Ngày hôm qua, cộng đồng mạng dậy sóng tranh cãi vụ việc "giết baba trên sóng truyền hình" của Vua đầu bếp Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một hành động "dã man" không nên chiếu trực tiếp cho khán giả thấy. Một số ý kiến khác lại cho rằng việc giết baba để chế biến món ăn là chuyện rất bình thường của một người đầu bếp nên làm.
Nhưng cái đáng nói nhất ở đây, chính là cách biên tập của BTC chương trình, khi cố tình quay cận cảnh việc thí sinh “giết hại” baba và cắt ghép lại. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì các thí sinh đang khá căng thẳng với bài thi của mình nên họ cũng nghĩ sẽ làm cách nào nhanh nhất để có thể hoàn thành nhiệm vụ, chính việc biên tập "non tay" của những người làm công việc "bếp núc" chương trình đã khiến các thí sinh tham gia ít nhiều bị ảnh hưởng.
Một câu chuyện "không có gì" cũng rất dễ trở thành phản cảm khi qua bàn tay biên tập của nhà sản xuất, đặc biệt trong hoàn cảnh các chương trình truyền hình đang cạnh tranh gay gắt tỉ suất người xem như hiện tại. Một kịch bản có đôi chút màu sắc "giật gân" sẽ thu hút sự chú ý, tò mò của khán giả hơn. Chính tâm lý chạy đua đó đã khiến nhiều chương trình tạo ra scandal, đôi khi vô tình mà có lẽ cũng rất nhiều khi là cố ý.
Trước Vua đầu bếp, có không ít chương trình truyền hình thực tế đã vấp phải scandal do biên tập phản cảm, hoặc gây ra những tranh cãi trái chiều trong cộng đồng khán giả:
Thí sinh nude trước ống kính, sờ soạng nhau trên truyền hình
Chương trình truyền hình thực tế Người giấu mặt (Big Brother) lần đầu tiên về Việt Nam cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi đa phần do cách biên tập của nhà sản xuất. Đây là chương trình ghi lại cuộc sống sinh hoạt của 12 thí sinh trong ngôi nhà chung hoàn toàn cách ly với bên ngoài.
Ở thử thách giảm cân trong một tập của chương trình được phát sóng, một số thí sinh nữ đã không ngần ngại cởi đồ và bán nude trước ống kính để giảm đi vài lạng. Trong một tập khác, khán giả thậm chí còn "bị" chứng kiến cảnh các thí sinh nữ có nhiều màn... sờ soạng cơ thể nhau công khai.
Khi chương trình lên sóng, biên tập cũng đã làm mờ những chi tiết "nhạy cảm" khi quay cảnh thí sinh bán nude nhưng khán giả xem truyền hình vẫn lên án gay gắt việc này, nhất là khi chương trình được phát trên VTV6 – kênh giáo dục, giải trí dành cho Thanh thiếu niên của đài truyền hình Việt Nam.
Bóp méo giới tính để câu khách, biểu diễn lố lăng
Còn nhớ Vietnam's Got Talent năm đầu tới Việt Nam, chương trình đã tạo được những hiệu ứng tốt trong cộng đồng khán giả, bởi không chỉ mang tới những phần trình diễn đa dạng mà còn đem lại nhiều tiếng cười với những màn diễn "thảm họa" của thí sinh. Rất nhiều thí sinh đi thi theo hình thức "mua vui" là chủ yếu được nhà sản xuất đưa lên sóng truyền hình nhằm lôi kéo sự chú ý của người xem.
Trong số đó, có không ít những màn biểu diễn lố lăng, dung tục của các thí sinh đi thi. Nhiều thí sinh còn bóp méo giới tính của mình để làm trò như... diễn tuồng trên sân khấu. Có thể kể đến Got Talent mùa 2012, một thí sinh tên Huy Dũng đã giả gái lên sân khấu, thậm chí buông lời... tán tỉnh nhạc sĩ Huy Tuấn. Sau vài phút ban đầu, giám khảo Thúy Hạnh đã yêu cầu anh chàng này vào trong sân khấu thay trang phục để biểu diễn nghiêm túc.
Phát ngôn gây sốc
Nhắc đến scandal của Vietnam's Got Talent, khán giả hẳn vẫn còn nhớ trường hợp của thí sinh 15 tuổi Quỳnh Anh đã gây xôn xao, tranh cãi trong dư luận suốt một thời gian dài thời điểm năm 2012. Sau khi thí sinh này không được BGK chọn, mẹ cô bé đã lên thẳng sân khấu, giành micro của con để "phản bác" lại quyết định của BGK.
Sau khi chương trình kết thúc, có rất nhiều bình luận ác ý nhắm vào gia đình Quỳnh Anh và cuộc sống của cô bé 15 tuổi chắc chắn không còn được như trước. Trước tình huống này, rất nhiều khán giả đặt ra câu hỏi rằng việc biên tập, phát sóng những lời "phản biện" của người mẹ ấy có "ác" với cô bé 15 tuổi? Liệu đó có phải là một "gia vị cảm xúc" được ban tổ chức nêm nếm có phần thái quá?
Khi giám khảo đóng vai ác
Việc các giám khảo của truyền hình thực tế phản ứng gay gắt với thí sinh cũng là một chiêu "câu" khán giả của nhiều chương trình. Tuy nhiên có nhiều màn phản ứng hơi "quá" cũng bị khán giả đánh giá là phản cảm.
Trở lại với Vua đầu bếp Việt Nam mùa trước đây, những hành động của giám khảo như đổ thức ăn vào sọt rác, nhổ thức ăn khi vừa nếm xong cũng bị dư luận lên án gay gắt. Hoặc giám khảo nặng lời khi nhận xét thí sinh (có thể thấy trong các chương trình như Vua đầu bếp hoặc Vietnam Next Top Model) là chuyện... thường ở huyện.
Rõ ràng đây cũng nằm trong số những chiêu "giật gân" của chương trình để thu hút khán giả, và bản thân những hình ảnh này cũng từng xuất hiện trong phiên bản gốc tại nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam, điều này còn xa lạ với phần đông khán giả và việc tạo cảm giác phản cảm trên sóng truyền hình là rất dễ xảy ra.