Những ông “bụt trắng” giữa rừng Mô Rai...

02-01-2015 00:15 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Các chú khẩn trương xuống xe, để lái xe còn kịp vào bệnh xá chuyển ca cấp cứu lên tuyến trên”...

“Các chú khẩn trương xuống xe, để lái xe còn kịp vào bệnh xá chuyển ca cấp cứu lên tuyến trên”... Nghe mệnh lệnh khẩn trương ấy, chúng tôi đã vội vã ném hành lý xuống trước cổng đơn vị, bám theo chiếc xe U-oát xuôi rừng. Câu chuyện tôi bắt gặp trên là về những người lính mặc bluose trắng, Bệnh xá quân dân y Mô Rai, Ðoàn Kinh tế Quốc phòng 78, Binh đoàn 15. Họ được bà con ví như những ông “bụt trắng” hiện lên giữa rừng sâu xã Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum...

Chuyện những ông “bụt trắng”

Mất gần một ngày đường từ trung tâm thành phố Kon Tum, ì ạch mãi với những ổ lợn, ổ voi nhầy nhụa, trơn trượt, xe chúng tôi mới có mặt tại Bệnh xá quân dân y Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum. Trời chiều mưa tầm tã, chúng tôi vừa về tới Mô Rai, anh lái xe đã nhận lệnh chuyển bệnh nhân ra Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Bệnh nhân là chị Y Hơi, một phụ nữ trẻ ở phía Nam Mô Rai. Chị đau dữ dội ở vùng thượng vị, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Qua theo dõi cơn đau, các y sĩ, bác sĩ kết luận, đây là căn bệnh nặng, có thể phải đại phẫu, bệnh nhân cần chuyển lên tuyến trên đề phòng bất trắc. Bế bệnh nhân nằm ngang ghế, 2 y sĩ nhảy lên xe... Chiếc xe U-oát nhả khói đen đặc, lội bùn trong mưa hơn 120 cây số, hướng về thành phố Kon Tum...

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh xá.

Trò chuyện cùng Trung úy, bác sĩ Vũ Thị Minh Hiếu, Trưởng bệnh xá quân dân y Mô Rai cho biết: Bệnh xá quân dân y Mô Rai, đóng quân trên địa bàn khá rộng thuộc xã Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum. Biên chế của đơn vị có 14 y, bác sĩ, hộ lý, phục vụ, thì trong đó có 1 bác sĩ, 5 y sĩ được đào tạo cơ bản, có một chuyên khoa nội - nhi... Đặc biệt, bệnh xá có một cơ sở khang trang bốn dãy nhà liên hoàn kiên cố, thoáng sạch, khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Với 20 giường bệnh, những trang bị như: máy siêu âm, máy Xquang, máy soi kính hiển vi, máy hút nhớt cho trẻ sơ sinh, đèn sưởi ấm thân nhiệt... So với trình độ đào tạo thì những trang bị ở đây vẫn chưa đáp ứng theo chuyên môn, trình độ của các y bác sĩ, nhưng với địa bàn cấp xã đã là sự cố gắng lớn của Ban Giám đốc Đoàn 78. Đến nay, bệnh xá được xem là đơn vị có cơ sở, vật chất tương đương cơ sở y tế tuyến huyện, cả về điều kiện vật chất và con người. Chi nhánh bảo hiểm xã hội huyện Sa Thầy, Kon Tum, đã liên kết khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh xá, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con...

Từ ngày đi vào hoạt động đến nay chưa có năm nào thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đội ngũ y bác sĩ ở đây thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tính cực tự học, đào sâu chuyên môn, nâng cao khả năng khám chữa bệnh... Nhiều người có chuyên môn giỏi như bác sĩ Vũ Thị Minh Hiếu, y sĩ Lê Huy Hoàng, y sĩ Nguyễn Thị Hương... Gắn bó với bệnh xá từ ngày thành lập, y sĩ Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Bà con ở đây chịu nhiều thiệt thòi, kiều kiện khó khăn, cách biệt với thành thị có điều kiện khám chữa bệnh. Nếu y, bác sĩ ở bệnh xá làm không hết trách nhiệm, lơ là sẽ trở tay không kịp, mang tội về y đức!”. Có nhiều căn bệnh khó, mạn tính, nhưng các y, bác sĩ đã điều trị thành công, được đồng bào yêu mến và làm thay đổi lớn nhận thức, bác bỏ suy nghĩ sai trái của hủ tục, “ốm đau là phải đi bác sĩ, chứ không phải mua lợn, gà về cúng!”. Có nhiều câu chuyện từ các y, bác sĩ chợt nghĩ thật buồn! Đến nay một số hủ tục của đồng bào Jarai, Rơmăn...vẫn còn đeo bám trong tiềm thức của không ít người! Người ốm nằm viện chưa khỏi, người nhà đã giấu đưa bệnh nhân về nhà, mua lợn, gà làm lễ cúng, nhảy múa xua đuổi ma rừng. Hay khi bệnh chỉ mới thuyên giảm đã bỏ bệnh xá về không báo cáo để các y, bác sĩ tiếp tục điều trị và theo dõi bệnh án...

Đặc thù của địa bàn Mô Rai khá rộng lớn, trên thực tế toàn xã có 3 làng đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Sổ sách là vậy, nhưng thực chất cả xã Mô Rai, người lao động trên địa bàn hễ ốm đau lại tìm đến thầy và thuốc 78. Con số thống kê 8 tháng đầu năm, bệnh xá đã khám và điều trị cho gần 2 ngàn lượt người, thu dung điều trị hơn 500 bệnh nhân, chuyển lên tuyến trên hơn 50 ca. Trung bình mỗi ngày có 15 - 20 lượt người đến khám và điều trị, phần lớn là công nhân và người đồng bào dân tộc thiểu số của 7 thôn làng Mô Rai...

Các y bác sĩ Bệnh xá quân dân y Mô Rai khám chữa bệnh cho bà con.

Những “mụ ông” mát tay!

Ngồi bên người đàn ông khuôn mặt chữ điền, cơ thể vạm vỡ, không ai nghĩ đây là người đã đỡ rất nhiều ca sinh đẻ cho chị em. Anh là y sĩ Lê Huy Hoàng, người từng trực tiếp đỡ nhiều ca đẻ khó trong đêm. Điều tôi muốn hỏi, anh rất e thẹn, không muốn kể việc mình làm, nhưng không thể khác, y sĩ Hoàng chia sẻ: “Đơn vị ít quân số nên yêu cầu anh em trực phải đáp ứng được những yêu cầu của nhân dân. Việc các y, bác sĩ nam trực tiếp hộ sinh là chuyện thường! Bắt buộc các y, bác sĩ phải học hỏi và làm tốt để cứu người, chứ tính mạng con người không có sự chờ đợi của nam hay nữ!”. Như lời bác sĩ Hiếu khoe, y sĩ Hoàng là người có kinh nghiệm xử lý linh hoạt, trách nhiệm trong các ca đẻ khó, là người rất mát tay nâng đỡ các thai nhi chào đời, an toàn”.

Giữa rừng thiêng Mô Rai, những đêm mưa giông, gió thổi thốc rừng cây, sấm chớp xé tan bầu trời, nhưng ánh điện trong khuôn viên bệnh xá luôn rực sáng, sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân. Hay chuyện các y, bác sĩ phải băng rừng cấp cứu bệnh nhân, nâng đỡ những sinh linh chào đời... Câu chuyện của y tá Hoàng Văn Nghĩa, quân y đơn vị túc trực ở địa bàn làng Tang, xã Mô Rai kể lại cười ra nước mắt. Chị em trong làng đến kỳ sinh đẻ, dù được các y, bác sĩ bệnh xá vận động ra nằm lại chờ ngày sinh, ngăn ngừa những bất trắc, vậy mà chẳng chuyển biến. Phụ nữ mang thai đến giai đoạn gần sinh đều không có sự chuẩn bị, không kiêng kỵ bảo vệ sức khỏe, để ở nhà lúc nào chuyển dạ mới đến gọi y tá Nghĩa. Không có cách nào khác, dù đêm hôm mưa gió, khi bà con gọi, y tá Nghĩa lại khẩn trương tới nhà, phòng những bất trắc xảy ra! Thông thường các ca cấp cứu rơi vào ban ngày, hay khi còn kịp thời gian, đường sá thuận lợi thì y tá Nghĩa cho chuyển lên bệnh xá. Nhưng cũng lắm lúc, không còn cách nào khác anh trở thành bà mụ mát tay đỡ nhiều em bé chào đời an toàn khỏe mạnh...

Tôi được nghe câu chuyện các anh kể mà có thêm niềm tự hào về đồng đội mình: Mới đây sản phụ Y Dẻ ở làng Le, Mô Rai bị đẻ ngôi mặt, nhưng để ở nhà rất lâu, không đẻ được gia đình mới mang đến bệnh xá. Nhận định rõ vấn đề, các y bác sĩ đã hội ý nhanh và cho xe chuyển viện gấp trong đêm. Khi xe vừa ra đến đèo Ngọc Wuen thì sản phụ đẻ, thai nhi bị ngạt, mặt sang chấn, 2 hộ lý đi theo xe hôm ấy đã xử lý nhanh, vừa chống ngạt cho cháu bé, vừa cấp cứu sản phụ, vừa khẩn trương cho xe chạy gấp ra Bệnh viện Ngọc Hồi cấp cứu, sau đó chuyển bệnh viện tỉnh. Thật vui khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện với các y, bác sĩ thì bác sĩ Hiếu nhận tin vui từ bệnh viện tỉnh, cả mẹ và con sản phụ đã qua cơn nguy kịch, bé trai nặng hơn 3kg bụ bẫm, đang đòi bầu sữa mẹ... Hay câu chuyện của cháu H’rin 5 tuổi, con anh A Thiện ở làng Grập, Mô Rai. Hôm ấy cháu bị hôn mê sâu, các bác sĩ đề nghị chuyển lên tuyến trên, nhưng gia đình cháu nhất quyết đưa cháu về nhà làm lễ cúng. Rất may các y, bác sĩ đã thuyết phục vợ A Thiện, bế cháu lên xe phóng về Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Hai ngày sau cháu khỏe lại, A Thiện đến nói lời cảm ơn các y, bác sĩ. Với các y, bác sĩ, lời cảm ơn hiếm hoi ấy là niềm vui lớn nhất, niềm tin để giữ chân những lương y ở đây.

Y sĩ Hoàng cho biết thêm, địa bàn Mô Rai trước đây rất rộng lớn, đầu quý 2 năm 2014 mới chia tách, lập nên xã mới Nam Mô Rai. Việc chia tách xã đồng nghĩa với nhiều năm liền, các y, bác sĩ nơi đây vô cùng vất vả! Nhiều lúc ngược rừng 50 - 60 cây số thăm khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân... Hiện nay bệnh xá Mô Rai, cùng các đơn vị liên quan đang làm thủ tục chuyển sổ bảo hiểm cho bà con, nhưng là xã mới thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, bà con nhân dân đã quen các y, bác sĩ ở bệnh xá quân dân y Mô Rai nên vẫn tìm đến rất đông. Có nhiều trường hợp cấp cứu, các y, bác sĩ lại phải ra tay cứu chữa, điều trị. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, các anh lại phải vừa chia cả cơm ăn, vừa bỏ tiền túi mua thuốc giúp bệnh nhân... Câu chuyện buồn của đồng bào nơi đây vẫn khiến các y, bác sĩ trăn trở nhiều! Phần lớn chị em mang thai xem việc sinh đẻ là chuyện của trời, không kiêng kỵ, không chăm sóc thai nhi, không chuẩn bị cho việc sinh đẻ, chăm sóc trẻ... Nhiều trường hợp gần đến ngày sinh bệnh xá yêu cầu ở lại nhưng lại bỏ về. Cha ông có câu: “Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời” vậy, các y, bác sĩ lại cắt cử nhau theo dõi từng thai phụ, từng chứng bệnh...

Chiều Mô Rai, tôi chia tay các y, bác sĩ Bệnh xá quân dân y Mô Rai xuôi rừng, hình ảnh già làng Y Hên, làng Le tự hào, rạng nụ cười hạnh phúc khi vừa được chữa trị khỏi bệnh: “Các y, bác sĩ ở Bệnh xá quân dân y Mô Rai như những ông bụt các anh ạ, ông ấy hiện lên và khám chữa bệnh cho bà con làng mình. Cả làng mình, cả xã Mô Rai này biết ơn các ông bụt này nhiều lắm!”. Cùng với những lời biết ơn ấy, đơn vị và cá nhân Bệnh xá Mô Rai đã nhận được nhiều phần thưởng của Sở Y tế tỉnh, Binh đoàn, Công ty 78... Trên đường xuôi rừng, chúng tôi trò chuyện với anh lái xe Nguyễn Văn Bản, anh cho biết thêm, những chi phí xăng xe, phục vụ đưa bệnh nhân lên tuyến trên hằng năm là không hề nhỏ! Ban Giám đốc Công ty bao giờ cũng ưu tiên chiếc xe tốt nhất, tay lái cự nhất, để làm sao đưa các bệnh nhân đi cấp cứu an toàn và nhanh nhất để cứu người. Việc làm ấy là sự đồng hành với những lương y nơi rừng thiêng Mô Rai, giúp họ có thêm tinh thần, nghị lực để cống hiến, hy sinh tất cả vì y đức, vì sức khỏe cộng đồng.

Bài và ảnh:  Văn Hạnh

 

 


Ý kiến của bạn