nối nguồn lực trong cộng đồng nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ (trong đó có các gói can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp vừa có các chương trình can thiệp phục hồi sau dịch, ưu tiên các hỗ trợ về giáo dục).
Theo ông Nguyễn Văn Tính - Phòng trẻ em bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh), hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 1.392 trẻ em mồ côi dưới 16 tuổi, 600 thanh thiếu niên từ 16 – 18 tuổi mồ côi vì COVID-19; 381 cụ già neo đơn không có người thân chăm sóc vì con cháu qua đời do COVID-19.
Thời gian qua, Thành phố và các "Mạnh Thường Quân" đã khẩn trương triển khai các phương án hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời động viên nhằm ổn định tâm lý bước đầu cho nhóm trẻ em đặc biệt, cụ thể:
UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các sở, ngành cùng UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức yêu cầu khẩn trương tiến hành khảo sát nguyện vọng từng trường hợp, để từ đó, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý, chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng ý hỗ trợ mỗi trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi một phía nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo là 2 triệu đồng/trường hợp, 1 triệu đồng/trường hợp bé sơ sinh là con của sản phụ nhiễm COVID-19.
Đặc biệt, Sở LĐTB&XH TP HCM và Tổng Công ty Điện lực TP HCM đã ký thỏa thuận đỡ đầu, hỗ trợ dài hạn cho 35 trẻ em mồ côi do COVID-19. Chương trình bảo trợ này bắt đầu từ tháng 10/2021, mỗi trường hợp mồ côi vì COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận học bổng trị giá 24 triệu đồng/năm (tương đương 2 triệu đồng/tháng).
Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu UBND TP HCM xây dựng chương trình huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho trẻ mồ côi và người già neo đơn do COVID-19. Trong đó có 9 dịch vụ chăm lo hỗ trợ như: chăm sóc tinh thần, sức khỏe, thể chất, dinh dưỡng...
Theo ông Tính, về lâu dài, trên cơ sở Đề án chính sách hỗ trợ và chăm lo của TP, UBND TP sẽ giao các đơn vị có thẩm quyền phối hợp và có hướng dẫn cụ thể đối với các hoạt động có liên quan khác.
Chương trình "Vòng tay yêu thương" của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chính thức được ra đời (ngày 16/10) với mục đích tăng cường kết nối, vận động các nguồn lực xã hội từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp chung tay đóng góp kinh phí đầu tư thêm trang thiết bị y tế (máy thở, lồng ấp trẻ sơ sinh); giúp việc hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 ổn định cuộc sống, được hưởng các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.
Chương trình vận động hỗ trợ sữa thay thế dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ với mức hỗ trợ 6.000.000 đồng/trẻ/năm. Vận động trao tặng quần áo sơ sinh cho trẻ dưới 36 tháng tuổi mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/trẻ (hỗ trợ 1 lần). Vận động trao tặng quần áo, đồ chơi giúp trẻ mồ côi từ 4-10 tuổi, mức hỗ trợ trị giá 1.000.000 đồng/trẻ (hỗ trợ 1 lần). Vận động hỗ trợ phương tiện học tập cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi, mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/trẻ (áp dụng trong học trực tuyến năm 2021). Kết nối, nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu trẻ mồ côi. Hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền trẻ em cho trẻ theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo Loan (Từ tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh)